Vững tin nơi tuyến đầu chống dịch

Đức Trân 18/09/2021 06:40

Đối với các y bác sĩ đang công tác trên tuyến đầu, khát vọng lớn nhất của họ là đồng hành và cứu sống được nhiều thêm nữa những bệnh nhân Covid-19.

Hành trang trong cuộc đời tôi, còn có những ngày này…

Chiến đấu trên tuyến đầu hơn 2 tháng nay, từ khi Bệnh viện Dã chiến số 3 (Thủ Đức, TP HCM) đi vào hoạt động, BS Phạm Trường An (Bệnh viện Bưu điện), Phó Trưởng khoa lâm sàng Bệnh viện Dã chiến số 3 chia sẻ: “Một ngày thu tháng Bảy, dịch bệnh Covid-19 tại Sài Gòn bước vào giai đoạn căng thẳng, với sức trẻ và tinh thần của một thầy thuốc chúng tôi nhập cuộc vào tuyến đầu. Khi được cấp trên đồng ý điều động, tôi lập tức cùng đồng đội vội vã thu dọn hành lý lên đường vào Bệnh viện dã chiến 3 để điều trị bệnh nhân Covid-19. Thấm thoát đã hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến nơi đây. Những giọt mồ hôi, những dòng nước mắt đã rơi và còn biết bao nhiêu kỷ niệm vô giá mà có lẽ sẽ còn vương vấn trong tôi mãi về sau. Hành trang theo trong cuộc đời bác sĩ trẻ như tôi còn có những ngày này”.

Công việc thường nhật của BS An cùng đồng nghiệp là thăm khám cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân thở ô xy sau những ca trực dài trong bộ đồ bảo hộ. “Nhiều đêm y bác sĩ chúng tôi căng mình làm việc. Số ca F0 mỗi ngày tăng liên tục. Những đoàn xe chở bệnh nhân nối đuôi nhau đến Bệnh viện dã chiến 3. Những ca bệnh trở nặng cũng tăng dần theo số lượng bệnh nhân F0 nhập viện. Sau ca trực dài 8 tiếng, rời khỏi bộ đồ bảo hộ là những bộ đồng phục nhân viên y tế ướt đẫm mồ hôi, những cơn khát vật vã do mất nước. Ngoài những giờ trực căng thẳng, tôi cùng đồng đội chia nhau thăm khám bệnh phòng, hỏi han việc ăn ở, sinh hoạt của bệnh nhân. Tại bệnh viện dã chiến này, ngoài chút ít thời gian sinh hoạt nghỉ ngơi là chúng tôi vội vã lao vào công việc. Cường độ làm việc của chúng tôi rất cao trong môi trường mà khả năng bị phơi nhiễm luôn hiện hữu” - BS An kể.

Đối với BS Phạm Trường An, công việc gắn liền với niềm hạnh phúc khi bệnh nhân được khỏi bệnh, trở về với gia đình nhưng cũng là những đau thương khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh của người bệnh.

“Được chứng kiến bệnh nhân F0 xuất viện trong niềm hân hoan khôn tả của người thân và gia đình như tiếp thêm động lực cho tôi tiếp tục cố gắng gắn bó với nơi này. Bên cạnh niềm vui khi nhìn thấy bệnh nhân khỏe lên từng ngày và ra viện, tôi cũng nhiều lần cố nén đau thương khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh. Những bệnh nhân trở nặng và ra đi trong niềm đau tiếc quặn lòng. Đó là những người vợ mất chồng, người con mất cha. Ước vọng nhìn mặt người thân lần cuối đã không có được trong cơn đại dịch này… Nhiều gia đình chỉ còn lại một thành viên bần thần trong đau buốt. Lúc này đây, điều duy nhất tôi có thể làm là chia buồn cùng gia đình bệnh nhân và cố gắng chữa trị cho những bệnh nhân còn lại với một hy vọng cháy bỏng sẽ không còn gặp nhiều cảnh chia lìa như thế nữa.

Dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, những chuỗi ngày gian khó vẫn còn đó. Tôi và đồng đội sẽ còn tiếp tục đồng hành cùng bệnh nhân với tất cả khát vọng của người thầy thuốc. Ở nơi gian khó này, mỗi ngày y bác sĩ cũng như tình nguyện viên và bệnh nhân như xích lại gần nhau hơn, như một gia đình đặc biệt” - nữ BS trải lòng.

Đồng hành cùng bệnh nhân vượt qua dịch bệnh

Từng ngày dốc sức chăm lo điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cử nhân vật lý trị liệu Trương Văn Hiền (Bệnh viện Chợ Rẫy) không may trở thành F0 nhưng không vì thế mà anh dừng lại công tác của mình.

“Tôi mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng lại là người ham việc, ham vận động, nếu chỉ nằm cách ly thì phí quá” - anh Hiền tâm sự.

Sự thôi thúc ấy cứ trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ hơn nên anh Hiền đề đạt với cấp trên cho mình hàng ngày hướng dẫn bệnh nhân tập thở, tập vận động.

Công việc của cử nhân Hiền được áp dụng cho nhiều bệnh nhân khác nhau như: Hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân thở máy; hỗ trợ tập thở cho bệnh nhân phải thở ô xy dòng cao; thở ô xy bình thường…

Coi người bệnh như ruột thịt của mình, cử nhân Hiền dường như cảm nhận được mọi nỗi lo, sự mệt mỏi của bệnh nhân. Anh Hiền bảo rằng: Bệnh này gắn chặt với các lá phổi, khi bệnh nhân kêu khó thở là cảm nhận được ngay đang ở mức độ nào để có phương pháp tập ngồi lên, nằm xuống hoặc hít mạnh, thở sâu… Từ đó giúp ngăn chặn bệnh chuyển biến xấu, nhanh chóng hồi phục. Có những trường hợp từ tập vật lý trị liệu đã ngăn được thở máy, đưa ra thở ô xy ít ngày đã có thể xuất viện.

Anh Hiền bộc bạch rằng: Việc làm này còn “thổi” vào tinh thần người bệnh sự lạc quan khi họ có thể tự vận động được. Tập vật lý trị liệu ngăn chặn rất hiệu quả sự biến chứng nặng của phổi, tránh sự đông cứng của lá phổi. Mục đích cao nhất là giúp bệnh nhân tự thở được. Đưa bệnh nhân từ nằm im đến tự vận động.

“Kinh nghiệm của tôi cho thấy khi bệnh nhân đã phải thở máy, phổi đông đặc rồi thì nó rất xơ cứng. Cơ liên sườn cũng cứng theo. Nhiệm vụ của người tập vật lý trị liệu là làm mềm phổi, xoa bóp bên ngoài làm cho các cơ quanh phổi, vai được mềm ra. Sau đó dùng kỹ thuật nén ép để gia tăng nhanh sự lưu thông của phổi, giúp ngăn ngừa phải thở máy, cứu lại những lá phổi” - anh Hiền nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vững tin nơi tuyến đầu chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO