Bà Ngô Thị Minh: Giám sát chặt việc thực thi quyền trẻ em

Thu Hương (thực hiện) 17/05/2016 14:05

“Trong thời gian tới Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tiếp tục có những giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em, trong đó có các nội dung về bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích và giáo dục kỹ năng sống”- bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết. 

Bà Ngô Thị Minh: Giám sát chặt việc thực thi quyền trẻ em

Bà Ngô Thị Minh.

PV: Thưa bà, tại sao một vấn đề rất cơ bản trong giáo dục là dạy bơi cho trẻ em được chúng ta nhắc tới nhiều mà kết quả vẫn chưa cải thiện được. Năm nào cũng vẫn xảy ra những tai nạn đuối nước thương tâm đối với trẻ em. Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có những quan tâm gì đến vấn đề này?

Bà Ngô Thị Minh: Việc dạy bơi cho trẻ em hiện nay vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn, chưa thực sự trang bị cho học sinh kỹ năng cần thiết tự cứu mình trong môi trường nước, vẫn có nhiều vụ đuối nước đau lòng xảy ra cướp đi sinh mạng của các em. Về nguyên nhân, tôi cho rằng trên thực tế, việc thực hiện dạy môn bơi cho học sinh còn rất nhiều khó khăn: Cơ sở vật chất trong hầu hết các trường chưa đáp ứng được. Trong các tiêu chí về trường chuẩn quốc gia, về trường học an toàn, về xã, phường phù hợp với trẻ em đều không quy định phải có bể bơi. Việc xây dựng thêm bể bơi trong các nhà trường hay theo đơn vị hành chính xã cũng không khả thi, do đây là hạng mục cần phải đầu tư kinh phí lớn và cần phải có mặt bằng để xây dựng, đặc biệt đối với khu vực đô thị rất hạn hẹp về quỹ đất. Trong công tác chỉ đạo, Bộ GD&ĐT chưa thực sự quyết liệt để hiến kế các loại bể bơi thông minh, có giá thành hợp lý phù hợp với những vùng miền khó khăn để giúp các địa phương lựa chọn và nhân rộng. Ngành giáo dục ở địa phương các cấp cũng chưa tích cực đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng các bể bơi hiện có trên địa bàn để phục vụ giảng dạy môn bơi cho học sinh, vì thế kết quả dạy bơi cho học sinh còn nhiều hạn chế…

Từ chuyện này bà có đánh giá chung thế nào về việc dạy kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường hiện nay?

- Kỹ năng sống là khả năng ứng xử với bất cứ tình huống nào diễn ra, từ những vấn đề nhỏ nhất xuất phát từ thực tế, bắt đầu từ những hành vi đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Ông cha ta có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”, tất cả đều phải được học theo những chuẩn mực cụ thể. Những ứng xử hàng ngày dần dần sẽ hình thành thói quen, tính cách của một con người. Vì vậy, dạy kỹ năng sống phải bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ, ở gia đình và các cơ sở giáo dục mầm non - môi trường học tập đầu tiên vô cùng quan trọng của trẻ.
Theo quan điểm của tôi, nhà trường nên tập trung vào việc định hướng tư duy cho học sinh trong mọi vấn đề của cuộc sống. Các em cần nhận thức được đầy đủ vai trò, vị trí của mình. Tạo môi trường để học sinh thể hiện năng lực bản thân, rèn luyện kỹ năng sống cho mình, tạo điều kiện để các em nhận thức, nhận diện được các vấn đề, các tình huống gặp phải và biết cách làm thế nào để giải quyết được vấn đề đó cho hiệu quả…

Hiện các lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ được mở ra tràn lan vào dịp hè. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm giám sát, thưa bà?

- Đúng, việc này cần phải được nghiên cứu, thẩm định kỹ lưỡng. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng không nên quá kỳ vọng vào con em mình sau khi tham gia một khóa học sẽ được trang bị các kỹ năng sống cần thiết nhất. Điều quan trọng là phụ huynh các em luôn có ý thức tạo môi trường, điều kiện cho các em trải nghiệm và chính các em phải luôn có trách nhiệm với bản thân mình.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bà Ngô Thị Minh: Giám sát chặt việc thực thi quyền trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO