Vướng mắc trong việc dạy nghề

Lan Hương 10/06/2017 09:00

Đề án 1956 với nội dung chính là dạy nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số (DTTS), được triển khai nhằm khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, cũng như việc chuyển đổi cơ cấu lao động, nhưng chính sách này chưa phát huy hết hiệu quả.

Anh Dương Văn Hỏn (xóm Pú Dô, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng) học nghề sửa chữa máy nông nghiệp. Do trình độ có hạn, nên việc tiếp thu kiến thức không dễ. Thêm nữa, thời gian học không nhiều, nên rất khó khăn để “hành nghề” đã học.

Anh Hỏn cho biết: “Ở xã thì chẳng có mấy nhà đầu tư được máy cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong khi có đến chục người học, lấy đâu ra máy để sửa chữa. Muốn hành nghề thì phải là thợ lành nghề, nhưng với tay nghề non yếu từ lớp học ngắn hạn, liệu có thể sửa một cách thông thạo để khách hàng tin tưởng hay không?” Vì những lý do này, nên cuối cùng anh Hỏn lại quay về làm nghề nông truyền thống.

Đây không phải là trường hợp cá biệt ở Cao Bằng bởi theo Trưởng phòng Quản lý dạy nghề, Sở LĐTBXH tỉnh này, ông Đàm Văn Thủy thì sau 6 năm thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh đã đào tạo nghề được trên 25.200 người. Nhưng công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp còn nhiều bất cập, người lao động chưa sống được bằng nghề. Nội dung và chất lượng đào tạo nghề còn mang nặng tính hình thức, chưa sát với thực tế. Một số địa phương không duy trì được nghề sau đào tạo, gây lãng phí thời gian của người dân và kinh phí đào tạo.

Trong khi đó, tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, việc đào tạo nghề cho đồng bào DTTS dù được triển khai theo hướng tập trung dạy nghề chăn nuôi và trồng trọt, nhưng vẫn không thể phát huy được hiệu quả. Chị Vàng Phí Chóng ở xã Bum Nưa cho biết: “Trước đây chị cũng được học nghề chăn nuôi. Cán bộ phát cho 30 con ngan giống để nuôi, nhưng giờ nó bị bệnh chết hết rồi. Ở đây nhà nào cũng vậy mà, không nuôi được con gì đâu, khó lắm…”.

Tại Phú Thọ mặc dù năm 2016 đã đào tạo được trên 20.000 người tuy nhiên theo Sở LĐTBXH trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ không ít khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ, đó là: Cơ cấu đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng với mục tiêu đề ra, chủ yếu là dạy nghề nông nghiệp, tỷ lệ đào tạo nghề phi nông nghiệp thấp (chiếm khoảng 30%), một số nghề chất lượng đào tạo còn hạn chế, lao động sau học nghề đa số tự tạo việc làm nên có nghề học xong do thiếu vốn, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm đã không phát huy được.

Bên cạnh đó hàng năm nguồn kinh phí của trung ương bố trí cho Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn rất thấp, trong khi cơ chế điều hành phân bổ kinh phí liên tục thay đổi: Năm 2012 kinh phí giao trực tiếp cho các cơ sở dạy nghề; năm 2013 giao cho Sở LĐTBXH làm chủ đầu tư; năm 2014 - 2015 giao cho Sở LĐ,TBXH là chủ đầu tư đào tạo nghề phi nông nghiệp, Sở NNPTNT là chủ đầu tư đào tạo nghề nông nghiệp; năm 2016 đưa vốn đào tạo nghề lồng ghép vào chương trình nông thôn mới, giao cho cấp cơ sở tự quyết định song lại không có hướng dẫn cụ thể nên rất khó vận dụng.

Vốn nông thôn mới chi cho nhiều nội dung, trong khi mức phân bổ hàng năm có hạn, xã loại 3 được hơn 80 triệu đồng, xã loại 2 hơn 100 triệu đồng, xã đặc biệt khó khăn được 335 triệu đồng. Chính vì vậy mặc dù huyện đã yêu cầu các xã căn cứ tình hình thực tế chủ động phân bổ, bố trí vốn nông thôn mới cho công tác đào tạo nghề nhưng quá thời hạn vẫn chưa có xã nào đăng ký.

Những vấn đề bất cập kể trên trong việc đào tạo nghề cho đồng bào DTTS cần được nhìn nhận và sớm có giải pháp tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vướng mắc trong việc dạy nghề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO