Vững vàng phục hồi giữa thách thức

Ngọc Quang 12/07/2022 08:25

Hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật hàng đầu Kaspersky Lab (Nga) đánh giá Việt Nam là nước “an toàn nhất” Đông Nam Á trước các đe dọa tấn công tài chính nhằm vào ngân hàng, hệ thống thanh toán và cửa hàng trực tuyến (mua sắm online). Cùng đó, HSBC (Tập đoàn tài chính đa quốc gia) nhận định: Kinh tế Việt Nam vững vàng phục hồi giữa thách thức

6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh.

An ninh tài chính được đảm bảo

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik mới đây, ông Yeo Siang Tiong - Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Kaspersky Lab, cho biết những thống kê gần đây của hãng này cho thấy tỷ lệ các vụ lừa đảo liên quan đến ngân hàng, hệ thống thanh toán và cửa hàng điện tử ở Việt Nam thấp hơn so với các nước khác ở Đông Nam Á, trong khi ở Việt Nam là 26,36%; thì tại Indonesia là 40,87%; Malaysia 46,77%; Philippines 64,03%; Singapore 51,6%; Thái Lan 56,35%...

Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trước các cuộc tấn công tài chính nhằm vào ngân hàng, hệ thống thanh toán và cửa hàng trực tuyến, ông Yeo Siang Tiong cho biết sự gia tăng các giao dịch trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian đại dịch diễn ra song song với sự gia tăng các âm mưu lừa đảo, bằng việc sử dụng các trang mạo danh các hệ thống thanh toán phổ biến như Visa, Mastercard, PayPal...

Thực tế cho thấy việc giao dịch, mua sắm trực tuyến của người dùng Việt Nam ngày càng được cải thiện. “Điều này có thể là do nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức về an ninh tài chính và dữ liệu trong bối cảnh ngân hàng di động và ví điện tử trong khu vực phát triển mạnh”- nhận xét của Kaspersky Lab, đồng thời cho rằng Việt Nam chắc chắn đã sẵn sàng tiến tới chuyển đổi số nhanh chóng, đồng thời được trang bị để đảm bảo một môi trường tài chính an toàn hơn cho các tổ chức và cá nhân do có cơ sở hạ tầng mạnh và sự chia sẻ thông tin về mối đe dọa.

Tốc độ tăng trưởng cao

Trong khi đó, nhìn nhận về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lạm phát tăng cao, tốc độ tăng trưởng (GDP) giảm, Ngân hàng HSBC cho biết, nửa đầu năm 2022, Việt Nam đón 602.000 lượt khách quốc tế, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những dấu hiệu đáng mừng cho sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Tại báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC, Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm nay. Mở đầu bản báo cáo, nhóm chuyên gia HSBC nhận định Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng hai năm liên tiếp kể từ khi xảy ra đại dịch và hiện đang được coi là điểm sáng trong khu vực do tiềm năng phát triển kinh tế vững vàng và khả năng phục hồi nhanh sau Covid-19.

Chuyên gia HSBC chỉ ra, năm 2022 của Việt Nam đã khởi đầu bằng những bước đi vững chắc. Kiên trì theo đuổi chiến lược “sống chung với virus”, Việt Nam triển khai chương trình tiêm chủng thần tốc và gỡ bỏ dần các biện pháp phòng dịch giúp phục hồi nhu cầu mua sắm trong nước, bức tranh tiêu dùng nội địa khởi sắc trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đã tăng lên 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 8,48% toàn ngành so cùng kỳ năm 2021, trong đó linh kiện điện thoại tăng 22,2%. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 51,7 điểm trong tháng Tư lên 54,7 điểm trong tháng 5 (mức cao nhất trong 12 tháng qua), trước khi lùi một chút về 54 điểm trong tháng 6.

HSBC cũng cho rằng, nhờ nguồn FDI ổn định trong nhiều năm đổ vào ngành sản xuất công nghệ, Việt Nam đã vươn mình trở thành một công xưởng sản xuất của thế giới. Mặc dù có lúc đại dịch đã khiến sản xuất tạm thời gián đoạn, sự quan tâm dành cho Việt Nam của cộng đồng quốc tế vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, Samsung đã quyết định xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam...

Theo HSBC, rất đáng chú ý là tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số đều tích cực góp phần đưa tăng trưởng GDP quý II/2022 đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 6,42%.

Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán (HSBC Việt Nam) nói: “Chúng tôi đặc biệt hoan nghênh những hỗ trợ của nhà nước đối với khối doanh nghiệp như chương trình cấp bù lãi suất 2% nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh khi Việt Nam mở cửa trở lại, nhờ vậy cũng thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển”.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 76.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước và gần 40.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,6%. Bình quân một tháng có 19.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cho thấy tình hình bắt đầu khởi sắc...

Tất cả các chỉ dấu đều cho thấy Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định, vững vàng. HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2022 lên 6,9% (từ 6,2%), nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực.

Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ HSBC cũng cho rằng, tình hình nhìn chung là lạc quan song các yếu tố cản trở tăng trưởng vẫn tồn tại. Cụ thể, Việt Nam cũng đang gặp một loạt thách thức trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Điều đó sẽ khiến chi phí nhiên liệu tăng, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam. “Chúng tôi đánh giá xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, tạo áp lực ngược lại lên lạm phát. Mặc dù chi phí năng lượng cao, lạm phát thực phẩm ở mức độ vừa phải, sản xuất trong nước tương đối ổn định giúp kìm hãm lạm phát toàn phần” - nhóm chuyên gia HSBC nhìn nhận.

Đáng chú ý, HSBC cho rằng Việt Nam cần hết sức lưu ý những "cơn gió ngược chiều" cản trở tăng trưởng thương mại đang mạnh dần lên. Điều đó khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam khó có khả năng duy trì đà tăng trưởng vững mạnh như hiện nay. Bên cạnh đó lạm phát có thể gia tăng dẫn tới việc phục hồi cuộc sống nói chung diễn ra không đồng đều, khi mà các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn trong ngắn hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vững vàng phục hồi giữa thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO