Vượt qua stress trong mùa Covid- 19

Đức Trân 17/06/2021 09:01

Cuộc sống hiện đại đầy rẫy những yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần của mỗi chúng ta. Và sự xuất hiện của Covid-19 góp phần lớn khiến nhiều người bị gia tăng căng thẳng, lo lắng, dẫn đến bệnh lý tâm thần có thể diễn ra nhanh hơn, trầm trọng hơn.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Đại dịch Covid-19 gây stress nặng và sốc vì nó ảnh hưởng đến 2 vấn đề, đó là đe doạ đến tính mạng từng cá nhân trong cộng đồng, thứ 2 là môi trường bình thường đã có stress, nhưng khi dịch bệnh đến chúng ta có nhiều biện pháp phòng bệnh như cách ly xã hội, trẻ không đến trường… khi đó có nghĩa là chúng ta thay đổi môi trường sống, dễ gây xáo trộn, stress.

Song rõ ràng, ở mỗi cá nhân thì mức độ stress khác nhau. Những vùng tâm dịch có số người chết cao khiến cho tình trạng stress cao hơn so với những nơi không có tử vong, người dân được bảo vệ thì sự căng thẳng ít hơn.

Với người trung niên và lớn tuổi, do những tác động từ cuộc sống và những thay đổi trong cơ thể do quá trình lão hóa tự nhiên... họ dễ bị stress, lo âu, trầm cảm. Trong thời điểm dịch bệnh, người cao tuổi còn là đối tượng được khuyến cáo nên hạn chế ra ngoài và tiếp xúc.

Ở trẻ em, việc nghỉ học kéo dài, hạn chế vui chơi bên ngoài, nhiều gia đình dường như chỉ biết cho con làm bạn với ipad, điện thoại. Điều này sẽ có ảnh hưởng với con trẻ. Cũng như người lớn, trẻ em cũng có rối loạn lo âu lan tỏa trong đại dịch Covid-19. Trẻ em bị stress chủ yếu là do không được đi chơi và gặp gỡ bạn bè, không đến trường học, gián đoạn học hành...

Để giảm nguy cơ stress trong dịch Covid-19, mọi người nên quan tâm đến nhau hơn để giải tỏa về tinh thần. Cá nhân cần nhận diện rõ các cảm xúc tiêu cực do gánh nặng, khủng hoảng tâm lý gây ra (sợ hãi, lo lắng, tức giận, buồn bã, thất vọng...) và chấp nhận thì mới có thể vượt qua. Bên cạnh đó, một tư duy tích cực và linh hoạt trong giai đoạn này là rất cần thiết.

Đối với người cao tuổi không cần hoạt động cao độ, có thể ở nhà đọc sách, tản bộ. Người thân cần quan tâm trò chuyện với người cao tuổi trong gia đình để họ không cảm thấy lẻ loi, cô đơn.

Để đương đầu với dịch bệnh, mỗi người cần chú ý tăng cường thể lực, tập thể dục trong 30 phút mỗi ngày, tập các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thiền, yoga... Cần có chế độ ăn tăng cường canxi, vitamin để tăng cường thể lực. Tránh thức quá khuya và ngủ nướng quá nhiều vì điều đó không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn nữa.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cho rằng, trò chuyện với những người bạn tin cậy, bạn bè và gia đình có thể giúp chúng ta xử lý tình trạng stress. Nếu phải ở nhà, người dân nên duy trì lối sống lành mạnh - bao gồm chế độ ăn, ngủ, tập thể dục hợp lý và duy trì các mối quan hệ xã hội với những người thân thiết ngay tại nhà bằng email hay điện thoại.

Không hút thuốc lá, uống bia rượu hay dùng các chất kích thích khác để đối phó với cảm xúc của mình. Đặc biệt, chỉ tiếp nhận thông tin đúng đắn từ những nguồn thông tin đáng tin cậy, thu thập thông tin giúp xác định được nguy cơ của mình một cách chính xác để có những bước đề phòng hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vượt qua stress trong mùa Covid- 19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO