Vụ việc Nhà máy giấy Lee & Man xả thải gây ô nhiễm: Nuôi cá ngay ống xả thải để giám sát

Lê Quốc Khánh 10/04/2017 08:00

Gần tháng qua, khi Nhà máy giấy Lee & Man đi vào vận hành thử nghiệm (từ ngày 7/3/2017) gây ô nhiễm về mùi hôi, khói bụi, tiếng ồn, người dân đã có đơn phản ánh đến các cấp chính quyền.

Nhà máy giấy Lee & Man cặp sông Hậu đang đe dọa môi trường dòng sông.

Điều mà dư luận băn khoăn là hồi tháng 12/2016, khi nhà máy được cho phép vận hành thử nghiệm thì đến đầu tháng 1/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã yêu cầu dừng hoạt động để thực hiện các yêu cầu theo kết luận thanh tra của Bộ TN-MT. Vậy mà ngày 7/3/2017, nhà máy lại được phép vận hành thử nghiệm trở lại khi chưa hoàn chỉnh các công trình chống ồn, chống bụi, khói và mùi hôi?

Khi người dân và báo chí lên tiếng, Bộ TN-MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường thành lập tổ giám sát giám sát việc xả thải cũng như nguyên nhân gây nên tình trạng hôi thối, khói bụi.

Ngày 3/4/2017, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Môi trường trong buổi đối thoại giữa nhà máy với dân ấp Phú Xuân cho rằng: Tiếng ồn của nhà máy phát ra do vận hành máy móc, thiết bị và tháp làm mát của Nhà máy nhiệt điện gây ra nhưng trong ngưỡng cho phép; mùi hôi là có nhưng không đến mức như người dân phản ánh và nhà máy đang lắp đặt các thiết bị khử ozone để khử mùi; khói bụi là do kho chứa than nhiên liệu và khu đất trống sau kho than có khả năng phát tán bụi khi gió lớn đã được nhà máy khống chế;…

Ông Trần Phong còn cho rằng nhà máy đang lắp đặt các thiết bị để giảm âm thanh gây ồn và cam kết thay cho nhà máy là đến đầu tháng 5/2017 mùi hôi, khói bụi, tiếng ồn không còn nữa. Tuy nhiên, người dân cho rằng tại sao không chờ đến tháng 5/2017 hãy vận hành thử nghiệm?

Nhà máy giấy Lee & Man sau đó có thông cáo báo chí thừa nhận có bụi, mùi hôi, tiếng ồn nhưng cho rằng, những lo ngại về tổn hại môi trường từ nhà máy là không có cơ sở.

Văn bản nêu: “Trong quá trình vận hành thử nghiệm, Lee & Man hợp tác chặt chẽ với các đoàn giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, các thông số quan trắc tự động được kết nối và truyền trực tiếp đến Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang và được quan trắc thường xuyên tại hiện trường. Đến thời điểm ngày 2/4, việc vận hành thử nghiệm được đánh giá là có hiệu quả, các thông số cơ bản nằm trong các giới hạn quy định đã được phê duyệt tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và các văn bản liên quan khác. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề phát sinh và có thể giải quyết tốt hơn và đang thực hiện. Về mùi hôi từ kho chứa bùn và bể hiếu khí: Theo lưu trình xử lý, bùn khô sẽ được xử lý bằng việc trộn với than để đốt. Chúng tôi đã nhận được kết quả phân tích của Trung tâm công nghệ môi trường thuộc Tổng Cục Môi trường ngày 30/3, xác nhận bùn khô không phải là chất thải nguy hại và sẽ thực hiện việc đốt theo lưu trình. Đối với bể bùn thuộc khu vực ép bùn và bể hiếu khí, chúng tôi đang thực hiện và sẽ hoàn tất việc lắp đặt hệ thống tháp khử mùi ozone tại khu vực ép bùn trong tháng 4/2017 để xử lý triệt để mùi hôi. Về tiếng ồn: Thực tế quan trắc cho thấy tiếng ồn trong quá trình hoạt động thử nghiệm nằm trong giới hạn cho phép (50db vào ban đêm và 70db vào ban ngày), tuy nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tiếp một số biện pháp nhằm cải thiện tốt hơn, bao gồm việc lắp đặt vách ngăn tại tháp làm mát trong nửa đầu tháng 4/2017. Về khói và bụi: Các chỉ số quan trắc của nhà máy điện đã được truyền trực tiếp đến Sở TN-MT Hậu Giang và luôn nằm trong giới hạn an toàn đã được phê duyệt. Nhằm ngăn ngừa việc phát sinh bụi trong những ngày gió lớn, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống lưới chống bụi xung quanh kho than và trồng cây tại khu vực đất trống sau kho than. Về nước thải: Các chỉ số quan trắc về nước thải đã được quan trắc và truyền trực tiếp đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang và đều nằm trong giới hạn an toàn. Các mẫu nước thải được giám định cho thấy chất lượng nước thải tốt hơn tiêu chuẩn cho phép”.

Trước đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cảnh báo về nguy cơ khi nhà máy đi vào vận hành bởi đây là vùng sản xuất lúa, vùng sản xuất cây ăn trái và vùng nuôi thủy sản của nhiều tỉnh, thành trong vùng như: Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ. Hơn nữa, nơi khai thác nguồn nước để cung cấp cho hàng trăm nghìn người dân đô thị của thành phố Cần Thơ chỉ cách nhà máy hơn 13 km.

Ông Nguyễn Minh Thế, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Cần Thơ cũng đã có văn bản kiến nghị với UBND TP Cần Thơ vì nhà máy giấy Lee&Man nằm cặp sông Hậu, tiếp giáp với TP Cần Thơ nên mọi hoạt động của công ty này gắn liền với nguồn nước sông Hậu và cấp nước cho Cần Thơ.

Lo lắng trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ việc nhà máy giấy Lee & Man thải ra trên sông Hậu, UBND TP Cần Thơ ngoài việc bố trí những điểm quan trắc tự động, gần những điểm tiếp giáp với nhà máy giấy để có cảnh báo kịp thời cũng đã có văn bản đề nghị với Sở TN-MT cung cấp về các số liệu đo đạc, quan trắc từ nhà máy để xử lý tình hình.

Ngày 5/4, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh triển khai nuôi cá bằng lồng bè trên sông Hậu, ngay miệng ống xả thải của dự án Nhà máy Giấy Lee & Man tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang để kiểm tra nguồn nước xả thải của nhà máy.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, trong tháng 4/2017 sẽ triển khai nuôi cá ngay gần ống xả thải của nhà máy giấy. Số lượng cá nuôi có thể là vài bè để giám sát môi trường. Nếu môi trường nước sạch, an toàn chắc chắn cá sẽ không bị chết.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ thì không phải loài cá nào cũng sẽ chết ngay khi nguồn nước thải ra của Nhà máy giấy Lee & Man bị ô nhiễm. Câu hỏi được đặt ra là loài cá nào sẽ được nuôi ngay miệng ống xả của nhà máy giấy để kiểm tra độ tinh khiết của nước thải?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ việc Nhà máy giấy Lee & Man xả thải gây ô nhiễm: Nuôi cá ngay ống xả thải để giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO