Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Dấu ấn 25 năm hội nhập

Đức Toàn 15/02/2020 07:00

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) và đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, hệ thống An sinh xã hội (ASXH) nước ta từng bước được hoàn thiện. Trong đó, chính sách BHXH, BHYT với vai trò là trụ cột đã không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực vào việc ổn định và thực hiện công bằng xã hội.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Dấu ấn 25 năm hội nhập

Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của BHXH được cộng đồng quốc tế, Bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.

Với bản chất là Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, ngay từ khi thành lập, Đảng và Nhà nước ta đã đặt quyết tâm phát triển hệ thống ASXH, nhằm bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và tiếp cận dần với chuẩn mực quốc tế. Đóng vai trò là trụ cột trong hệ thống ASXH, BHXH luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, coi đây tiền đề và điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đặc biệt, Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng cũng như của cả hệ thống chính trị trong việc đảm bảo chế độ, chính sách về BHXH. Những kết quả mà ngành BHXH đã đạt được trong 25 năm qua đã chứng minh cho sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần đảm bảo và nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân, là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Đánh giá vai trò của chính sách BHXH đối với người lao động, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với sự phát triển của các DN, số lượng NLĐ ở nước ta cũng tăng lên nhanh chóng. Trong bối cảnh tiền lương, thu nhập từng bước được cải thiện, nhưng thu nhập của một bộ phận NLĐ vẫn chưa đủ trang trải cuộc sống nên họ phải tăng ca, làm thêm giờ. Việc đảm bảo an toàn lao động tại một số DN chưa được quan tâm đúng mức, do đặc thù công việc của một số ngành nghề, khiến sức khỏe của NLĐ bị suy giảm qua thời gian làm việc, mắc các bệnh nghề nghiệp, xuất hiện các rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ thất nghiệp, mất việc làm...Do đó, việc BHXH Việt Nam thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT trên cơ sở đóng-hưởng, giúp NLĐ ổn định cuộc sống ngay khi đang làm việc cũng như khi không còn khả năng lao động. Quỹ BHXH và quỹ BHYT hỗ trợ NLĐ khi ốm đau, tai nạn, lúc sinh đẻ và chăm sóc con cái, khi không làm việc, lúc già cả để duy trì và ổn định cuộc sống của NLĐ và gia đình họ. Điều đó vừa đảm bảo đời sống của NLĐ, tạo cho họ sự phấn khởi, tin tưởng vào các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa là động lực khuyến khích họ tiếp tục cống hiến, hăng hái lao động sản xuất. Và, thực tế nhiều DN khi tuyển dụng lao động thì tiêu thức được tham gia BHXH, BHYT cũng là một quyền lợi quan trọng để thu hút được NLĐ vào làm việc.

Thực tế bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi cho NLĐ trong thời gian qua nỗ lực trong cải cách TTHC đã giúp BHXH Việt Nam “ghi điểm” trong mắt cộng đồng DN và NLĐ cũng như các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018, với chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2017), Việt Nam đứng thứ 4 sau Singapore (thứ 7/190), Thái Lan (thứ 67/190), Malaysia (thứ 73/190). Hiện nay, bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý của ngành BHXH được cắt giảm từ 263 xuống còn 27 thủ tục; thành phần hồ sơ giảm 32%; tiêu thức tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54%; thời gian giao dịch TTHC của DN giảm còn 51 giờ/năm…Tại Báo cáo “Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-Truyền thông (ICT-index) Việt Nam năm 2017, 2018”, Bộ TT-TT đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công và giữ vị trí đứng đầu về ứng dụng CNTT trong nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ. Ý nghĩa của Bảng xếp hạng không chỉ dừng ở việc ghi nhận nỗ lực của từng cơ quan mà còn phản ánh mức độ “vào cuộc”, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực thi nhiệm vụ và phục vụ nhân dân. Theo thống kê, hiện nay, ngành BHXH đã cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên 27 TTHC; thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) để chia sẻ các thông tin về DN; với Bộ Y tế và các cơ sở KCB để sử dụng bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý KCB và thanh toán BHYT; với Bộ Tư pháp trong việc cung cấp thông tin đăng ký kê khai và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, thông tin về khai tử khi đối tượng hưởng chế độ từ trần…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Dấu ấn 25 năm hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO