Vượt qua đại dịch bằng vaccine

Hà Anh 16/06/2021 08:23

Vaccine đang chứng minh hiệu quả lớn trong cuộc chiến chống covid-19 trên toàn thế giới, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu. Đây cũng là lúc các nước giàu thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn đại dịch. Đã có những lời hứa, hành động, nhưng dường như thế giới cần nhiều hơn thế trong cuộc chiến cam go này.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 tuyên bố chia sẻ 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển để giúp thế giới vượt qua đại dịch Covid-19, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều cho rằng con số này quá ít để đẩy lùi đại dịch.

Vẫn là chưa đủ

Ngày 14/6, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, các nước G7 nhất trí sẽ chia sẻ 1 tỷ liều vaccine cho các nước đang phát triển thông qua chương trình COVAX của Liên hợp quốc và cả cơ chế hỗ trợ trực tiếp các nước.

Thông cáo chung của lãnh đạo G7 cho biết, G7 cam kết chấm dứt đại dịch và chuẩn bị cho tương lai thông qua việc tăng cường nỗ lực quốc tế ngay lập tức nhằm thực hiện chương trình tiêm chủng toàn cầu với các vaccine an toàn cho càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng tốt. “Chúng tôi sẽ phối hợp với khu vực tư nhân, G20 và các nước khác để tăng nguồn đóng góp này trong các tháng tới” - thông cáo nêu rõ.

Mục tiêu của G7 là có thể giúp thế giới đẩy lùi đại dịch vào năm tới. Ngoài ra, nhóm cũng cam kết thiết lập các hệ thống nhằm ngăn chặn và đối phó các đại dịch trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước cũng đã cam kết sẽ đóng góp 500 triệu liều vaccine Covid-19 cho 92 nước có thu nhập thấp và trung bình thông qua cơ chế COVAX, trong đó 200 triệu liều sẽ được bàn giao trước năm 2022.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10/6 cho biết, nước này sẽ tài trợ ít nhất 100 triệu liều vaccine Covid-19, với 5 triệu liều bắt đầu trong những tuần tới. Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý tài trợ ít nhất 100 triệu liều vào cuối năm 2021, với Pháp và Đức mỗi nước cam kết cung cấp 30 triệu liều.

Những cam kết liên tiếp được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi các nước giàu làm nhiều hơn để chia sẻ vaccine với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nỗ lực này tới nay mới chỉ như “muối bỏ bể” và thế giới cần nhiều hơn thế.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng, số vaccine này quá ít để có thể đưa thế giới vượt qua đại dịch. Theo ông Tedros, để chấm dứt đại dịch cần đạt được mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số thế giới vào năm tới. “Để làm được điều đó, chúng ta cần 11 tỷ liều vaccine”.

Mục tiêu mà ông Tedros đưa ra là 30% dân số các nước được tiêm chủng trước cuối năm 2021, điều này đòi hỏi phải có thêm 100 triệu liều vào tháng 6 và tháng 7, và 250 triệu liều vào tháng 9.

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, các nước cần tạm thời xóa bỏ bản quyền sản xuất vaccine Covid-19 để tăng nguồn cung vaccine cho thế giới - một sáng kiến nhận được sự ủng hộ của Mỹ nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều nước châu Âu.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đưa ra một đánh giá cho biết, Covid-19 đang lây lan nhanh hơn tốc độ phân phối vaccine trên toàn cầu, chủ yếu do các biến chủng mới như Alpha và Delta. “Điều đó đồng nghĩa rủi ro tăng lên đối với những người không được bảo vệ, chiếm phần lớn dân số thế giới”.

Đánh giá về tình hình, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cũng cho biết, cam kết chia sẻ vaccine của G7 là một khởi đầu tích cực, nhưng thế giới cần làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các nước tiêm chủng toàn dân.

Các chuyên gia kinh tế của IMF gần đây ước tính, chi phí để tiêm chủng cho khoảng 60% dân số thế giới vào giữa năm sau là khoảng 50 tỷ USD. Đổi lại, nếu đạt được mục tiêu đó, kinh tế thế giới có thể tạo ra 9.000 tỷ USD đến năm 2025. Do vậy, việc các nước giàu có giúp tăng nguồn cung vaccine toàn cầu sẽ là một khoản đầu tư có lợi vào con người.

Đối mặt với đỉnh dịch

Trong khi nguồn vaccine vẫn khan hiếm, Indonesia, đất nước đông dân thứ 4 thế giới, dự báo một làn sóng mới dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh điểm vào đầu tháng 7, với chủ yếu các ca nhiễm là biến thể Delta.

Theo giới chức Jakarta, làn sóng dịch mới có thể sẽ khiến các bệnh viện tại thủ đô phải hoạt động gần tối đa công suất để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Trong vài tuần gần đây, sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr, số ca nhiễm mới tại Indonesia đã tăng trở lại.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 14/6, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết, biến thể Delta hiện lây lan nhanh và chiếm đa số trong các ca nhiễm tại các khu vực như Jakarta và nhiều khu vực trên đảo Java.

Người phát ngôn của lực lượng đặc nhiệm Covid-19 Indonesia, ông Wiku Adisasmito cho biết, đã phát hiện ít nhất 60 ca mắc biến thể Delta ở khu vực Kudus, miền Trung Java, nơi các bệnh viện đã huy động tới hơn 90% công suất điều trị các bệnh nhân Covid-19.

Trước đó, ngày 13/6, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết, hơn 75% công suất các bệnh viện trong thành phố 10 triệu dân này đã được vận hành. Với số ca mắc mới tăng 50% trong tuần qua và nếu tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, giới chức thủ đô có thể phải xem xét khả năng tái áp đặt các biện pháp hạn chế để chống dịch.

Thống đốc Anies Baswedan nêu rõ cần theo dõi chặt chẽ tình hình tại thủ đô Jakarta. Nếu tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, chính quyền và người dân thành phố sẽ phải đối mặt với một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm.

Theo số liệu thống kê chính thức, Indonesia đã ghi nhận hơn 1,9 triệu ca mắc Covid-19, trong đó 53.116 ca tử vong. Riêng ngày 13/6, nước này có thêm 10.000 ca mắc mới, con số cao nhất kể từ tháng 2 vừa qua.

Mặc dù vậy, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vẫn bày tỏ lạc quan rằng việc thủ đô Jakarta sẽ đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vào tháng 8.

Phát biểu trên kênh YouTube chính thức của Phủ Tổng thống, Tổng thống Joko Widodo cho rằng để đạt được mục tiêu trên, Jakarta phải sẽ tăng năng lực tiêm chủng lên mức 100.000 liều vaccine/ngày từ tuần tới.

Biến chủng Delta xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ đã xuất hiện ở 74 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, các nước châu Phi, bán đảo Scandinavia và khu vực Thái Bình Dương. Sự bùng phát của chủng Delta khiến nhiều người lo ngại chúng có vẻ dễ lây lan và nguy hiểm hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vượt qua đại dịch bằng vaccine

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO