Áp lực phát thải đô thị

Thu Hương 20/07/2017 07:45

Sự phát triển đô thị thiếu kiểm soát, phát thải khí nhà kính cao cùng với thực trạng chi phí năng lượng tăng, nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng đã và đang tạo áp lực lên các đô thị. Lời giải cho vấn đề giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu phải xuất phát từ các thành phố, bắt đầu từ chính sách, quy hoạch, từ sự tham gia của doanh nghiệp cũng như cả cộng đồng.

Bụi là một trong những nguyên nhân khiến các đô thị bị ô nhiễm.

Ngày 19/7, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Chương trình Định cư con người - Liên hợp quốc (UN-Habitat ) và Viện Chính sách khoa học và công nghệ Hàn Quốc (STEPI) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy giảm phát thải trong đô thị”.

"Trao quyền” giảm phát thải cho đô thị

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Văn Tấn- Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT cho biết, Việt Nam cam kết tham gia vào Thỏa thuận Paris trong đó hướng đến mục tiêu đảm bảo sự tăng nhiệt độ dưới 2 độ C, từ đó sẽ đóng góp vào giảm khí thải toàn cầu, giảm tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) trong đó, vai trò của các thành phố là rất quan trọng.

Cụ thể, các thành phố đang tiêu thụ trên 70% năng lượng toàn cầu và tạo ra trên 70% lượng phát thải các-bon toàn cầu. Đồng thời, các thành phố chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH khi số lượng mật độ dân số cao thì hạ tầng tập trung ở đó, những thách thức hay hiện tượng khí hậu cực đoan như bão lũ, nhiễm mặn, việc thiếu nước ở một số địa phương...

Trên 90% khu vực đô thị nằm ở vùng ven biển, rất dễ bị tổn thương do nước biển dâng, mưa lớn, bão. Vì vậy, lời giải cho vấn đề giảm thiểu và thích ứng với BĐKH phải xuất phát từ các thành phố. Các thành phố phải đi tiên phong trong các quá trình đó.

Đồng tình với quan điểm này, ông Fuji Fukuda- Cố vấn kỹ thuật trưởng Dự án JICA SPI-NAMA, bên cạnh việc xây dựng khung chính sách quốc gia và thực hiện NDC, việc trao quyền cho các cơ quan ngoài khu vực nhà nước trong định lượng và quản lý khí nhà kính cũng rất quan trọng.

Cụ thể, ngày càng có nhiều kỳ vọng và công nhận vai trò của các cơ quan ngoài khu vực nhà nước trong hành động về khí hậu. Trong đó, các thành phố đô thị định hướng tăng trưởng và là nơi phát thải khí nhà kính, cần đóng vai trò quan trọng, tham gia mạnh mẽ vào quá trình này.

Tuy nhiên, làm thế nào các thành phố có thể tham gia vào vấn đề giảm thải, lồng ghép và thích ứng để giải quyết các thách thức của đô thị chứ không riêng của BĐKH vì BĐKH làm trầm trọng hơn các thách thức của đô thị là câu hỏi đang đặt ra đối với không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới.

Những kiến nghị

Phân tích những thách thức từ quá trình đô thị hóa tại Việt Nam, TS Nguyễn Quang- Giám đốc UN-Habitat Việt Nam cho rằng BĐKH là trầm trọng hơn các vấn đề của đô thị hóa.

Cụ thể, vấn đề thiếu nhà ở và nhiều nhà ở thiếu kiên cố và dưới chuẩn với khoảng 35% dân số đô thị đang sống trong nhà tạm (nhà ổ chuột), nhiều người nhập cư sống ở các khu nhà phi chính thức.

Vấn đề sử dụng năng lượng không hiệu quả, nhu cầu điện năng ở vùng đô thị sẽ tăng từ 15-18% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2030.

Đặc biệt, hạn chế trong tiếp cận nước sạch ở các khu vực ngoại thành, thiếu trầm trọng các điểm thu gom và xử lý rác, thiếu hệ thống thoát nước, suy thoái môi trường, ngập lụt và ô nhiễm nghiêm trọng ở các thành phoố lớn với các bãi rác không đảm bảo...

Vẫn theo ông Quang, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc triển khai định hướng phát triển phát thải thấp, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh trong tương lai.

Đề xuất đối với chính phủ, TS Nguyễn Quang cho rằng cần giảm thuế và các ưu đãi khác về đầu tư vào năng lực thay thế, ứng dụng tiết kiệm năng lượng, hạ tầng chống chịu với khí hậu (nhà ở, thiết bị tiện ích). Thúc đẩy điều phối và lồng ghép giữa các đơn vị quản lý và theo ngành chuyên môn.

Về mặt chính sách, ông Phạm Văn Tấn cho rằng không thể khẳng định sẽ ưu tiên cho địa phương hay tổ chức, doanh nghiệp nào hơn mà tùy từng thời điểm, tùy hạng mục sẽ phân bổ hợp lý nguồn vốn hỗ trợ thích ứng và giảm thiểu BĐKH cũng như giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, phải xác định đây là vấn đề toàn cầu, của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp và cả cộng đồng cần chung tay để góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực đến chính cuộc sống của mỗi người.

Kinh nghiệm của Đà Nẵng

Đà Nẵng đã thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh hiệu quả trong những năm gần đây. Trong đó đối với dịch vụ đô thị và cơ sở hạ tầng bền vững, sử dụng các dịch vụ và cơ sở hạ tầng hiệu quả.

Đáng chú ý, thành phố này đã tạo cơ chế khuyến khích cho quản lý tổng hợp đất đai nhằm giảm áp lực đô thị hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, giảm mức độ tổn thương và thiệt hại kinh tế - xã hội do thảm họa thiên tai gây nên, đặc biệt ở vùng ven biển và các vùng nông nghiệp tại nông thôn...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực phát thải đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO