Vực dậy thị trường thương mại nội địa

Quốc Định 28/05/2020 08:00

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân có tâm lý thu hẹp chi tiêu, mua sắm, vì vậy sức tiêu thụ của nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng. Ghi nhận tại một số chợ truyền thống, siêu thị tại TP HCM, Bình Dương, sức mua vẫn còn rất thấp.

Vực dậy thị trường thương mại nội địa

Cần có thêm những chính sách phù hợp để vực dậy tiêu thụ trong nước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5/2020 đã giảm đến 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%). Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã giảm 4,3%.

Còn theo số liệu từ Bộ Công thương, trong tháng 4/2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 257,39 nghìn tỷ đồng, giảm 15,31% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 16,8 nghìn tỷ đồng, giảm 64,72%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 88 tỷ đồng, giảm 45,17%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 19,65 nghìn tỷ đồng, giảm 53,34% so cùng kỳ năm trước..

Giới chuyên gia nhận định nếu tình hình dịch bệnh ổn định vào giữa năm, thì các DN có thể kỳ vọng vào mùa mua sắm cuối năm vào quý 4/2020.

Kinh nghiệm ở một số quốc gia khác đưa ra các gói kích cầu để kích thích người tiêu dùng mua sắm, bằng các biện pháp thúc đẩy và nâng cấp ngành tiêu dùng ở thành thị, mở rộng tiêu dùng ở nông thôn và phát triển ngành tiêu dùng dịch vụ. Như ở Trung Quốc có chính sách “đưa nông sản vào thành phố, đưa hàng hóa về nông thôn”, với vai trò lớn của thương mại điện tử, vừa nâng cao thu nhập của nông dân, vừa giúp người dân nông thôn mua được các sản phẩm tiêu dùng rẻ, đẹp.

Ngoài ra, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ DN, việc thực hiện chính sách giảm thuế cũng có thể kích thích tiêu dùng. Với Việt Nam, có thể nên giảm thuế VAT khoảng 50% so với mức thuế suất hiện tại để giúp hàng hóa dịch vụ của DN giảm thêm nhằm hấp dẫn người mua trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”.

Ở góc độ quản lý, để phát triển thị trường thương mại nội địa trong thời gian tới, Bộ Công thương cho rằng, cần phối hợp với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh TMĐT.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Chính phủ, chính quyền địa phương cần kiểm soát, giảm thiểu các chi phí ngoài pháp luật. Đồng thời, cần chuyển sang TMĐT, số hóa để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, tiếp cận thị trường. “Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố chỉ số PCI, trong đó trên 50% DN vẫn than phiền phải có chi tiêu ngoài pháp luật để “bôi trơn”. Chi tiêu này khá lớn làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh”- ông Lê Đăng Doanh nói.

Cùng với việc tái cơ cấu sản xuất, cắt giảm chi phí các DN cũng cần tìm đến phân khúc thị trường có khả năng tiêu thụ được đó là phân khúc thị trường của các tầng lớp trung lưu mới hiện còn khả năng và dư địa để phát triển. Bộ Công thương cũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa TMĐT với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vực dậy thị trường thương mại nội địa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO