Bình đẳng giới trong kỷ nguyên số

Lê Bảo 19/07/2018 07:13

Làm việc nhiều hơn nhưng thu nhập bình quân thấp hơn nam giới, sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp vẫn còn thấp; trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ vẫn thấp hơn nam giới… là những thách thức mà Việt Nam cần phải giải quyết nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong thời đại kỷ nguyên số và hội nhập.

Bình đẳng giới trong kỷ nguyên số

Lao động nữ đứng trước nguy cơ mất việc làm nhiều hơn nam giới trong kỷ nguyên số.

Đây là những vấn đề được các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn đa phương thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập, do Bộ LĐTB&XH tổ chức, ngày 18/7 tại Hà Nội.

Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xoá bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao đạt trên 70% và tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ năm 2017 đạt 31,6% - thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Các chỉ số phát triển giới, chỉ số khoảng cách giới và chỉ số bất bình đẳng giới đều đạt ở mức trung bình cao.

Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2016, Việt Nam được xếp ở nhóm 1 trong 5 nhóm xếp hạng về bình đẳng giới - nhóm các quốc gia có tình trạng bình đẳng giới tốt nhất trên thế giới. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới.

Nói những thách thức trong bình đẳng giới Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, hiện nay sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp vẫn còn thấp ; trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ vẫn thấp hơn nam giới; lao động nữ có thu nhập bình quân thấp hơn nam giới khoảng 10%; lao động nữ là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân công…

Có tới 98% số DN do nữ làm chủ được nêu trên có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp...

Nữ chủ DN còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng quản trị DN, khó khăn trong tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, là nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục.

Báo cáo phân tích triển vọng việc làm ở Việt Nam dưới góc nhìn giới cũng chỉ ra rằng, dù lao động nữ có việc làm có lương, có hợp đồng cao hơn nam tuy nhiên khi so sánh về trình độ học vấn, khu vực sinh sống, độ tuổi thì chênh lệch về lương giữa lao động nam và nữ khá chênh lệch.

Trong đó lương của lao động nữ thấp hơn nam giới lên đến 12,6%. Mặc dù gia tăng sự thụ hưởng giáo dục cho phụ nữ và nhu cầu tham gia của họ trong thị trường lao động, tuy nhiên chưa đáp ứng những điều kiện tốt hơn về lao động việc làm. Phụ nữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn trong tiếp cận cơ hội việc làm và điều kiện làm việc.

Làm thế nào để phát triển việc làm cho lao động nữ trong thời kỷ nguyên số và hội nhập. Trả lời câu hỏi này, các đại biểu cho rằng đây là câu hỏi khó và phức tạp đòi hỏi cần thực hiện các giải pháp đồng bộ từ chính sách đến nhận thức trong bình đẳng giới đối với lao động nữ.

TS Dương Kim Anh - Phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng: “Việc khắc phục sự bất bình đẳng về giới là tôn trọng những khác biệt giới trong lao động và quan hệ xã hội. Để bảo vệ quyền của phụ nữ có hiệu quả hơn, trong điều kiện nước ta hiện nay, cần coi trọng xây dựng mạng lưới giám sát thực thi pháp luật và hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội bảo vệ quyền lợi của họ”.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà trong năm 2018 Việt Nam sẽ tiến hành tổng kết và đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới và Nghị Quyết 11-NQ/TƯ về công tác phụ nữ; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều luật quan trọng như Bộ luật Lao động (trong đó nghiên cứu điều chỉnh quy định tuổi nghỉ hưu và các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc), Luật Bảo hiểm xã hội (trong đó nghiên cứu sửa đổi cách tính lương hưu cho lao động nữ và lao động nam để điều hòa khoảng cách giới trong thụ hưởng chính sách BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình đẳng giới trong kỷ nguyên số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO