Vui buồn cùng loài tê giác

27/09/2020 09:00

Mới đây, trong một công viên quốc gia của Indonesia, người ta đã cực kỳ ngạc nhiên trước sự xuất hiện của hai con tê giác Java quý hiếm. Điều đó mang lại hy vọng về tương lai của một trong những loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Tê giác Fausta trước khi chết.

Hai con tê giác nọ, con cái được đặt tên là Helen và một con đực là Luther. Người ta phát hiện ra chúng khi cùng con tê giác mẹ rong chơi trong công viên quốc gia Ujung Kulon. Wiratno - một quan chức Bộ Môi trường Indonesia cho biết, những ca sinh này mang lại hy vọng lớn cho sự tiếp tục của cuộc sống của loài tê giác Java đặc biệt đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Trên cực Tây của Java thuộc tỉnh Banten, Ujung Kulon là nơi sinh sống hoang dã cuối cùng còn sót lại của tê giác Java. Sự xuất hiện của hai con tê giác mới đã nâng tổng số loài động vật có vú quý hiếm này lên 74 con.

Được biết, khu bảo tồn Ujung Kulon bao gồm khoảng 5.100 ha rừng nhiệt đới tươi tốt và các suối nước ngọt. Chính phủ Indonesia đã quyết định dùng khu vực này để làm nơi tái định cư cho những con tê giác khỏi vùng nguy hiểm trên núi Krakatau, một ngọn núi lửa đang hoạt động cách vườn quốc gia không xa.

Mô tả bên ngoài, tê giác Java có các nếp gấp của da lỏng lẻo khiến chúng trông giống như đang mặc áo giáp. Chúng từng có số lượng lên đến hàng nghìn con trên khắp Đông Nam Á, nhưng rồi đã sụt giảm nhanh chóng bởi nạn săn trộm tràn lan và sự xâm phạm của con người đối với môi trường sống của chúng.

Trở lại với câu chuyện về loài tê giác, theo Chương trình động vật hoang dã Châu Á - Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) công bố: giống tê giác hai sừng nhỏ nhất thế giới Sumatra chính thức tuyệt chủng tại Malaysia. Tiếp theo, một tin rất buồn khác là con tê giác già nhất thế giới, 57 năm tuổi, có tên là Fausta cũng đã chết ở khu bảo tồn Ngorongoro (Tanzania, Châu Phi). Fausta là một con tê giác đen được theo dõi khá kĩ lưỡng, tuy nhiên tuổi già đã mang nó đi một cách tự nhiên.

Fausta có một cuộc sống tự do trong hơn 54 năm ở Ngorongoro cho đến 3 năm trước mới bị đưa vào một khu bảo tồn vì vấn đề sức khỏe. Người ta phát hiện ra tê giác Fausta vào năm 1965, khi đó nó mới khoảng 3 hoặc 4 tuổi.

Cho tới năm 2016, sức khỏe của Fausta bắt đầu xấu đi và chính quyền buộc phải đưa con vật vào tình trạng bị giam cầm, sau nhiều cuộc tấn công từ linh cẩu và vết thương nghiêm trọng sau đó.

Các nhà nghiên cứu cho biết, thông thường trong tự nhiên tê giác thường sống trong khoảng từ 37 đến 43 năm và hơn 50 tuổi trong môi trường nuôi nhốt.

Trước đó có một con tê giác trắng tên là Sana, đã chết trong điều kiện nuôi nhốt tại một sở thú của Pháp, ở tuổi 55. Hay một con tê giác khác, tên là Elly, sống lâu nhất ở Mỹ và rồi cũng đã chết tại Sở thú San Francisco vào tháng 5/2017, ở tuổi 46.

Theo Quỹ Động vật hoang dã thế giới, tê giác đen là một loài đang đứng trước những nguy cơ cực kỳ nguy cấp, Trái đất chỉ còn hơn 5.000 cá thể. Gần một nửa trong số này nằm ở Namibia, nơi mà những kẻ săn trộm buôn bán trái phép sừng tê giác vẫn hoành hành.

Theo Ngọc Mai (Nguồn tham khảo: Science Alert)
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vui buồn cùng loài tê giác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO