Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nói về thành tích ít thôi...

Bảo Thoa 11/08/2017 16:25

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, trong bước “đổi mới và chuyển mình”, các cấp lãnh đạo cần sự góp ý, tham mưu để cùng đưa ra những giải pháp, phương hướng cho những năm tiếp theo. “Nói về thành tích ít thôi, nói về quá khứ ít thôi, tập trung dự báo các vấn đề mà ngành giáo dục sẽ phải đối mặt”.

trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo “Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm”.

Sáng 11/8, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nêu ra những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục trong năm vừa qua và đưa ra vấn đề cấp thiết đối với các cơ sở giáo dục.

Trong các vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị, Bộ trưởng đề nghị tập trung đánh giá khách quan những kết quả giáo dục đại học và tìm ra những hạn chế, yếu kém và nuyên nhân để thống nhất phương hướng nhiệm vụ trong năm học tới. Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng đưa ra ý kiến về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm như thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học, giữ hay bỏ điểm ưu tiên vào đại học, hay vấn đề thí sinh điểm thấp vẫn đỗ sư phạm.

30 điểm trượt nguyện vọng 1 chưa hẳn là trượt đại học

Lý giải về hiện tượng các thí sinh năm nay đạt rất nhiều điểm 10, Bộ trưởng cho biết năm nay việc thay đổi hình thức thi trắc nghiệm khách quan đã tạo thuận lợi cho thí sinh đạt điểm cao bởi đề thi kiểm tra kiến thực rộng rãi nhưng chỉ tập trung vào chương trình lớp 12. Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh điểm 9, 10 cũng chỉ chiếm 3% phổ điểm cả nước theo số liệu thống kê của Bộ giáo dục và đào tạo.

Nói về hiện tượng “30 điểm vẫn trượt đại học”, Bộ trưởng cho rằng dư luận cần có cái nhìn chính xác và khách quan, bởi trượt nguyện vọng 1 không hẳn là trượt đại học. Thí sinh vẫn có nhiều cơ hội vào ngành khách mà mình đã đăng ký.

“Cái được lớn nhất của chúng ta là việc thay đổi hình thức thi đã cho kết quả rất minh bạch, khách quan, giảm tốn kém cho xã hội. Số điểm 9-10 tuy có nhiều hơn nhưng trung vị vẫn là 4-6 điểm chứ không hẳn là “mưa điểm 10” như dư luận bình luận” - Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng cũng cho biết ngành giáo dục sẽ khắc phục bằng việc rút kinh nghiệm ra đề thi phân hóa rõ nét hơn nữa. Trong năm đầu tiên triển khai đề thi trắc nghiệm chuẩn hóa, kết quả như vậy đã là một sự cố gắng lớn, tuy nhiên cần phải hoàn thiện về mặt kỹ thuật để năm sau đề thi có sự phân hóa tốt hơn nữa. Đồng thời cũng cần lưu ý nhìn nhận vấn đề một cách bình tĩnh, căn cơ, tránh nhìn “điểm” mà không nhìn “diện”, tránh chỉ nhìn “diện” chung chung mà không có điểm đột phá… Từ đó, thấy được những khó khăn hạn chế, điều gì là do khách quan, điều gì là bởi chủ quan, để biết việc gì cần làm ngay, việc gì phải có lộ trình.

“Đổi mới, bên cạnh những cái tốt, không tránh khỏi những khó khăn bước đầu. Nhưng tôi có niềm tin, giáo dục đang chuyển mình”. Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lãnh đạo các trường đại học tham gia Hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu Bắc, Trung, Nam.

3 điểm một môn cũng có “vé” vào trường sư phạm

Vấn đề đang được dư luận quan tâm nữa đó chính là việc điểm chuẩn của trường sư phạm rất thấp. Như vậy thì chất lượng giáo viên - đội ngũ chủ chốt của ngành giáo dục sẽ ra sao?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiện nay chúng ta đang nhìn thấy hạn chế của chính sách đầu tư, tuyển dụng, chế độ đãi ngộ của ngành sư phạm nhưng chúng ta phải hiểu rằng, khắc phục cần có thời gian. Nghị quyết 29 của Trung ương đã nêu ra giải pháp và Bộ GD&ĐT cũng có giải pháp nhưng cần có thời gian để giải quyết.

“Sau khi thấy có hiện tượng điểm đầu vào thấp trong khối ngành sư phạm, tôi đã phân tích kỹ thì thấy bên cạnh những ngành điểm thấp thì cũng có những ngành điểm cao. Ngành điểm thấp chủ yếu là các trường cao đẳng hoặc một số cơ sở không chuyên về sư phạm nhưng lại đào tạo sư phạm. Bên cạnh đó, có những ngành không chỉ kiến thức mà còn là tài năng, ví dụ như giáo viên mầm non, thì rất cần kỹ năng về múa hát, phẩm chất yêu trẻ. Trong tuần tới Bộ sẽ bàn sâu về vấn đề này và tìm giải pháp. Là người trong cuộc, chúng ta phải nhìn bình tĩnh và xây dựng tích cực” - Người đứng đầu ngành Giáo dục chia sẻ.

Cộng điểm ưu tiên vẫn là chủ trương tốt và nhân văn

Một vấn đề nóng khác được dư luận quan tâm là nên hay không việc để điểm ưu tiên xét tuyển vào đại học. Gần đây nhiều ý kiến trái chiều về việc cộng điểm ưu tiên khiến cho nhiều thí sinh giỏi thực sự bị thiệt thòi, trong đó có nhiều thí sinh đạt 30 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 vì phải “nhường vé” cho các thí sinh có điểm ưu tiền vùng miền, con em thuộc đối tượng chính sách.

Xoay quanh vấn đề cộng điểm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Đây là chủ trương tốt và đầy nhân văn, không chỉ ở nước ta mà nước khác cũng áp dụng. Và không chỉ cộng điểm ưu tiên khi thi mà còn có chính sách hỗ trợ, ưu tiên trong suốt quá trình. Tuy nhiên, hiện nay tình hình thay đổi, khu vực 1-2-3 sự chênh lệch điều kiện đã khác xưa thì phải điều chỉnh cho phù hợp. Và Bộ sẵn sàng lắng nghe để có điều chỉnh phù hợp.

Nâng cao năng lực cán bộ quản lý giáo dục các cấp

Trong báo cáo “Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cũng nêu rõ, hiện nay Bộ cũng đang hoàn thiện các chuẩn/ khung năng lực hiệu trưởng hiệu phó các trường đại học và chủ tịch hội đồng trường. Trên cơ sở xác định, nhận diện những năng lực còn yếu, còn thiếu của đội ngũ cán bộ quản lý, tiến hành xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, một số bộ phận cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của nhà quản lý. Từ nhận thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện mô hình phát triển cơ sở đào tạo cũng như bản lĩnh hội nhập và xử lý các tình huống phát sinh còn nhiều lúng túng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chia sẻ, trong bước “đổi mới và chuyển mình”, các cấp lãnh đạo cần sự góp ý, tham mưu của các cơ sở giáo dục đại học để cùng đưa ra những giải pháp, phương hướng cho những năm tiếp theo. “Nói về thành tích ít thôi, nói về quá khứ ít thôi, tập trung dự báo các vấn đề mà ngành giáo dục sẽ phải đối mặt” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nói về thành tích ít thôi...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO