Cạn kiệt mực nước hạ du sông Hồng: Khai thác cát là một nguyên nhân

Lê Minh 13/12/2016 10:10

Trong báo cáo mới đây được Tổng hội Xây dựng công bố, vào mùa khô cao trình dòng chảy sông Hồng tụt xuống thấp hơn mực nước thiết kế vào các hệ thống thủy lợi lấy nước từ sông Hồng, gây ra cạn kiệt ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội. Vậy đâu là nguyên nhân?

Trong những năm gần đây có khoảng15 đề tài đi vào nghiên cứu hiện tượng hạ thấp mực nước ở sông Hồng trong mùa khô và giải pháp khắc phục. Trong đó, theo báo cáo của Tổng hội Xây dựng, công trình nghiên cứu của PGS. TS Phạm Đình- Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam khá toàn diện và trực diện về vấn đề cạn kiệt mực nước hạ du sông Hồng. Trước đây khi đề cập đến đáy sông Hồng bị hạ thấp thì người ta thường chỉ nghĩ đến hiện tượng xói nước trong, vì đây là vấn đề được nhiều tác giả tính toán dự báo ngay từ khi xây dựng hồ thủy điện Hòa Bình. Tuy nhiên, cho đến nay, cùng với hiện tượng xói nước trong, khai thác cát cũng là nguyên nhân gây ra hạ thấp đáy sông Hồng.

Bởi vậy, theo PGS Phạm Đình, hiện nay có hai yếu tố chính làm cho đáy sông bị hạ thấp: Một là do hiện tượng xói nước trong lan truyền làm đáy sông bị hạ thấp. Khi thiết kế các hồ thủy điện thượng nguồn người ta đã dự báo độ xói sâu lan truyền theo thời gian dọc sông Hồng đến tận cửa biển, khi đã xói ổn định có thể đáy sông bị hạ thấp 2m. Đây là quy luật chung của hiện tượng xói nước trong ở hạ du các con sông khi bùn cát lắng đọng lại ở các hồ thượng nguồn, nên buộc dòng chảy phải có quá trình xói lòng dẫn để cân bằng chuyển động. Thứ hai là do nạn khai thác cát tự do dọc sông Hồng làm hạ thấp đáy sông nhanh chóng. Trước đây vấn đề này chỉ nêu cảm tính nhưng hiện nay đã có đề tài nghiên cứu về ảnh hưởng của khai thác cát đến hạ thấp lòng sông và cho rằng nạn khai thác cát tự do là một nguyên nhân quan trọng làm hạ thấp đáy sông Hồng...

PGS. TS Phạm Đình cho biết, trước năm 2000, sự thay đổi mực nước mùa kiệt trên sông Hồng ảnh hưởng đến sự hoạt động các công trình trên sông chưa rõ ràng. Các công trình nghiên cứu thời gian này chú trọng đến ảnh hưởng của hiện tượng xói nước trong, hay còn gọi là xói phổ biến lòng dẫn hạ du, do tác động của các hồ thượng nguồn, đến vấn đề chỉnh trị sông - bảo vệ và phòng chống sạt lở bờ sông, bồi lấp cửa lấy nước, luồng lạch giao thông thủy... Sau năm 2000, mực nước sông Hồng liên tiếp hạ thấp, với cùng một cấp lưu lượng mùa khô, mực nước năm sau hạ thấp hơn năm trước. Đến năm 2009 mực nước thấp nhất tại trạm thủy văn Hà Nội là 0,7 mét, tiếp đến ngày 21-2-2010 mực nước thấp đạt kỷ lục là 0,10m. Sự hạ thấp mực nước mùa kiệt trên sông Hồng, ảnh hưởng nhiều nhất đến việc lấy nước tưới của các công trình ven sông và đến môi trường sinh thái của các đô thị và làng quê.

PGS.TS Phạm Đình cùng các cộng sự tập trung nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của khai thác cát trong lòng sông đến hạ thấp mực nước mùa kiệt trên sông Hồng, sông Đuống từ năm 2000 đến nay. Đồng thời phân tích nguyên nhân làm biến đổi mực nước mùa kiệt ở sông Hồng, sông Đuống trong điều kiện thượng nguồn có thêm các hồ chứa như Sơn La, Tuyên Quang, biến động về lớp phủ thực vật và biến đổi khí hậu.

Để phân tích rõ hơn ảnh hưởng do khai thác cát là nguyên nhân dẫn đến hạ thấp đáy sông, dẫn đến hạ thấp mực nước tác giả đã chọn thời kỳ khai thác cát mạnh mẽ nhất để nghiên cứu. Giai đoại (2000 - 2008), là giai đoạn có nhiều đợt sôi động của thị trường bất động sản (2001-2002) và (2007-2008), cũng là giai đoạn nhu cầu vật liệu xây dựng nhà, tôn nền các khu đô thị mới, mở thêm nhiều hệ thống giao thông đường bộ. Vì vậy giai đoại (2000-2008) là thời kỳ khai thác cát mạnh mẽ nhất, sau đó có chững lại. Đó cũng là thời kỳ hiện tượng hạ thấp mực nước mùa kiệt trên sông Hồng rõ ràng nhất.

Như vậy, theo PGS Phạm Đình, đáy sông hạ thấp do 2 nguyên nhân, một là hiện tượng xói sâu phổ biến hạ du do bùn cát đã bị giữ lại trên đáy các hồ, thường gọi là hiện tượng xói nước trong, hai là do khai thác cát tự do dọc sông, lấy đi một khối lượng lớn cát khỏi lòng sông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cạn kiệt mực nước hạ du sông Hồng: Khai thác cát là một nguyên nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO