Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh): Báo động tình trạng đánh bắt hải sản trái quy định

Hạnh Nguyên 03/04/2018 08:00

Thời gian gần đây, ngư dân vùng biển Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hết sức bức xúc trước tình trạng tàu, thuyền đánh bắt hải sản trái quy định, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi hải sản. vì thế, ngư dân cũng hạn chế ra khơi vì mỗi chuyến đi sản lượng thu về không đủ bù đắp chi phí dầu máy.

Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh): Báo động tình trạng đánh bắt hải sản trái quy định

Ra khơi từ 2h sáng đến 11h trưa, ngư dân Nguyễn Văn Thắng chỉ thu được vỏn vẹn vài ba kg hải sản.

Từ sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay, ngư dân xã Cẩm Nhượng não lòng vì hải sản ven bờ khan hiếm. Những ngày cuối tháng 3, mặc dù thời tiết đẹp nhưng ngư dân chẳng buồn ra khơi. Tại gò cá Cẩm Nhượng- nơi neo đậu tàu, thuyền của ngư dân, nhiều chủ tàu lắc đầu ngán ngẩm khi được hỏi về sản lượng thủy sản đánh bắt được từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay.

Lặn lội từ 2h sáng để ra khơi, 11h trưa trở về, ngư dân Nguyễn Văn Thắng (53 tuổi, thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng) chỉ thu hoạch được một mớ cá hỗ lốn ít ỏi. “Gần 10 tiếng đồng hồ lặn ngụp ngoài biển chỉ được từng này cá, ghẹ nhỏ này cô ạ. Giờ vào bán may ra được vài ba trăm nghìn, chẳng đủ bù tiền dầu” - ông Thắng lắc đầu nói.

Ngư dân Nguyễn Văn Lợi (54 tuổi, trú thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng) cũng cho biết: Những năm trước đây, chiếc thuyền công suất 24CV của ông vào thời điểm này đưa về hàng chục tạ mực đầu mùa tươi roi rói. Nhưng vài tháng nay, tổng sản lượng thuyền ông thu về khoảng hơn 1 tạ bao gồm một số cả cá và một ít mực.

Mỗi chuyến, thuyền của ông ra khơi dài thì 5 - 7 ngày, ngắn thì khoảng vài ngày thu về vỏn vẹn được vài kg, chỉ một số chuyến thu được vài yến. Mỗi chuyến đi về như vậy bán ra được mấy trăm nghìn đồng, trong khi, chi phí dầu máy 1 một chuyến hết khoảng 500 ngàn đồng, nếu đi 1 tuần liền thì mất khoảng 4 triệu đồng tiền dầu, tính cả ăn uống, trả công lao động ngót nghét hết khoảng từ 7 đến 8 triệu đồng. Bởi vậy, từ lúc biển “hiếm” cá, mực, ngư dân đi chuyến nào về lỗ chuyến đó.

“Thuyền tôi ra khơi 2 ngày rồi mà giờ về chỉ được 2kg mực. Tính ra, cũng chưa đủ tiền dầu máy chứ đừng nói đến tiền trả cho lao động nữa. So với năm trước, nếu vào thời gian này, mỗi lần ra biển, thuyền của tôi đánh bắt được khoảng từ 8 yến đến 1 tạ mực, thu về từ 12 đến 15 triệu đồng. Là những người có kinh nghiệm đi biển lâu năm, chúng tôi cũng không hiểu lý do gì nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, vùng biển xã Cẩm Nhượng khoảng từ 20 hải lý trở vào đều không có mực, nếu có mỗi chuyến ra khơi, thuyền nào được nhiều cũng chỉ vài ba cân, cá cũng rất ít”- ông Lợi cho hay.

Theo những ngư dân lâu năm như ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Cẩm Nhượng, tình trạng này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý cũng như kinh tế của ngư dân địa phương.

“Trước đây, ngày nào cũng vậy, thuyền của chúng tôi ra khơi trong khoảng phạm vi từ 3 đến 20 hải lý đều đánh bắt rất nhiều thủy sản. Nếu như so với trước đây, lượng thủy hải sản vùng lộng đánh bắt chỉ bằng 20-30%. Toàn xã Cẩm Nhượng, có khoảng 200 thuyền có công suất từ 20CV đến 50CV. Việc khan thủy hải sản đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân”- ông Tịnh chia sẻ.

Liên quan nội dung này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Sỹ Huyền, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: Thời gian gần đây, tình trạng ngư dân dùng xung kích điện, thậm chí là máy xung điện để đánh bắt cá cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi thủy, hải sản ven bờ, ảnh hưởng đến khai thác, đánh bắt của bà con ngư dân.

Theo thống kê của chính quyền xã Cẩm Nhượng, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, có khoảng 40 tàu cá sử dụng xung kích điện cao áp, trong đó, Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh khoảng 30 tàu, Cẩm Lộc khoảng 10 tàu, chưa kể một số tàu, thuyền của các tỉnh khác đánh bắt trong khu vực nảy.

Trước tình trạng đáng báo động này, chính quyền xã Cẩm Nhượng đã có văn bản báo cáo, đề xuất gửi Công an, UBND huyện Cẩm Xuyên và Đồn biên phòng Thiên Cầm (Biên phòng Hà Tĩnh) có kế hoạch phối hợp và phương án quán triệt, tuyên truyền ngư dân để đảm bảo an ninh trật tự trên biển, bảo vệ nguồn thủy sản và môi trường biển trên địa bàn.

“Chế tài xử phạt các phương tiện vi phạm còn dàn trải quá, cần phải quy về một đầu mối, có một cơ quan đứng ra chủ trì xử lý, các đơn vị khác phối hợp thì việc xử phạt mới có hiệu ứng, mang tính răn đe hơn”- ông Huyền nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh): Báo động tình trạng đánh bắt hải sản trái quy định

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO