Vực dậy niềm tin trên thị trường vốn

Hồ Hương 23/01/2023 08:00

Ba trụ cột của thị trường vốn bao gồm trái phiếu, tín dụng, chứng khoán bị tắc nghẽn đột ngột gần như cùng một thời điểm trong năm 2022 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không kịp trở tay. Việc một số DN có sai phạm bị xử lý, cùng với các tin đồn thất thiệt gây tâm lý hoang mang trên toàn thị trường tài chính, gây rủi ro thị trường. Nỗ lực vực dậy niềm tin, khơi thông dòng vốn cho DN là điều được quan tâm trong năm 2023.

Hiệu ứng “tuyết lở”

Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được đánh giá là kênh dẫn vốn quan trọng cho DN, giảm áp lực vốn cho các tổ chức tín dụng. Vậy nhưng, thẳng thắn nói, năm 2022, thị trường TPDN phủ gam màu trầm.

“Chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân”.

(Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế)

Vào thời điểm tháng 4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Sau sự việc này, có lẽ, không ai ngờ “quả bom” trái phiếu lại nổ nhanh đến vậy, kéo theo hiểm họa vỡ nợ chéo. Làn sóng tháo chạy khỏi trái phiếu (bond run) diễn ra trên phạm vi rộng. Các DN phát hành trái phiếu gặp khó khăn về thanh khoản. Trong khi đó dữ liệu thống kê cho biết tính đến 25/11/2022, khối lượng phát hành có xu hướng giảm, đạt 331,8 nghìn tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021. Các đánh giá cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu đều giảm sút.

Từng là “phao cứu sinh” về vốn của DN nhưng chính trái phiếu giờ đây trở thành bom nổ chậm của DN. Lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 và 2024 chỉ tính riêng lĩnh vực bất động sản đã lên tới 231.000 tỷ đồng, chưa kể TPDN phải mua trước hạn. Điều này cho thấy, sức ép trả nợ của DN vô cùng lớn.

“Bom nợ trái phiếu” đã dẫn truyền tới thị trường chứng khoán khi khủng hoảng niềm tin lan rộng. So với cuối năm ngoái, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đã giảm tới 50%, tương đương khoảng 160 tỷ USD đã bị bốc hơi. Thị giá cổ phiếu của nhiều DN hiện xuống thấp hơn 30% - 35% so với mức đáy khi bắt đầu đại dịch Covid-19, bất chấp DN đã có 2 năm tăng trưởng và tích lũy lợi nhuận tốt. Trước đó nữa thị trường chứng khoán cũng đã lao dốc khi ông chủ Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt giam với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”.

Tháo “ngòi nổ” trái phiếu đáo hạn

Thị trường trái phiếu khựng lại. Thị trường chứng khoán “đỏ lửa”. DN hoang mang. Nhà đầu tư tháo chạy. Câu chuyện khủng hoảng cần phải tìm được nút thắt để gỡ và gỡ “ngòi nổ” thị trường trái phiếu chính là tâm điểm để giải cứu dòng tiền hiện nay. Bởi theo các chuyên gia nếu không tháo gỡ, sẽ có 3 rủi ro lớn xảy ra.

Thứ nhất, các nhà đầu tư mất niềm tin, tiếp tục tháo chạy khỏi trái phiếu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả lĩnh vực ngân hàng và thị trường chứng khoán. Thứ hai, vỡ nợ trái phiếu và vi phạm chéo tiếp tục lan rộng. Thứ ba, khủng hoảng thanh khoản nợ DN sẽ ngày càng trầm trọng, từ đó gia tăng nợ xấu ngân hàng. Đó là chưa nói tới rủi ro tháo chạy của dòng vốn ngoại và bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thẳng thắn thừa nhận niềm tin của nhà đầu tư với trái phiếu và cổ phiếu đang rất thấp. Việc một số DN có sai phạm trên thị trường chứng khoán và trong hoạt động phát hành TPDN đã ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, dẫn đến dòng tiền bị rút khỏi thị trường. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh thị trường TPDN đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho DN và nền kinh tế. Trước diễn biến của thị trường, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kêu gọi DN tham gia thị trường trái phiếu “cùng cố gắng để lấy lại niềm tin của thị trường, niềm tin của nhà đầu tư, chung tay thúc đẩy thị trường phát triển”.

Dù các biện pháp chấn chỉnh, việc xử lý các sai phạm có tác động tới tâm lý thị trường, hoạt động của thị trường ở mức độ nhất định nhưng là việc phải làm. Và để xử lý các biến cố trên thị trường Tài chính, Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến TPDN do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng... Hiện nay, nhờ các chỉ đạo tích cực từ cơ quan quản lý, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại.

Minh bạch và lành mạnh hóa thị trường

Niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính, đặc biệt là trên thị trường TPDN. Thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn thì nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó thị trường mới có sự phát triển bền vững bởi “cung vững – cầu chắc”. Thị trường TPDN vẫn rất tiềm năng và cần tạo điều kiện để phát triển an toàn, minh bạch, bền vững.

Để giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế và không làm đứt gãy đà tăng trưởng đang được duy trì khá tốt giới chuyên gia cho rằng cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định và bền vững, các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao; cần hết sức tránh việc cung tiền chảy vào các lĩnh vực rủi ro, gây các hệ lụy tiềm ẩn như nợ xấu, kéo lãi suất và tỷ giá tăng cao, tạo bất ổn cho nền kinh tế.

Đặc biệt cần sớm có giải pháp tập trung triển khai có hiệu quả các gói về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, cần tiếp tục có giải pháp để đẩy nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2%, giúp nguồn vốn từ chương trình này sớm phát huy hiệu quả trong việc giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế, TS Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, các cơ quan nhà nước và các tổ chức có liên quan cần đưa ra những thông điệp và cam kết mạnh mẽ hơn để ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường giám sát để DN thực hiện đúng cam kết khi huy động vốn và đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án; có cơ chế để bảo vệ các DN hoạt động lành mạnh và làm ăn chân chính, ngăn chặn kịp thời các hành vi lũng đoạn thị trường và các biểu hiện chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư để thị trường trái phiếu DN và thị trường chứng khoán tiếp tục đóng vai trò là nơi cung ứng ổn định vốn trung và dài hạn cho DN thời gian tới.

Ngoài giải pháp minh bạch thông tin, thì biện pháp tạo dòng tiền xử lý các vấn đề liên quan, như xây dựng quỹ hỗ trợ thị trường trái phiếu DN, là cần thiết để giải quyết vấn đề trong ngắn hạn. Thị trường Trung Quốc đã làm, và mới đây, Hàn Quốc kích hoạt quỹ bình ổn trái phiếu với mục đích tạo niềm tin để thị trường có được sự bình ổn khi vấn đề phát sinh. Giao dịch trái phiếu đang đi tìm điểm cân bằng mới trên thị trường thứ cấp. Bên cạnh bàn tay thị trường, biện pháp xử lý trước mắt giúp các nhà phát hành có điều kiện, có dòng tiền thanh toán trước biến động trái phiếu DN là rất quan trọng, nhất là khi DN gặp các vấn đề liên quan tới thanh khoản - TS Vũ Đình Ánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vực dậy niềm tin trên thị trường vốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO