Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Lã Thế Tuấn 22/06/2017 14:45

Được thành lập năm 2002, nằm ở độ cao từ 1.000-3.000 m so với mực nước biển trên dãy Hoàng Liên Sơn, Vườn Quốc gia Hoàng Liên thuộc các xã San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) và một phần các xã Phúc Khoa, Trung Đồng (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu). Đây là khu vực đa dạng sinh học bậc nhất của đất nước, và cũng là nơi được khách du lịch ưa thích.

Từ thị trấn Sa Pa, qua một đoạn dốc quanh co khoảng 20km, ta sẽ đến đèo Ô Quý Hồ thuộc địa phận Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên. Ô Quý Hồ được coi là 1 trong 4 “tứ đại đèo” của miền Tây Bắc. Nơi đây núi cao, vực sâu, đường xá hiểm trở. Nơi mà trong một buổi trưa hè im ắng, người ta nghe được tiếng kếu lẻ loi của những con chim Từ quy, còn buổi sáng sớm, khi mặt trời còn mờ đục trong làn sương mù, nếu lắng nghe kĩ sẽ thấy tiếng rơi của những giọt nước từ một chiếc lá nào đó.

Đèo Ô Quý Hồ cũng như VQG Hoàng Liên bạt ngàn cây xanh. Cây rừng ở đây rất phong phú, từ loại cây thân gỗ, cây dây leo, các loại hoa, và rất nhiều thảo dược. Vì thế, Hoàng Liên cũng được coi là vùng rừng giàu có nhất của đất nước; trở thành Trung tâm đa dạng của các loài thực vật trong Chương trình Bảo tồn các loài thực vật của Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới (IUCN). Vườn cũng được Quỹ Môi trường toàn cầu được xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam.

Vùng lõi của Vườn (29.845 ha) nằm trọn trong các xã San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai và một phần thuộc các xã Mường Khoa, Thân Thuộc huyện Than Uyên. Vùng đệm của vườn có tổng diện tích là 38.724ha, bao gồm thị trấn Sa Pa và một số xã thuộc hai huyện Sa Pa, Văn Bàn tỉnh Lào Cai, và 2 xã thuộc huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu. Trong khu vực có 6 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Dao và Mông chiếm đa số.

Đỗ quyên - loài hoa tuyệt đẹp trên dãy Hoàng Liên Sơn.

Cũng chính ở đây có phiên chợ tình độc đáo, nổi tiếng cả nước. Chợ họp đêm cuối tuần ở thị trấn Sa Pa, cả người Dao, người Mông đều là chủ nhân của chợ tình. Sau này, chợ tình trở thành một “sản phẩm du lịch” thu hút khách từ nhiều nơi đến chứng kiến.

Tại chợ tình, trong không gian thiên nhiên khoáng đạt có phần thâm u khi đêm về, thấp thoáng sau những cây sa mộc uy nghiêm, trong màn sương mờ đục, khe khẽ những tiếng khèn, tiếng đàn môi. Chợ tình Sa Pa là điểm hẹn của những chàng trai, cô gái trong vùng. Họ đến để gặp gỡ, để được nhìn thấy nhau, để được nghe nhau nói, nghe nhau thổi khèn. Từ đó có được những mối tình da diết đượm màu cổ tích.

Khu vực VQG Hoàng Liên trên thực tế là một vùng văn hóa sống động của bà con các dân tộc anh em. Những bản làng xung quanh đều rất đẹp, đẹp từ một căn nhà sàn cho đến con đường dẫn vào bản. Người dân nơi đây rất khéo tay dệt vải, thêu thùa, làm nên những vuông thổ cẩm vô cùng đẹp đẽ. Cũng tại đây, bà con người Dao có bài thuốc tắm lá gia truyền: nó làm người ta quên đi hết mệt mỏi ưu phiền, sức khỏe hồi phục nhanh chóng. Tới nay, bài thuốc của người Dao đã vượt núi vượt rừng, đến với người thành phố xa xôi.

Đường lên đèo Ô Quý Hồ.

Cùng với bài thuốc tắm lá, bà con còn rất tài trong việc bào chế những thang thuốc từ thảo dược. Khu vực này rất nhiều cây thuốc. Bà con vẫn vào rừng lấy cây thuốc, nhưng ý thức bảo vệ rừng rất cao: không bao giờ khai thác theo kiểu tận diệt, không bao giờ hái cây non. Chính vì thế mà cây thuốc ở đây vẫn rất đa dạng, phong phú.

Về thực vật, VQG Hoàng Liên có 2.024 loài thuộc 200 họ, trong đó có 66 loài trong Sách Đỏ Việt Nam, 32 loài quý hiếm, 11 loài có nguy cơ tuyệt chủng như bách xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ, đinh tùng, dẻ tùng. Trên 700 loài cây được dùng làm thuốc, trong đó có đương quy, thục địa, đỗ trọng, hoàng liên chân chim, đỗ quyên, kim giao, thảo quả. Nấm cổ linh chi- dược thảo rất quý hiếm cũng không ít. Đáng kể nhất là có những tai nấm nặng trên 6 kg.

VQG Hoàng Liên có 3 loài cây cực quý hiếm là bách xanh, thông đỏ và vân sam Hoàng Liên (sam lạnh). Với vân sam, chúng mọc ở độ cao 2.700 m, độ cao trung bình lên tới 20m, đường kính gốc từ khoảng 70 cm. Tuy không liệt vào hạng quý hiếm, nhưng nơi này còn nổi tiếng nhờ một loài hoa rừng rất đẹp: hoa đỗ quyên. Mùa hoa nở, chúng đỏ như những đôi môi thiếu nữ, rực rỡ trên màu xanh của rừng già.

Vân sam - loài thực vật quý của Hoàng Liên.

Hệ động vật của VQG Hoàng Liên cũng rất đa dạng, quý giá. Nơi đây có 66 loài thú, trong đó có 16 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Ở đây có sóc bay, mèo rừng, sơn dương, vượn đen và cả những đàn trâu rừng. Vườn còn là “đất sống” của một số loài có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có vượn đen tuyền, hồng hoàng, cheo cheo, voọc bạc má.

Trong những tàn cây, lũ chim muông ca hót. 347 loài chim làm nên sự đa dạng của Vườn. Hoàng Liên sở hữu nhiều loài chim quý hiếm, như đại bàng đốm, trĩ mào đỏ, hét mỏ vàng...

Một lần đến với VQG Hoàng Liên là một lần cảm nhận sự giàu đẹp, kỳ vĩ của đất nước.

Cách đây chưa lâu, giới nghiên cứu đã phát hiện thêm 2 loài hoa đỗ quyên trong VQG Hoàng Liên. Đó là loài đỗ quyên thân bụi có hoa màu vàng và loài đỗ quyên hoa đỏ, mọc ở khe núi đá trên độ cao từ 1.800 - 3.000 m so với mặt nước biển.

Đây là phát hiện có ý nghĩa lớn trong công tác nghiên cứu hệ thực vật ở VQG Hoàng Liên, góp phần tạo lập danh mục thực vật đầy đủ hơn, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học và đề xuất các biện pháp bảo tồn loài hoa đỗ quyên mọc hoang dã trong VQG Hoàng Liên.

Còn vào ngày 18/12/2016, VQG Hoàng Liên đã tổ chức đón nhận Bằng chứng nhận cho 4 nhóm cây rừng Hoàng Liên do Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Bao gồm: 6 cây đỗ quyên quang trụ; 7 cây hồng quang, 4 cây thiết sam Fansipan và 9 cây trâm ổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vườn Quốc gia Hoàng Liên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO