Vươn dậy trong khó khăn

Minh Phương 19/06/2020 09:00

Con số hơn 34.000 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường trong quý I/2020 cho thấy sự tác động của đại dịch Covid-19 là rất lớn. Tuy nhiên, không chịu bó tay, trong nguy tìm cơ, cộng đồng DN đã có những chuyển động tích cực.

Hoạt động sản xuất vào nhịp điệu mới. Ảnh: Quang Vinh.

Đồng cam cộng khổ

Sau hơn hai tháng phải tạm thời đóng cửa chuỗi nhà hàng vì dịch Covid-19, những ngày này, ông Nguyễn Văn Thành, chủ một chuỗi nhà hàng tại Sa Pa (Lào Cai) bắt đầu đón khách quay trở lại. Gặp ông tại nhà hàng Indigo- đứa con tinh thần được ông “nuôi nấng”, đầu tư 20 năm nay - tôi không có cảm giác nó đã bị tạm ngưng hoạt động kéo dài. Là bởi, dù tạm nghỉ, ông chủ nhà hàng vẫn yêu cầu nhân viên của mình phải luôn chăm sóc dọn dẹp, vệ sinh nhà hàng, không để nó trở nên lạnh lẽo, vì ông tin dịch sẽ sớm được đẩy lùi. Và quả thực, niềm tin mạnh mẽ ấy đã thắp cho chuỗi nhà hàng của ông được hồi sinh.

Đón những vị khách đến với nhà hàng sau kỳ nghỉ khá dài, ông Thành cho biết, vẫn là các vị khách Tây và khách ta rất quen thuộc với nhà hàng. Khi quay trở lại họ đều nói rằng, họ tin và mong chờ ngày hôm nay vì những người làm ăn có tâm, có tầm như ông Thành không bao giờ thất bại. Chia sẻ về những tháng ngày chống chọi với đại dịch, ông Thành cho biết, đó thực sự là giai đoạn khó khăn, tiền đã đổ vào rồi, hàng loạt hợp đồng đã ký và chương trình đã lên… DN hoạt động chỉ ngưng khoảng một hai ngày đã khó sống, nói gì đến hơn hai tháng, nhất là DN hoạt động trong ngành dịch vụ, không có khách, khách hủy hợp đồng là coi như xong.

Tuy nhiên, không nản lòng, ông đã cùng với đội ngũ nhân viên “đồng cam cộng khổ” để vững chân trước hoạn nạn. “Anh em nhân viên rất thông cảm và chia sẻ với khó khăn nên hai tháng vừa rồi họ chấp nhận không lương và tìm cách kiếm sống khác, như bán hàng online kèm theo đó vẫn đưa các hình ảnh sản phẩm của nhà hàng chúng tôi để quảng bá”- ông Thành chia sẻ.

“Và trong thời gian chịu dịch, chúng tôi vẫn duy trì liên kết với khách hàng bằng giao dịch điện tử, tôi cũng hẹn khách quay trở lại nhà hàng sẽ có những ưu đãi cho họ và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Quan trọng là họ vẫn yêu quý vào trao niềm tin cho cung cách phục vụ của nhà hàng chúng tôi”- ông Thành nói.

Số liệu thống kê cho hay, dịch Covid-19 đã tác động đến 86% DN. Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, chưa bao giờ thấy số DN ngưng hoạt động lại lớn như vậy. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm hàng loạt hộ treo biển cho thuê cửa hàng… Thế nhưng, với sự kiên trì chống dịch của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế đang bắt đầu hồi sinh, trở về trạng thái “bình thường mới”.

Thực tế cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các DN Việt Nam vẫn kiên cường chống trọi. Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau quyết định dỡ bỏ về cơ bản các biện pháp cách ly, mở cửa lại thị trường trong nước, tình hình các DN và nền kinh tế đang chuyển biến rất nhanh theo chiều hướng tích cực.

Thương mại điện tử trỗi dậy

Số liệu khảo sát của VCCI về thực trạng của cộng đồng DN cho hay, tính đến đầu tháng 5/2020, có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng DN mà VCCI công bố 1 tháng trước đây. “Qua đại dịch Covid-19, một lần nữa sức sống, kiên cường, khả năng chống chọi của các DN Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy”- ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Có một điểm sáng trong bức tranh kinh tế “thời Covid-19” được nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhắc đến, đó là sự trỗi dậy của kênh thương mại điện tử. Nhiều ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 khiến cho nhiều lĩnh vực kinh tế lao đao, nhưng lại tạo cơ hội cho kênh thương mại điện tử phát triển. Việt Nam đang bắt nhịp với xu hướng này trong nhiều năm trở lại đây, song phải đến khi đợt dịch này tràn quan, thương mại điện tử mới thực sự phát triển tại Việt Nam.

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), chỉ trong vòng 3 năm (2016 -2018), tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội mua sắm trực tuyến đã gia tăng từ mức 47% (năm 2016) lên 70% (năm 2018). Song trong 3 tháng đầu năm 2020, do đại dịch Covid-19 hoành hành khiến cho người tiêu dùng đẩy mạnh việc mua sắm trực tuyến thay vì mua sắm truyền thống để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Lượng mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử như Shoppe, Sendo, Kiti, Lazada… tăng vọt trong quý I năm 2020.

Có thể thấy, đại dịch đã góp phần làm thay đổi tư duy kinh doanh cũng như mua sắm của người dân và DN Việt Nam. Nó không chỉ tạo nên xu hướng mua sắm, kinh doanh trực tuyến, mà còn góp phần tạo sự chuyển biến trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nói như ông Michael Ignatiadis- Giám đốc Chuỗi cung ứng & Hậu cần tại Châu Á Thái Bình Dương của JLL: “Covid-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh cho sự chuyển đổi kỹ thuật số trong việc quản lý chuỗi cung ứng”.

“Cơ hội vàng” thu hút FDI

Không chỉ thương mại điện tử trỗi dậy, đại dịch cũng khiến hình ảnh Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Với việc kiểm soát dịch Covid-19 hết sức thận trọng và thành công của Chính phủ, Việt Nam đã trở thành nơi “đất lành chim đậu”, là điểm đến hấp dẫn của nhiều DN FDI, khi hàng loạt nhà máy, dự án FDI bắt đầu dịch chuyển về Việt Nam.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam đã rất thành công trong cuộc chống chọi với virus Corona, cho nên đã và đang trở thành điểm sáng để các DN FDI chuyển hướng dòng vốn của mình vào. Người ta đã bắt đầu chứng kiến những cuộc chuyển dịch rầm rộ chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn vào Việt Nam. Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Canon... đã chứng minh sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.

Tiếp đó, sau khi Google chọn Bắc Ninh để đầu tư sản xuất Pixel, Amazon và Home Depot cũng đang tăng cường tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam. Và đến nay, Apple quyết định di dời một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Nhật Bản mới đây đã công bố dành 2,2 tỉ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn.

Với những chuyển động nói trên, có thể thấy, các nhà đầu tư ngày càng đánh giá cao Việt Nam và coi đây là điểm đến hấp dẫn hơn hẳn nhiều quốc gia khác thời kỳ hậu dịch Covid -19.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, mặc dù bệnh dịch đã và đang được kiểm soát, thị trường có những dấu hiệu phục hồi, song đây không phải sự hồi phục như cũ mà sẽ là hồi phục trong trạng thái “bình thường mới”. Bình thường mới cũng tạo ra sự liên kết mới, chuỗi giá trị, cung ứng, tư duy kinh doanh mới… kèm theo đó là những thách thức mới.

Khẳng định sẽ là cơ hội vàng cho DN Việt Nam nếu tận dụng được cơ hội này, nhưng theo ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, “cơ hội vàng” ấy không dành riêng cho Việt Nam, mà Ấn Độ, Indonesia, Malaysia... cũng đang là các quốc gia được nhắm đến.

“Chính bởi vậy, đòi hỏi Việt Nam phải có những chiến lược để thu hút một cách bài bản, tận dụng dòng vốn từ sự dịch chuyển này”- ông Thân nói. Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, chúng ta không nên chủ quan tất cả các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ dịch chuyển sang Việt Nam… mà họ còn nhắm đến nhiều thị trường khác nữa. Do đó Việt Nam không thể chủ quan. Bên cạnh đó, chính sách đầu tư cần có những thay đổi tích cực, phóng khoáng hơn, linh hoạt hơn. “Nếu chúng ta đón dòng vốn FDI nhưng thủ tục vẫn còn phiền toái, giấy phép mẹ đẻ giấy phép con... thì sẽ là một trở lực lớn cho cơ hội dịch chuyển này”- ông Hiếu nhấn mạnh.

“Qua dịch Covid-19, một lần nữa sức sống kiên cường, khả năng chống chịu của các DN Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy. Thời điểm này là lúc các DN trỗi dậy để phục hồi sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của nhà quản lý trong việc đẩy mạnh cải cách thể chế, quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3, nhóm 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN. Sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho DN” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vươn dậy trong khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO