Vực dậy thị trường bán lẻ

Việt Thắng (thực hiện) 11/07/2016 08:25

Trao đổi với ĐĐK, ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, đã đến lúc phải có những quyết sách mạnh mẽ vực dậy thị trường bán lẻ để tránh bị thua ngay trên sân nhà.

Tại thời điểm này, ngành bán lẻ đang có sự đổ bộ của các “ông lớn” nước ngoài. Con số thống kê cho thấy, tính lũy kế tới cuối năm 2015, đã có 1.735 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa mô tô xe máy với tổng vốn đăng ký là hơn 4,6 tỷ USD, đứng trong nhóm 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất.

Các nhà bán lẻ trong nước cần liên kết để tăng sức cạnh tranh.

PV: Thưa ông, hiện ngành bán lẻ Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn lớn từ nước ngoài. Gần đây nhất BigC và Metro đã rơi vào tay người Thái Lan. Ông nhận định như thế nào về bức tranh của ngành bán lẻ nước ta hiện nay?

Ông Vũ Vinh Phú: Với kinh tế thương mại vấn đề mua bán, sáp nhập là bình thường nhưng sau đó có mấy vấn đề: Nếu cứ mua bán tiếp 30% hay 49% sau đó “ngoạm” mất luôn, chúng ta sẽ mất luôn thương hiệu của Việt Nam, nhất là thị trường bán lẻ. Mất bán lẻ là mất sản xuất vì bán lẻ là đầu vào của sản xuất, cuối cùng chúng ta trở thành người đi làm thuê.

Nguy cơ thứ hai là bản thân người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng. Cách đây 5-6 năm, công ty cổ phần của Thái Lan bao cả sản xuất và phân phối đã nâng giá trứng 2 lần trong 1 tuần không lý do, rõ ràng họ ép người tiêu dùng. Thời kỳ đó các siêu thị ở phía Nam đã không nhận trứng để buộc họ không nâng giá trứng lần thứ 2.

Ví dụ đó cho thấy nếu chúng ta mất cả phân phối và sản xuất thì sẽ trở thành người đi làm thuê trong khi đất đai của ta, con người của ta nhưng lại trở thành bị động, lúng túng và bị ép. Hiện đang có hai luồng ý kiến, thứ nhất nên bán một phần đi để liên kết, học tập kinh nghiệm của họ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng những bí quyết kinh doanh làm sao họ truyền lại cho mình được? Như “mỡ để miệng mèo” và họ thôn tính ta luôn.

Ông Vũ Vinh Phú.

Thực tế vừa qua một số siêu thị liên doanh với nước ngoài sau khi sáp nhập không có chuyển biến gì cả, từ đó cho thấy ngón nghề thì không ai họ truyền hết cho mình được. Do đó ta phải đề phòng đừng để đánh mất mình. Sắp tới các DN sẽ cổ phần hóa và chắc chắn các DN nước ngoài họ sẽ mua tiếp.

Vừa qua con đường như Vingroup hay Co.opmart là con đường tự lực cánh sinh để vươn lên nhưng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Việt Nam phải có những tập đoàn bán lẻ mạnh mới có thể đương đầu với các nước, đồng thời có thể tổ chức gắn kết sản xuất để tổ chức thị trường nội địa.

Thị trường nội địa là vấn đề mà lâu nay chúng ta ít quan tâm khi chủ yếu hướng tới xuất khẩu thu ngoại tệ, thưa ông?

- Thị trường nội địa chúng ta đã “bỏ quên” 10 năm nay, chúng ta mải cho xuất khẩu nhưng thị trường hơn 90 triệu dân lại ít quan tâm, nhất là thị trường nông thôn, kênh bán lẻ mới chỉ chiếm 20-25%.

Nhưng sắp tới không chỉ các siêu thị mà các cửa hàng tạp hóa cũng có khả năng bị thôn tính khi hàng hóa Thái Lan, Nhật Bản đã len lỏi vào các hiệu tạp hóa vì họ có chính sách khuyến mại, chiết khấu rất mạnh mẽ. Ví dụ 1 gói mỳ chính 450gr họ khuyến mãi chỉ 10 nghìn đồng như Lotte vừa rồi đã làm, cho nên chúng ta không trụ nổi. Tôi cho rằng nếu ta không có sự vực dậy, có từ 5-7 cái như Vingroup thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.

Thưa ông, vậy đâu là điểm yếu của ngành bán lẻ mà hiện chúng ta đang phải đối mặt?

- Hiện chúng ta đang yếu về 4 cái. Thứ nhất là yếu về vốn; thứ hai là chiến lược kinh doanh bán lẻ hầu như không có; thứ ba là nguồn nhân lực kém có đến 80-90% chưa qua đào tạo bán lẻ; thứ tư là sự liên kết khi “10 ông chả liên kết được với nhau”, 10 siêu thị cử 10 người đi mua dầu ăn riêng biệt. Lý thuyết của nó là lý thuyết chuỗi, mua lớn, bán lớn thì mình không thực hiện được.

Bản thân DN Việt ít chiết khấu cho nhà cung ứng nên phải tự lập chuỗi nhà bán lẻ riêng, vào siêu thị chỉ đứng tên thương hiệu chứ cũng không bán được nhiều. Hay như vấn đề quy hoạch chẳng hạn, như phố Thái Thịnh (Hà Nội) chỉ rất ngắn mà có 3 siêu thị.

Như thế thì hỏng, chúng ta tự hại nhau. Hiện bách hóa tổng hợp thì 90% vào tay tư nhân rồi. Kinh doanh mà mất mạng lưới với vốn thì còn gì là kinh doanh. Có thể nói là mạng lưới bán lẻ đang bị xâu xé.

Bây giờ chúng ta phải nhìn vào sự thật chứ vuốt ve nói rằng khỏe lắm là không được. Nước bây giờ đang đến ngang vai rồi trong khi việc chuyển mình của ta quá chậm từ kinh tế vĩ mô cho đến DN.

DN bán lẻ nước ngoài bao giờ họ cũng giữ lấy lợi nhuận, bán được mấy triệu USD rồi “tếch” luôn, vậy ai giữ trận địa này? Ai bảo vệ người tiêu dùng? Ai bảo vệ hệ sản xuất, tổ chức sản xuất? Câu chuyện đó cho thấy mối nguy cơ khi mà DN nước ngoài đang chiếm 50% thị trường bán lẻ nước ta.

Vậy, theo ông, cần có giải pháp gì đối với thị trường bán lẻ?

- Chúng ta đang thua, nếu không có những quyết sách mạnh mẽ thì ta sẽ bị bầm dập. Giải pháp bây giờ phải từ vĩ mô, phải tổ chức quy hoạch lại các mạng lưới, thậm chí chấn chỉnh lại các Tổng công ty nhà nước sử dụng mạng lưới thì giờ cần thu hồi để giải quyết, phục vụ cho quốc kế dân sinh chứ không đấu thầu cho thuê trong khi toàn là những địa điểm vàng. Nhà nước có được không hay vào túi cá nhân một nửa?

Thứ hai cần hỗ trợ cho các siêu thị nội tiếp cận đất đai, nguồn vốn. Vay 70% lãi suất từ 7-10% trong khi đó các DN Thái Lan vay lại của công ty mẹ chỉ có 2%. Riêng chi phí vốn ta đã thua rồi. Thứ ba phải đào tạo lại nguồn nhân lực, ở các nước vào siêu thị xong người ta còn xách hàng ra xe hay rơi cái kẹo cao su họ nhặt mang cho chứ ở ta nhiều siêu thị đến nhà vệ sinh còn chưa có.

Họ mua tận gốc bán tận ngọn mà ta đi mua qua mấy cầu. Hiện 1 chai rượu vang ở siêu thị nội đang cao hơn siêu thị ngoại 20 nghìn, chưa kể các siêu thị nội đó đã được bình ổn giá. Như thế là tung quả bóng cho người ta đập. Ngoài ra cần tăng cường sự liên kết mạnh mẽ trong các hiệp hội.

Hiện số liên kết trong hiệp hội lỏng lẻo lắm, lúc nào quản lý thị trường, công an vào cuộc mới bảo chủ tịch hiệp hội “cứu” với chứ còn bình thường họp hành còn chểnh mảng nên tính liên kết thiếu bền vững. Chúng ta phải khắc phục lại những điểm đó, rồi xây dựng chiến lược kinh doanh. Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, cả 1 năm mà không cải tạo được 1 chợ nào trong khi các chợ như Cửa Nam thì tư nhân hóa hết rồi, cho nên phải đồng bộ và làm mạnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vực dậy thị trường bán lẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO