Vu lan

Cẩm Anh 05/09/2020 14:00

Chữ Hiếu đang mở rộng biên độ của nó, và vì thế, có những tiêu chí của Hiếu thảo hôm nay không còn giống với truyền thống xa xưa.

G. thân mến!

Khi tôi đang ngồi viết thư cho G. thì nhận được điện thoại mẹ tôi gọi, nhắc nhở về việc cúng rằm tháng Bảy. Đương nhiên tôi vẫn nhớ việc này nhưng mẹ tôi như bao người mẹ khác, dù con cái có lớn thế nào, vẫn nghĩ rằng luôn cần được nhắc nhở.

Thế là lại một mùa vu lan, và tôi vẫn thấy mình được hạnh phúc vì còn được bố mẹ nhắc nhở và hẹn về ăn rằm.

G. thân!

Vu lan khiến tôi nhớ rằng trong cuộc đời làm báo, mình đã từng theo đuổi đề tài về 2 chữ Hiếu thảo không ít. Cũng là bởi vì báo Đại Đoàn Kết từng là nơi khởi xướng cuộc thi viết về “ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”. Tờ báo cũng là nơi tổ chức nhiều lần cuộc Liên hoan con cháu Hiếu thảo ở quy mô toàn quốc.

Vu lan khiến tôi nhớ tới một người bạn là một nhà văn tài hoa không đi tu ở chùa nhưng đắc đạo, ăn chay trường và giác ngộ Phật pháp sâu sắc. Người bạn ấy viết nhiều cuốn sách về Phật giáo và có một lần tôi gặp bạn vào giữa tiết vu lan ở Huế. Bạn bảo với tôi rằng ai cũng đều được sinh ta từ cha mẹ. Đạo làm người ai không trọng chữ Hiếu. Kiều bởi chữ hiếu mới bán mình vào lầu xanh. Kinh Phật có nhiều bản đều tôn hiếu đạo, trong đó Địa Tạng kinh còn được gọi với một tên khác là Hiếu kinh.

Bạn cũng giảng giải cho tôi hiểu rằng người đời thấy người tu rời đại gia đình, rời cha mẹ lên chùa hay ở riêng tịnh thất cho là... bất hiếu. Người tu họ hiểu nếu không thành tựu trong sự nghiệp tu tập, sẽ không thể giúp ai có được lại thân người ở kiếp sau nói chi về nước Phật. Ca dao từng đúc kết từ Đạo Phật: “Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”.

Chẳng những thế, đạo Phật còn có hẳn mùa Vu lan báo hiếu. Hiểu chữ Hiếu sâu sắc hơn không phải chỉ là phụng dưỡng cha mẹ của ngon vật lạ mà còn phải sống tử tế ở trên đời mới là Hiếu. Bạn bảo tôi rằng đừng tưởng về xây cho cha mẹ ngôi nhà lớn, thuê người cung phụng hàng ngày của ngon vật lạ, là hiếu. Vì nếu tiền ấy là phi pháp, là tham nhũng tiêu cực bị người đời chửi mắng, ấy chẳng phải là bất hiếu sao? Bởi thế mà để có Hiếu đòi hỏi mỗi người phải sống, không phải chỉ là phụng dưỡng mẹ cha, mà còn là tử tế với cuộc đời.

G. yêu quí!

Lễ vu lan của Phật giáo ngày nay phổ biến trong toàn xã hội. Tôi lại nhớ những ngày tôi đọc bản thảo của những trang viết về gương hiếu thảo trên báo Đại Đoàn kết cách đây nhiều năm rồi, bao giờ tôi cũng dừng lại lâu hơn ở những câu chuyện kể về nỗi ân hận giày vò của những người con đã trót có lỗi với cha mẹ. Tâm sự của họ khiến mỗi chúng ta - những người vào mỗi mùa Vu lan vẫn được hãnh diện cài bông hồng đỏ lên ngực áo, càng thấm thía hơn về hạnh phúc của mình. Xưa nay, những tác phẩm ngợi ca chữ hiếu, những trang viết yêu thương về cha mẹ của các nhà văn, nhà thơ tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây vốn đã rất nhiều. Nhưng không hiểu sao những bài viết giản dị mộc mạc của những người thật việc thật gửi về cho chúng tôi ngày ấy lại vẫn ẩn chứa một sức nặng khác, đầy hấp dẫn. Có những điều mà người trong cuộc vốn đã định đào sâu chôn chặt, nhưng chính những gợi mở của người khác đã khiến họ viết ra, như một cách để cho nhẹ bớt lòng. Đây là một câu chuyện tôi đọc được:

"Đáng lẽ con giấu kín tận đáy lòng câu chuyện về cuộc đời của mẹ. Bởi mẹ không muốn mọi người phải phiền lòng chia bớt nỗi bất hạnh của mình, mà chỉ âm thầm lặng lẽ chịu đựng một kiếp người, trót đã hi sinh cho con, đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Nhưng mẹ ơi! Con đã đọc trên báo Đại Đoàn Kết, nhiều bài viết về ông bà, cha mẹ của chúng ta và đã khóc, dù chỉ là những giọt nước mắt thầm chảy trong đêm. Hình ảnh mẹ hiện rõ trong con, khi trên từng trang báo, có biết bao cuộc đời của bạn bè trên khắp nẻo đường đất nước được tái hiện, làm cho con càng nhớ thương mẹ quá, mẹ ơi!"

Những trang bản thảo ngày ấy mỗi lần đọc xong thì đều chảy nước mắt!

G. thân!

G. có công nhận với tôi rằng đạo hiếu trong thời buổi này là phẩm tính tốt đẹp làm nên nét đẹp sâu lắng của xã hội ta. Khi tôi tiếp cận với những tấm gương hiếu thảo tôi hiểu rằng trong cuộc sống còn vô vàn cực khổ khó khăn, những tấm gương hiếu thảo có sức lan tỏa làm lay động lòng người mà một nhà nghiên cứu hồi đó đã bảo chúng tôi là “những nét chói lòa của tấm lòng hiếu hạnh dưới mái tranh nghèo". Hồi trước ở Đại Lộc (Quảng Nam) còn nổi tiếng với phong trào Nàng dâu hiếu thảo, hàng trăm phụ nữ không máu mủ ruột rà tự nhận các Bà mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ để tình nguyện phụng dưỡng các mẹ đến hết đời.

Nhà báo Yatsushi Kitani – người từng là đại diện báo Akahata (Nhật Bản) tại Việt Nam đã từng viết riêng cho báo Đại Đoàn Kết một bài viết với nhan đề “Con nhìn lưng cha mà lớn”. Một bài báo cách đây quá nhiều năm rồi nhưng giá trị từ thông điệp ấy vẫn còn nguyên vẹn: "Hỡi các bậc làm cha làm mẹ! Chúng ta có thể không nhìn thấy cái lưng của chúng ta, nhưng phải luôn luôn nghĩ rằng: Con cái luôn nhìn theo sau lưng chúng ta đấy".

Khi tôi nghĩ về những kỳ tôn vinh chữ Hiếu, thì đồng thời tôi cũng hiểu rằng xã hội và đời sống đã có biết bao thay đổi. Chữ Hiếu đang mở rộng biên độ của nó, và vì thế, có những tiêu chí của Hiếu thảo hôm nay không còn giống với truyền thống xa xưa. Tính độc lập của gia đình hạt nhân và cá nhân đang ngày càng khẳng định. Chữ Hiếu hôm nay cũng phải được vận hành trong quỹ đạo giá trị ấy. Mà nếu không nhận ra sự biến đổi này, cứ đem khuôn vàng thước ngọc của giá trị hiếu thảo xưa kia làm thước đo, là lạc hậu với thời cuộc. Nhưng dù cho đời sống có biến đổi thế nào, biểu hiện của chữ Hiếu có thể thay đổi cho phù hợp với thời đại chứ căn cốt căn bản nhất của chữ Hiếu không thay đổi. Tôi nhớ có lần đi phỏng vấn một giáo sư đã nói với chúng tôi rằng: "Nếu không nhận ra một cách sâu sắc cái giá trị mang tính vĩnh hằng của chữ Hiếu trong cuộc sống của con người, chừng nào con người vẫn còn sống trên quả đất này, thì là một hụt hẫng nguy hiểm trong đời sống tinh thần của xã hội. Vì dù cho biên độ của chữ Hiếu có mở rộng đến đâu thì cái cốt lõi của nó vẫn giữ nguyên vẹn giá trị."

G. ơi!

Chữ Hiếu không phải là thứ đồ trang sức, nói như bà giáo Nguyễn Thị Oanh, nó là “phẩm chất của nhân cách”.

Chúc G. một mùa vu lan hạnh phúc, với bông hồng cài trên ngực áo!

Hẹn gặp thư sau!

Hiểu chữ Hiếu sâu sắc hơn không phải chỉ là phụng dưỡng cha mẹ của ngon vật lạ mà còn phải sống tử tế ở trên đời mới là Hiếu. Bạn bảo tôi rằng đừng tưởng về xây cho cha mẹ ngôi nhà lớn, thuê người cung phụng hàng ngày của ngon vật lạ, là hiếu. Vì nếu tiền ấy là phi pháp, là tham nhũng tiêu cực bị người đời chửi mắng, ấy chẳng phải là bất hiếu sao? Bởi thế mà để có Hiếu đòi hỏi mỗi người phải sống, không phải chỉ là phụng dưỡng mẹ cha, mà còn là tử tế với cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vu lan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO