Vụ thất thoát hơn 6.300 tỷ đồng ở Ngân hàng Đại Tín: Công ty Phương Trang cầu cứu

Lê Anh 17/05/2018 08:00

Ngày 16/5, Tòa án nhân dân (TAND) TP HCM tiếp tục xét xử các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín).

Tại phiên tòa này, luật sư đại diện Công ty CP Đầu tư Phương Trang cho rằng tài sản của Công ty này đã bị kê biên quá lớn, trong khi thực nợ chỉ 3.936 tỉ đồng. Phía Phương Trang kiến nghị HĐXX cho giải tỏa phần lớn tài sản đang bị kê biên trong vụ án “Cố ý làm trái” gây thiệt hại hơn 6.300 tỷ đồng tại ngân hàng của đại gia Hứa Thị Phấn và các đồng phạm.

Đại diện phía Phương Trang cho rằng đã bị bà Hứa Thị Phấn đẩy dư nợ khống lên 5.256 tỉ đồng cho khoản vay gốc 9.436 tỉ đồng. Cụ thể, để ngân hàng duyệt khoản vay này, Công ty Phương Trang đã phải thế chấp tổng tài sản trị giá lên đến 14.236 tỉ đồng ở thời điểm 2010 – 2012, nay đã tăng lên nhiều lần chưa định lượng cụ thể.

Khoản vay 9.436 tỷ đồng nợ gốc ứng với 82 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu nhưng Công ty Phương Trang chỉ thực nhận 3.936 tỉ đồng. Trong khi đó, số tiền 5.256 tỉ đồng đã bị bà Hứa Thị Phấn “rút ruột” của Ngân hàng Đại Tín và bằng những thủ đoạn tinh vi, đại gia này đã đẩy số tiền này thành dư nợ khống cho Công ty Phương Trang chịu hậu quả.

Đại diện Công ty Phương Trang đã đề xuất với HĐXX hai phương án xử lý tài sản thế chấp: Giải tỏa số tài sản đối với những khoản vay có dư nợ bằng không; đề nghị Phương Trang được thế chấp với tỉ lệ 7:10, tức thực nợ 3.936 tỉ đồng thì Phương Trang sẽ thế chấp tài sản tương đương khoảng 5.600 tỉ đồng, còn số tài sản còn lại đề nghị được giải tỏa.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Tổng GĐ Ngân hàng Đại Tín, Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ) khi được HĐXX thẩm vấn, đã thừa nhận các cáo buộc như cáo trạng đã nêu. Cụ thể, bị cáo Huệ đã ký khống năm giấy nộp tiền với tổng số tiền 330,25 tỉ đồng trong thời gian từ 9/9 đến 28/10/2010.

Bà Huệ cũng ký 5 chứng từ trên theo thông báo của bị can Bùi Thị Kim Loan (trợ lý của bà Phấn), mà không hề nộp tiền như trên chứng từ. Cáo buộc của Viện KSND cũng cho rằng, bà Huệ đã giúp sức cho bà Phấn rút tiền mặt, chuyển khoản thanh lý hợp đồng Dự án Bình Điền và mua cổ phiếu Ngân hàng Đại Tín, qua đó gây thiệt hại cho chính ngân hàng này số tiền hơn 330 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, bà Hứa Thị Phấn đã lợi dụng là cổ đông lớn (nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín) và giữ chức vụ cố vấn cao cấp, đã nắm quyền chi phối, thâu tóm toàn bộ hoạt động của HĐQT, Ban điều hành, cán bộ nhân viên ngân hàng Đại Tín và hai chi nhánh Sài Gòn, Lam Giang của Ngân hàng này. Bằng việc chỉ đạo các đồng phạm thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (Q.1, TP HCM) thuộc sở hữu của bà Phấn lên 1.268 tỷ đồng, cao gấp 8 lần giá thị trường vào thời điểm đó, bà Phấn đã chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng.

Bảo vệ thân chủ tại tòa, LS Lưu Văn Tám, bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn đã đề nghị đại diện Công ty Phương Trang làm rõ sự mập mờ trong 82 khoản vay, một khoản nhận nợ bắt buộc và 2.000 tỉ đồng mua trái phiếu. Trong đó, các khoản vay này đều được ký riêng biệt, độc lập với từng cá nhân, từng công ty hay là ký chung…

Dự kiến, phiên tòa sẽ tuyên án vào ngày 31/5.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ thất thoát hơn 6.300 tỷ đồng ở Ngân hàng Đại Tín: Công ty Phương Trang cầu cứu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO