Vực dậy nền kinh tế: Cần những quyết sách mạnh

M.Loan - H.Vũ 23/07/2021 05:48

Chiều 22/7, Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: Quang Vinh.

Các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt và vượt

Các đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ về việc, 6 tháng đầu năm 2021, dù gặp khó khăn do dịch bệnh, song tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được kết quả khả quan. ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng: Báo cáo Chính phủ đã đánh giá toàn diện, khách quan.

6 tháng qua dù gặp phải 2 đợt dịch và đều rơi vào 2 cao điểm của nền kinh tế, song kết quả đạt được 6 tháng rất khả quan. “GDP 5,64%, CPI 1,47%, thu ngân sách 58,3%. Đây là 3 con số rất ấn tượng. GDP 5,64% không phải là cao so với mục tiêu đặt ra, tuy nhiên điều này cho thấy rõ, dù có ảnh hưởng rất lớn của dịch nhưng kinh tế vẫn đang đà đi lên”, ông Cường nêu quan điểm đồng thời cho rằng, nếu chúng ta có biện pháp tập trung cho khống chế dịch tốt, không để dịch lây lan trầm trọng hơn, sẽ giữ được đà tăng trưởng kinh tế này.

Ông Cường phân tích: Thu ngân sách đạt 58,3% là con số tạo dư địa tốt cho việc thực hiện các chính sách về tài khoá. Vì thế trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các công cụ về tài chính, tài khóa. Trong đó, cần giảm hơn nữa lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp (DN). “Hồi đầu năm, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt trong việc hạ lãi suất cho vay, nhưng khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của DN chênh rất lớn”, ông Cường cho hay.

Tán thành cao với báo cáo của Chính phủ, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng: Những thành tựu đạt được đã để lại nhiều dấu ấn, tạo cơ sở vững chắc cho nhiệm kỳ tới. Khi nhân dân đang oằn mình khắc phục khó khăn do thiên tai vào năm 2020 thì lại gặp các đợt dịch Covid-19 từ đầu năm 2021. Thách thức là rất lớn song các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều đạt và vượt, ổn định lạm phát, kinh tế tăng trưởng, thu ngân sách đạt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cũng nhìn nhận, trong bối cảnh khó khăn có được kết quả tăng trưởng là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên dịch bệnh còn kéo dài, cho nên cần nghĩ đến kịch bản lâu dài, phải tiến đến trạng thái bình thường mới. Rất cần có các đề án cụ thể, để đảm bảo hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước. Ví như hoạt động tập thể như thế nào? Quyết định thế nào, giám sát ra sao, tiếp xúc cử tri thế nào ?

Cần những quyết sách mạnh

Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm vào lúc này chính là hỗ trợ cho DN như thế nào để vượt qua khó khăn thời hậu Covid-19. Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu chúng ta không đẩy nhanh phục hồi DN, nguy cơ chúng ta lỡ nhịp với kinh tế thế giới là hiện hữu.

Do đó trong giai đoạn tới, Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, rất cần các gói hỗ trợ không phải dạng “hà hơi, thổi ngạt” như vừa qua, không phải chỉ cứu DN khỏi nguy cơ phá sản, rời thương trường, không phải chỉ để người dân không thiếu đói mà cần phải có các gói hỗ trợ tạo ra những bứt phá cho DN.

Theo ông Nguyễn Tạo, sẽ có một số ngành bị tác động mạnh do đó cần tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thực hiện mục tiêu kép. Cần sớm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn phân bổ cho địa phương và nhà đầu tư thực hiện sớm. Qua đó từng địa phương thu hút đầu tư, tránh ỉ lại vào Nhà nước.

ĐB Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, thời gian qua việc thực hiện các gói hỗ trợ còn chậm, do đó cần có giải pháp để gói hỗ trợ được giải ngân, nhanh chóng đến với các đối tượng được hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, đợt dịch lần thứ 4 phức tạp, diễn biến mạnh, nhiều DN bị ảnh hưởng. Cho nên gói hỗ trợ lần thứ 4 phải đủ lớn để vực dậy các DN. Gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ chỉ là “giải pháp trước mắt”, cần một gói hỗ trợ phải lớn như gói 62 ngàn tỷ đồng trước đây hoặc lớn hơn nữa, đó mới là “liều vaccine cho DN”.

Cùng chung quan điểm, ĐB Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cũng cho rằng thời gian qua dù dịch tác động song vẫn đạt tăng trưởng 5,4%, nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng rất khá. Tuy nhiên có khó khăn là số người thất nghiệp cao do bị ảnh hưởng của dịch, số DN rút khỏi thị trường tăng 24,9%. Bởi vậy Chính phủ cần biện pháp mạnh, có giải pháp căn cơ giúp DN sản xuất kinh doanh thời “hậu Covid-19”.

Nhân tài nằm ở bìa rừng, góc núi cũng phải tìm cho ra

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc đời sống cả vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt là một trong những thành quả quan trọng nhất.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao TP HCM đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để phòng chống dịch. “Một số ĐBQH là lãnh đạo TP HCM đã không tham dự kỳ họp để tập trung chỉ đạo chống dịch, bởi vì không có gì quý bằng tính mạng, sức khỏe của người dân. Tôi cũng ngày đêm lo lắng, nhất là khi đợt dịch lần này đã bào mòn sức lực của người dân, doanh nghiệp”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Tán thành nhận định giải pháp vaccine là then chốt, Chủ tịch nước đồng ý thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất, phổ biến vaccine sản xuất trong nước trên tinh thần khẩn trương, nhưng thận trọng. Về lâu dài, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị nguồn nhân lực tốt. “Nhân tài nằm ở bìa rừng, góc núi cũng phải tìm cho ra. Ngoài năng lực bẩm sinh thì công tác đào tạo rất quan trọng. Phải khơi gợi tinh thần đổi mới sáng tạo vốn là tiềm năng thế mạnh của người Việt Nam”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vực dậy nền kinh tế: Cần những quyết sách mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO