4.500 điểm giao cắt đường sắt không người gác chắn

Đoàn Xá 26/08/2015 09:05

Ông Ngô Anh Thảo, Phó tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam cho biết, khoảng 80% số vụ tai nạn là xảy ra ở các điểm giao cắt. Trong số 6.000 điểm giao cắt trên toàn tuyến đường sắt Bắc Nam thì có tới 4.500 điểm do người dân lập, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

4.500 điểm giao cắt đường sắt không người gác chắn

Các điểm giao cắt đường bộ đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Ngày 25/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT, Ban ATGT Quốc gia, Cục CSGT đường bộ, đường sắt… cùng nhiều đơn vị ngành liên quan đã tổ chức hội thảo về an toàn giao thông trong lĩnh vực đường sắt với mục đích kéo giảm tới mức thấp nhất các tai nạn liên quan đến đường sắt.

Theo Trung tá Đinh Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục CSGT, đường sắt đường bộ thì thời gian qua số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn đường sắt đang có chiều hướng gia tăng, gây ra thiệt hại về người và của. Đặc biệt, tai nạn đường sắt ngày càng phức tạp và khó lường hơn trước. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2015, tại TP HCM, TNGT đường sắt xảy ra 8 vụ (tăng 3 vụ), làm chết 5 người (tăng 3 người), bị thương 2 người, so với cùng kỳ năm 2014.

Lý giải về tình trạng này, đại diện Sở GTVT thành phố cho rằng, nguyên nhân là do ý thức chấp hành ATGT đường sắt của một bộ phận người dân chưa tốt, vẫn còn tình trạng tự ý leo qua rào bảo vệ để vào khu vực đường sắt gây ra tai nạn. Trong khi, một số khu vực vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt như để đồ, kê bàn ghế ngồi, phơi quần áo, đổ xà bần, trồng cây,…hay thậm chí lấn chiếm để xây nhà cửa làm tăng nguy cơ tai nạn. Thêm nữa, một số điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt còn tình trạng thu hẹp, gây cản trở các phương tiện đường bộ khi có đoàn tàu đi qua.

Vì thế, khi tàu đường sắt lưu thông qua các vị trí này, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Để giải quyết tình trạng trên, thành phố kiến nghị ngành đường sắt, Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GTVT hỗ trợ kinh phí nhằm xây dựng các điểm giao cắt cấp bách, hệ thống hàng rào đường sắt, các biển báo, đèn tín hiệu… nhằm đồng bộ cơ sở hạ tầng, các điểm giao cắt, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.

Ông Ngô Anh Thảo, Phó tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam cho biết, khoảng 80% số vụ tai nạn là xảy ra ở các điểm giao cắt. Vì thế, kiểm soát an toàn tại các điểm này cũng chính là kiểm soát an toàn của giao thông đường sắt. Tuy nhiên, đây là việc khó khăn và tốn kém bởi hiện tuyến đường sắt Bắc Nam có tổng cộng 6.000 điểm giao cắt với khoảng 1.500 điểm có kiểm soát, còn lại là tự phát do người dân lập gia tiềm ẩn vô vàn nguy cơ tai nạn.

Ông Thảo cũng cho biết thêm, với vận tốc trung bình lên đến 80-90 km/h, ngay cả khi người dân chưa nhìn thấy đoàn tàu mà băng qua đường sắt ở điểm giao cắt vẫn có thể xảy ra nguy cơ va chạm với hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Hơn nữa, do đặc thù đường sắt là tuyến độc đạo nên bất kỳ vụ tai nạn nào dù lớn hay nhỏ đều dẫn đến việc toàn bộ hệ thống đường sắt bị ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông của xã hội.

Thay mặt ngành đường sắt, Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GTVT, ông Thảo đề nghị các Sở, ngành liên quan và chính quyền TP Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương có đường sắt đi qua nói chung tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến tận hộ gia đình dân cư nhằm nâng cao ý thức chấp hành giao thông đường sắt và đường bộ nhằm nâng cao ý thức chấp hành giao thông của mọi người.

Đồng thời, rà soát, chấn chỉnh ngay các điểm giao cắt đường dân sinh, hệ thống hàng rào, barie, biển báo… để ngăn chặn các vụ TNGT. Nâng cao quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT với chính quyền địa phương trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi đối với ngành đường sắt, qua đó đảm bảo ATGT cho người dân, đặc biệt là các hộ dân sống gần đường sắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    4.500 điểm giao cắt đường sắt không người gác chắn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO