Vụ 'Tan hoang rừng phòng hộ': Sớm hoàn chỉnh hồ sơ các vụ vi phạm còn lại để khởi tố

Thành Nhân – Nghĩa Sơn 28/09/2017 15:37

Sáng ngày 28/9, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã trở lại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, trực tiếp gặp ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng thôn 8, xã Tiên Lãnh, ông là một trong những người gửi đơn trực tiếp đến các cơ quan chức năng tố cáo về tình trạng phá rừng ở địa phương.

Qua buổi làm việc, phóng viên đã ghi nhận thêm nhiều tình tiết mới trong vụ việc phá rừng này.

Rừng phòng hộ ở Tiên Lãnh “cơ bản” đã bị xóa sạch.

10 Kiểm lâm viên cũng không giữ nỗi rừng

Đó là khẳng định của ông Trần Ngọc Sơn, ông nói: “Giữ rừng là cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, một kiểm lâm viên làm sao giữ nỗi cả 4.500 ha rừng phòng hộ. Nếu giao rừng cho dân họ không giữ mà phá trồng keo, nhất là liên kết để phá thì một ông chứ mười ông kiểm lâm viên cũng chịu. Ở Tiên Lãnh ông Mai là Kiểm lâm khu vực tích cực đó, nhưng bó tay thôi, vì ông Mai đi đến đâu đều có kẻ thông báo cho người phá rừng biết thì một mình ông ta làm sao thu được tang chứng, bắt được người?”

Ông Sơn cũng cho rằng, càng khó giữ rừng khi có sự tiếp tay của người có quyền lực, có tiền của. Nhưng khi hỏi, ông có chứng cứ và biết cụ thể là ai là quan chức hay tài phiệt tiếp tay phá rừng, hoặc bỏ tiền của tổ chức phá rừng hay không?

Ông Sơn có nêu tên cụ thể vài nhân vật nhưng khi hỏi kỹ ông không có được chứng cứ cũng chỉ là người thu nhập thông tin từ người dân.

“Dân họ biết đó nhưng chắc chắn không dám nói vì sợ trả thù, chỉ có cách lấy ý kiến của dân bằng phiếu kín thì người dân ghi đích danh liền, nhưng cách này có giá trị pháp lý hay không thì tôi không biết”- ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng để xuất: Phải quy hoạch lại rừng, từ mặt hồ trở lên bao nhiêu mét cho nhóm dân trồng quế, phía trên là rừng phòng hộ thì may mới giữ những khoảnh rừng còn sót lại, còn nếu như hiện tại cứ giao rừng cho họ giữ, họ thấy keo có giá trị kinh tế, họ phá rừng thì ai mà giữ nỗi.

Rừng phòng hộ ở Tiên Lãnh bị triệt hạ không thương tiếc.

Còn trồng keo ở núi cao nơi khu vực ông Bảy đã bị bắt, đường sá đi lại hiểm trở xa xôi, chừ có sẵn cho tôi khai thác tôi cũng không làm, thế mà họ phá rừng gieo keo khó hiểu thật. Cơ quan chức năng cũng cần làm rõ điều này”.

Xử lý nghiêm các cá nhân liên quan

Trong khi đó cùng ngày theo báo cáo mới nhất số: 254 /BC-SNN&PTNT về tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng và phá rừng tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước cho thấy: Qua các năm từ 2011 đến 2016 đã xử lý 29 vụ (khởi tố điều tra 11 vụ.

Riêng năm 2017 Hạt Kiểm lâm đã phát hiện lập biên bản 10 vụ về hành vi phá rừng, diện tích thiệt hại 24,790 ha rừng tự nhiên, đã khởi tố 1 vụ án bắt tạm giam một đối tượng, các vụ vi phạm còn lại đang phối hợp cùng Cơ quan Điều tra hoàn chỉnh hồ sơ để khởi tố và xử lý theo quy định.

Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám Đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Sở NN&PTNT đã nhận định những nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm nêu trên. Trước hết Hạt Kiểm lâm Nam Quang Nam mà trực tiếp là Trạm Kiểm lâm quản lý địa bàn huyện Tiên Phước chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao; chính quyền địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp”.

Ông Đức cũng cho rằng: Quan hệ phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm với các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa tốt; Ban quản lý dự án trồng rừng huyện chưa làm tốt vai trò là đầu mối trong công tác chỉ đạo, triển khai; thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hạng mục bảo vệ rừng của các hộ nhận khoán trên địa bàn.

Để nhanh chóng khắc phục những sai phạm nêu trên theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Chi cục Kiểm lâm và chính quyền địa phương tập trung tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan CSĐT tra để sớm hoàn chỉnh hồ sơ các vụ vi phạm còn lại để khởi tố, điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Những cây gỗ tự nhiêm cao to giờ chỉ còn trơ gốc.

Chấn chỉnh và tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm để tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

“Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm nhằm chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ và phát triển rừng” – ông Đức khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ 'Tan hoang rừng phòng hộ': Sớm hoàn chỉnh hồ sơ các vụ vi phạm còn lại để khởi tố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO