Vừa rút khỏi hiệp ước, Mỹ đã muốn triển khai thêm tên lửa

Khánh Duy 05/08/2019 01:00

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T.Esper, cuối tuần qua nói rằng Mỹ muốn triển khai nhiều tên lửa mặt đất ở khu vực châu Á, chỉ một ngày sau khi nước này chính thức rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ trang có từ thời Chiến tranh Lạnh, vốn được thiết kế để hạn chế các loại vũ khí như vậy.

Vừa rút khỏi hiệp ước, Mỹ đã muốn triển khai thêm tên lửa

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong chuyến công du Australia (Nguồn: NYTimes).

Triển khai tên lửa

Ông Esper- phát biểu trước báo giới trên đường thực hiện chuyến công du Australia- nói rằng Mỹ muốn thực thi kế hoạch triển khai chỉ trong vòng “vài tháng”, nhưng không nêu rõ thời điểm cụ thể, loại vũ khí mà Mỹ muốn triển khai và vị trí chính xác mà các vũ khí trên được triển khai.

“Những thứ vũ khí như vậy sẽ mất nhiều thời gian để triển khai hơn so với các bạn dự đoán”- ông Esper cho hay.

Giới quan sát cho rằng động thái như vậy có thể gây phẫn nộ cho Trung Quốc và Triều Tiên, hai quốc gia từ lâu đã phản đối việc Mỹ triển khai trang thiết bị quân sự gần các đường biên giới của họ, và gần như chắc chắn sẽ gây bất ngờ cho các đồng minh của họ trong khu vực bởi Mỹ đang lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Vào năm 2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung 1987 (INF) sau khi cáo buộc Nga lách các quy định trong Hiệp ước này bằng cách triển khai nhiều tên lửa tầm trung có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn vượt xa tầm bắn hạn chế theo thỏa thuận trên.

Hôm thứ Sáu vừa qua (giờ Mỹ), Washington chính thức tuyên bố rút khỏi INF, nhiều tháng sau khi Nga cũng tuyên bố sẽ ngừng các cam kết trong Hiệp ước này như cách đáp trả phía Mỹ.

Việc Hiệp ước này bị hủy đã tạo ra một lỗ hổng lớn trong hàng phòng thủ của NATO, và khối đồng minh quân sự này tuyên bố rằng họ sẽ phản ứng “có tính toán và có trách nhiệm” trước việc Moscow triển khai nhiều tên lửa vi phạm Hiệp ước INF.

Được biết, Hiệp ước INF được ký kết nhằm cấm các bên sở hữu các loại tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 500 km - 5.500 km. Nga trước đây đã cực lực bác bỏ các cáo buộc vô căn cứ mà Washington đưa ra cho rằng họ đã vi phạm một số điều khoản của INF.

Rủi ro chạy đua vũ trang

Hôm cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper đã tỏ ra khá thận trọng khi nói rằng, việc triển khai bất cứ loại tên lửa nào của Mỹ ở khu vực châu Á sẽ đều chỉ là các mẫu tên lửa “truyền thống” và có tầm bắn tuân thủ theo điều khoản hạn chế trong INF.

Tuy nhiên, lời cam kết sẽ chỉ triển khai các loại tên lửa tầm ngắn trong khu vực châu Á cũng không thể ngăn chặn Lầu Năm Góc nhìn vào viễn cảnh một tương lai không có INF, trong đó các loại tên lửa mặt đất tầm bắn xa sẽ sớm được Mỹ thử nghiệm và triển khai.

Trong cuộc họp báo tổ chức cuối tuần qua, ông Esper cũng thể hiện sự thận trọng khi nói về việc phải mất bao nhiêu thời gian các loại tên lửa này mới được triển khai ở châu Á. “Thực sự tôi không thể nêu rõ là chúng sẽ được triển khai trong 18 tháng hay lâu hơn, nhưng tôi nghĩ rằng có thể là mất nhiều thời gian hơn”- ông Esper nói - “Nhưng đương nhiên chúng tôi muốn triển khai sớm hơn”.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang trong nước cùng các chương trình phát triển vũ khí tối tân, và Triều Tiên thời gian gần đây liên tiếp thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể so sánh ngang với tên lửa đạn đạo Iskander của Nga; giới chuyên gia tin rằng một cuộc chạy đua vũ trang mới có thể xảy ra.

Hiện chỉ còn một tấm lá chắn duy nhất ngăn một cuộc chạy đua vũ trang không xảy ra là Hiệp ước New START. Đây là một hiệp ước ký kết giữa Nga và Mỹ, nhằm hạn chế số lượng vũ khí chiến lược mà mỗi bên được phép triển khai. Tuy nhiên, thỏa thuận này gần như chắc chắn không được làm mới, trong khi hiệu lực của nó sẽ chấm dứt chưa đầy 2 năm tới.

Khi được hỏi về số phận của New START, ông Esper nói rằng: “Chúng tôi cần phải cân nhắc nghiêm túc về Hiệp ước này” và đảm bảo rằng nó vẫn phù hợp với lợi ích của nước Mỹ. Vị quan chức nói thêm, nếu Mỹ muốn tránh một cuộc chạy đua vũ trang, các nước khác cũng phải có nỗ lực tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vừa rút khỏi hiệp ước, Mỹ đã muốn triển khai thêm tên lửa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO