Vui buồn xuất khẩu lao động

Lê Bảo 03/01/2017 09:00

Theo Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), năm 2016 đến nay, cả nước có 108.530 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Như vậy liên tiếp trong 3 năm Việt Nam đều cán đích đưa được hơn 100 ngàn lao động đi làm việc. Có thể khẳng định đây là con số khá tích cực, nhất là việc làm ngày càng trở lên bức xúc bởi kinh tế suy thoái. Song bên cạnh những con số tích cực thì xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn tồn tại không ít những bất cập cần tháo gỡ.

Bên cạnh những tích cực, hoạt động XKLĐ vẫn tồn tại
không ít những khó khăn, thách thức.

Một năm sôi động

Năm 2016 kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động do khủng hoảng kinh tế nhưng không vì thế hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài kém sôi động. Tính đến hết tháng 11, cả nước đã có 108.530 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó lao động đi làm việc tại Đài Loan là 58.659 người, Nhật Bản 33.593 người, Hàn Quốc là 7.265 người (quy mô tiếp nhận lao động Việt Nam tại thị trường này tăng 14% so với cùng kỳ năm trước)...

Khu vực Đông Nam Á có 1.993 lao động Việt Nam đi làm, chiếm 1,84% tổng số lao động đưa đi. Malaysia được đánh giá vẫn là thị trường có quy mô tiếp nhận lớn nhất là 1.969 người, bình quân mỗi tháng thị trường này tiếp nhận trên 179 lao động. Thị trường khu vực Trung Đông và Bắc Phi tiếp nhận 5.336 lao động, chiếm 4,92% tổng số lao động đưa đi, tăng 10,18% so với số lao động đưa đi cùng kỳ năm trước. Lao động đi làm việc tại các thị trường khác là 285 người, chiếm 0,25% tổng số lao động đưa đi.

Trong số 26 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam thì chỉ có 6 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên, bao gồm Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Algieria và Ả rập Xê Út. Riêng hai thị trường Đài Loan và Nhật Bản có số lao động đưa đi trong 11 tháng chiếm 85% tổng số đưa đi của cả nước, trong đó Đài Loan có tỷ lệ là 54% và Nhật Bản là 31%.

Theo dự báo của VAMAS, với số lượng đưa đi của 11 tháng qua đã vượt chỉ tiêu kế hoạch năm đặt ra là 8,5%, kết thúc năm 2016 chắc chắn quy mô lao động lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ còn vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Cũng theo VAMAS mặc dù đạt được những kết quả khả quan như vậy, song hiện nay, hoạt động xuất khẩu lao động vẫn còn những điểm yếu cần phải khắc phục, đó là tình trạng ngoại ngữ kém, thiếu kỷ luật, thua xa các nước khác như: Trung Quốc, Indonesia, Philipines... Nguyên nhân một phần cũng là do các doanh nghiệp xuất khẩu lao động còn ít quan tâm đến vấn đề chất lượng, không có các định hướng, đào tạo tiếng và nghề nghiệp một cách bài bản. Một số công ty còn hiện tượng ủy thác trách nhiệm cho những cá nhân hoặc chi nhánh thực hiện các hoạt động xuất khẩu dẫn đến tình trạng nhiều khó khăn, bức xúc của người lao động đi làm ở nước ngoài không được hỗ trợ giải quyết kịp thời. Trong khi đó, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao.

Dang dở giấc mơ làm giàu

Tại Hội thảo tham vấn hoạt động hỗ trợ cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây, nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng, những đóng góp tích cực của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho sự phát triển kinh tế của chính bản thân và gia đình họ. Tuy nhiên, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng gặp không ít rủi ro, mà nguyên nhân là thiếu thông tin về hoạt động xuất khẩu lao động.

Bên cạnh những con số tích cực, những lỗ hổng về ngoại ngữ thì có một con số khác ít được ngành chức năng nhắc đến trong các báo cáo, đánh giá của mình đó là những lao động “nợ chồng nợ” vì giấc mơ xuất ngoại. Con số này không nhiều song nó cũng khiến rất nhiều gia đình quê nghèo lâm vào tình cảnh túng quẫn vì những chiêu trò lừa đảo trong hoạt động XKLĐ. Những cụm từ như: Lừa XKLĐ lại hoành hành, Lừa XKLĐ nữ giám đốc đẩy nhiều người dân vào vỡ nợ... vẫn là những title đáng buồn xuất trên các mặt báo trong năm 2016.

Còn nhớ hồi tháng 7/2016 hàng chục người lao động đã phải làm đơn cầu cứu Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng phản ánh chuyện đi XKLĐ nhưng lại sập bẫy lừa nên tan cửa nát nhà, lâm vào nợ nần chồng chất. Trong đơn có khoảng 40 học viên phản ánh đã nộp hồ sơ xin tư vấn làm thủ tục XKLĐ tại văn phòng phía Nam Công ty cổ phần Atlantic. Mỗi người đã đóng cho đơn vị này khoảng 70 triệu đồng. Theo phản ánh của người lao động Giám đốc văn phòng này là ông Nguyễn Việt Vương đã ký biên bản thỏa thuận “cam kết nếu vì bất kỳ một lý do khách quan nào mà bên A không thể đưa bên B đi thực tập và làm việc tại Nhật Bản thì bên A phải thanh toán lại đầy đủ số tiền cọc cho bên B”. Tuy nhiên, khóa học kết thúc hơn một năm mà họ vẫn chờ đợi trong vô vọng.

Kể về chặng đường làm thủ tục đi XKLĐ, Huỳnh Văn Trưởng Em, 20 tuổi, quê Thoại Sơn, An Giang cho biết: Với mong muốn đổi đời không có tiền đóng phí, gia đình Trưởng Em đã thế chấp căn nhà cấp bốn cùng 3 công đất lấy 70 triệu đồng. Tháng 6-2015, Trưởng Em lên Sài Gòn tìm đến văn phòng đại diện Công ty CP Atlantic ở Củ Chi đóng cho nơi này tổng cộng gần 70 triệu đồng tiền học tiếng Nhật, ký túc xá và phí xuất cảnh. Trưởng Em được đưa đến Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản, Q.Thủ Đức, thuộc Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom để học. Học xong, Trưởng Em không thấy trung tâm có động thái gì để đưa học viên đi Nhật làm việc. Sau đó, Trưởng Em cùng các học viên khác kéo nhau đi đòi tiền nhưng... vô vọng.

Tương tự ở tuổi 33, không có nghề nghiệp ổn định nên chị Nguyễn Thị Tuyết Thu ở Q.3 (TP HCM) chọn con đường đi XKLĐ để gầy dựng tương lai. Chị đã vay ngân hàng 100 triệu đồng, phát hiện trung tâm lừa đảo và dừng hoạt động, chị gõ cửa khắp nơi để nhờ can thiệp đòi quyền lợi nhưng không có kết quả.

Trên không chỉ là câu chuyện của Trưởng Em, của chị Thu ở TP Hồ Chí Minh mà còn là câu chuyện đáng buồn có ở khắp các làng quê trong cả nước. Đến thời điểm này chưa có những con số thống kê chính xác là đã có bao nhiêu người bị rơi vào tình cảnh túng quẫn vì XKLĐ nhưng có một thực tế việc lừa đảo XKLĐ ngày càng gia tăng và để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Đơn cử như tháng 4/2016, một vụ lừa XKLĐ chấn động xảy ra tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Đơn vị lừa NLĐ là văn phòng Công ty cổ phần phát triển quốc tế IDC tại Trảng Bàng do bà Trương Kim Tuyến (quê Tây Ninh) làm đại diện. Hiện Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ bà Tuyến về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức XKLĐ và du học nước ngoài. Tính đến thời điểm bị bắt, bà Tuyến đã lừa đảo 75 trường hợp đến nộp hồ sơ XKLĐ, du học, chiếm đoạt hơn 7 tỉ đồng.

Không nên chạy theo số lượng

Đánh giá về bức tranh XKLĐ ngành chức năng cũng thừa nhận, bên cạnh những tích cực, hoạt động XKLĐ vẫn tồn tại không ít những khó khăn, thách thức. Trong đó bức xúc nhất là nạn “ cò mồi”. Các “cò mồi” này thường sử dụng hình thức tư vấn và thu tiền dưới danh nghĩa học tập và làm việc tại nước ngoài. Đánh vào lòng tham, họ thường hướng người lao động tới những “việc nhẹ lương cao”. Những thị trường, ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn với mức lương khủng sẽ được đưa ra. Đặc biệt với yêu cầu không cao về kĩ năng, ngoại ngữ, thời gian đi ngắn sẽ dễ dàng đánh vào tâm lý người lao động.

Khảo sát mới đây về vấn đề người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp phải của TLĐLĐVN tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ và Quảng Ngãi cho thấy, người lao động gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu và làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. Cụ thể, có tới 75% người lao động không biết đơn vị tuyển dụng hợp pháp. Có 72% người lao động không có thông tin đầy đủ về nơi đến. Hầu hết (91%) người lao động không biết đầy đủ các khoản chi phí cũng như mức quy định đối với tiền môi giới và dịch vụ và các khoản bồi hoàn.

Tại Hội thảo tham vấn hoạt động hỗ trợ cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây, nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng, những đóng góp tích cực của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho sự phát triển kinh tế của chính bản thân và gia đình họ. Tuy nhiên, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng gặp không ít rủi ro, mà nguyên nhân là thiếu thông tin về hoạt động xuất khẩu lao động.

Vấn đề di cư lao động an toàn ngày càng trở nên quan trọng, khi sắp tới Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do trong khu vực và khi đó sự di chuyển lao động trong khu vực sẽ ngày càng gia tăng. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng xuất khẩu lao động là một phương thức hữu hiệu giúp lao động Việt Nam có cơ hội việc làm và giúp thoát nghèo, đóng góp gia tăng dòng tiền ngoại hối gửi về nước. Song, quá trình di cư của họ từ khâu tuyển dụng, đưa đi cho đến khi về nước cũng là một hành trình đầy gian nan như gặp rủi ro bị bóc lột, lạm dụng sức lao động thậm chí là nạn nhân của nạn buôn bán người.

Nguyên nhân là có quá nhiều nhân tố tham gia vào quá trình tuyển dụng do người lao động có hiểu biết hạn chế về chương trình và thủ tục kinh nghiệm ra nước ngoài làm việc. Những rủi ro trên đã làm giảm hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gây thiệt hại cho chính người lao động và xã hội.

Do đó, việc giúp đỡ hỗ trợ cho lao động ra nước ngoài làm việc nhằm đảm bảo di cư lao động an toàn là mối quan tâm của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cùng với việc thông qua công ước quốc tế về bảo vệ quyền của người lao động di cư và gia đình họ sẽ góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của lao động di cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vui buồn xuất khẩu lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO