Băn khoăn chuyện giáo dục giới tính

Thùy Linh 27/11/2016 12:25

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình vào năm 2015, mỗi năm cả nước vẫn còn gần 6.000 ca nạo phá thai tuổi vị thành niên. Trước thực trạng đó, nhiều phụ huynh vẫn đang loay hoay chưa thực sự hiểu rõ giáo dục giới tính cho trẻ là khi nào? Và cần giáo dục như thế nào cho hiệu quả?

Băn khoăn chuyện giáo dục giới tính

Ảnh minh họa.

Nên bắt đầu khi nào?

Trong khi nhận thức về giới tính của trẻ hiện nay đang có xu hướng lệch lạc thì nhiều phụ huynh lại chưa mạnh dạn cũng như chưa có phương pháp đúng đắn để chia sẻ với con về vấn đề này. Thậm chí không biết nên bắt đầu từ khi nào.

Về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, trẻ 3 tuổi đã biết khám phá cơ thể. Vì thế khi trẻ lên 3 đi học mầm non, phụ huynh nên dạy cho con biết về nguyên tắc đồ lót, nguyên tắc bàn tay để nhận biết được những vùng cấm trên cơ thể.

Theo nguyên tắc đồ lót, khu vực mặc đồ lót là cấm kỵ, không cho người khác chạm vào. Ai đụng vào là người xấu mặc dù đó là người thân.

Bố mẹ hay bác sĩ muốn động vào khu vực này phải được sự đồng ý của con. Nguyên tắc bàn tay có nghĩa là bên trong bàn tay là bố mẹ được ôm con. Ngoài bàn tay là ông bà, anh chị được cầm tay.

Đầu ngón tay là hàng xóm, họ hàng chỉ chơi cùng, không được chạm vào cơ thể. Người ngoài thì phải xua tay, không cho động vào cơ thể.

Cũng theo TS Hương, trẻ học lớp 1 cần biết em bé được tạo ra như thế nào. Học sinh lớp 2, 3 cần được biết về dậy thì, cơ thể phát triển ra sao, kinh nguyệt là gì, những vấn đề gặp phải khi đến tuổi dậy thì.

Con vào lớp 4, 5, cha mẹ có thể cho xem những clip về bệnh lây qua đường tình dục, cánh phòng tránh thai, quan hệ tình dục khi còn là trẻ em thì hậu quả ra sao.

Học sinh lớp 6, 7, 8, 9 tiếp cận ở mức độ cao hơn như đặt ra các tình huống về tình yêu, tình dục để các em xử lý, hoặc vấn đề lớn hơn như hôn nhân cận huyết có ảnh hưởng như thế nào đến thế hệ tương lai. Nghĩa là trước khi bước vào cấp 3, các em đã được tiếp cận gần hết về giáo dục giới tính rồi.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thành Nam (giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng nên giáo dục giới tính cho trẻ từ mẫu giáo.

Trẻ lên 3 có xu hướng khám phá bộ phận sinh dục. Bố mẹ có thể bắt đầu dạy con những khái niệm cơ bản về giới tính ở thời điểm này. Ở mỗi giai đoạn trẻ sẽ bị hấp dẫn và có nhu cầu về giới tính, tình dục, theo bản năng.

Đừng để quá muộn

Nếu con có thắc mắc về giới tính, TS Vũ Thị Hương cho rằng, phụ huynh nên trả lời thẳng thắn, không nên lảng tránh. Bố mẹ lảng tránh khiến con nghĩ rằng những vấn đề liên quan đến giới tính là tệ hại, dẫn đến hình thành tâm tính đứa trẻ không thích chia sẻ với người khác.

Nếu được giáo dục giới tính đầy đủ, người ngoài chỉ cần động chạm ngón tay vào cơ thể, lập tức con sẽ chia sẻ với bố mẹ ngay.

Và những vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng như chúng ta thấy thời gian qua chắc chắn sẽ không xảy ra nhiều và nghiêm trọng như thế.

TS Hương chia sẻ, rào cản lớn nhất trong việc bảo vệ con khỏi bị xâm hại hiện nay lại chính là nhận thức về tầm quan trọng trong giáo dục giới tính của phụ huynh Việt Nam.

Theo bà Hương, nhiều phụ huynh vẫn nghĩ rằng học sinh lớp 5 là đứa trẻ non nớt, không biết gì và những điều trên là nhạy cảm. Song 10 tuổi đã bước vào dậy thì.

Trước nạn xâm hại tình dục đáng báo động hiện nay thì phụ huynh cần dạy con cách tự bảo vệ trước khi được pháp luật bảo vệ. Giáo dục giới tính không thể nói vài lần là hết mà phải có sự đồng hành của cả xã hội từ lúc trẻ bắt đầu đến trường cho đến khi có đủ kiến thức để tự bảo vệ hoặc chịu trách nhiệm về việc mình làm.

Theo số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình năm 2015, mỗi năm cả nước có gần 6.000 ca nạo phá thai tuổi vị thành niên.

Tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm gần đây giảm nhưng tỉ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên có dấu hiệu gia tăng.

Theo ông Nguyễn Trọng An - nguyên Cục phó Bảo vệ chăm sóc trẻ em, nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta tiếp cận về vấn đề giới tính quá muộn.

Lớp 8 mới đưa vào giáo dục giới tính trong khi ở các nước phát triển, ngay cả những nước xung quanh, người ta giáo dục giới tính từ mẫu giáo, từ lớp 5 đến lớp 8 đã bắt đầu giáo dục tình dục để trẻ em không tò mò chuyện người lớn.

Bày tỏ lo ngại khi kiến thức giới tính của đa số học sinh Việt Nam đều rất yếu, TS Vũ Thu Hương cho rằng học sinh hiện nay dậy thì và tò mò về giới tính khá sớm, trong khi bài học đầu tiên trong sách Khoa học lớp 5 là quá muộn và không đủ cung cấp kiến thức, kỹ năng lẫn cách xử lý cho các em khi có nguy cơ hoặc bị xâm hại. 300.000 ca phá thai tuổi vị thành niên mỗi năm khiến nhiều người giật mình, nhưng vì sao lại như vậy thì hẳn người lớn chưa có câu trả lời.

Theo ông Nguyễn Khắc Sáng, Hiệu trưởng trường THPT Kim Thành II (Hải Dương), trong 25 năm làm giáo dục, năm nào ông cũng chứng kiến học sinh trường mình phải bỏ học vì nạo phá thai, sinh con ngoài ý muốn.

Nguyên nhân là nhận thức về giới tính của học sinh, đặc biệt ở nông thôn rất yếu, vì không được tuyên truyền giáo dục đúng đắn.

Tuy vậy, tại trường ông hiện cũng không dạy giáo dục giới tính cho học sinh vì nội dung này nằm ngoài chương trình học phổ thông. Có chăng các thầy chỉ lồng ghép vào môn sinh học, tiết chào cờ… nhưng chẳng thể bài bản, chính xác. Do vậy, ông Sáng cho rằng cần xây dựng chương trình giáo dục giới tính xuyên suốt các cấp học.

Đề cập đến giải pháp để khắc phục tình trạng này, TS Phạm Thành Nam cho rằng vai trò của gia đình rất quan trọng và phải giáo dục con cái theo từng giai đoạn.

Đến giai đoạn dậy thì, nhu cầu hấp dẫn giới tính là một nhu cầu tự nhiên, bản thân các em có nhu cầu không biết kiểm soát thế nào, suy nghĩ còn lệch lạc.

Theo TS Nguyễn Thành Nam, ở nước ngoài, việc giáo dục giới tính đầu tiên bắt nguồn từ gia đình. Trong đó, có 2 chương trình. Thứ nhất, làm thế nào để đẩy lùi tuổi quan hệ tình dục sớm để giảm thiểu tình trạng phá thai, giảm kết hôn sớm. Thứ hai, phải hiểu thế nào là quan hệ tình dục an toàn.

Thực tế hiện nay cho thấy các bậc phụ huynh đang khá bảo thủ trước vấn đề lạm dụng tình dục ở trẻ em và né tránh các cuộc nói chuyện chia sẻ với con mình về vấn đề này.

Tâm lý đó khiến phần lớn các em từng bị lạm dụng, quấy rối tình dục không dám lên tiếng vì sợ phản ứng tiêu cực từ phía bố mẹ. Theo các chuyên gia giáo dục, chúng ta phải thay đổi quan niệm, coi giáo dục giới tính là vô cùng cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn chuyện giáo dục giới tính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO