Cần Thơ nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu

Bùi Văn – Quốc Khánh 04/11/2016 09:35

Những cảnh báo về tác hại của BĐKH ngày càng hiện hữu và trở thành nỗi lo thực sự đối với người dân.Chính vì vậy mà nghị quyết lần thứ XIII Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra: Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao mức sống người dân thì một trong nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền TP Cần Thơ là tăng cường công tác ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), góp phần xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp, giảm thiểu tác hại do BĐKH gây ra...

Sạt lở ở quận Cái Răng, Cần Thơ.

Năm nay, Cần Thơ và khu vực ĐBSCL lũ về muộn. Đến những ngày đầu tháng 10/2016, mực nước trên sông Mêkông mới vượt mức báo động 3 trong khi đó, những năm trước chỉ mới đầu tháng 9 thì nước đã vượt mức báo động 3.

Tổng lượng nước trên sông Cửu Long chỉ bằng khoảng 30% so với những năm lũ lớn, bằng 60-70% so với những năm lũ trung bình. Trong khi đó, triều cường lại dâng cao so với những năm gần đây, khiến nhiều cụm dân cư, đô thị dù có mưa hay không mưa cũng bị ngập sâu. Các nhà chuyên môn lại dự báo: khả năng hạn, xâm mặn sẽ diễn ra sớm và kéo dài, gay gắt hơn năm 2015. Ông Phan Văn Năm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cho biết: “Năm nay nước lũ về ít, đồng ruộng đón ít phù sa nên sản xuất lúa sẽ gặp khó khăn. Năng suất có thể không đạt như kế hoạch đề ra. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con tiết kiệm nước trong sản xuất và trữ nước ngọt phòng hạn vào cuối vụ. Công tác nạo vét kênh, rạch dẫn nước, khai thông dòng chảy đang được huyện lập kế hoạch và triển khai sớm vào những tháng cuối năm 2016”.

Sạt lở bờ sông cũng là một trong những hiện tượng thiên tai xuất hiện nhiều trong những năm gần đây, gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), TP Cần Thơ có tổng chiều dài sông Hậu đi qua khoảng 65 km, có 350 km chiều dài kênh rạch cấp 1, khoảng 800 km kênh, rạch cấp 2.

Thời gian qua, sạt lở bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều do ảnh hưởng BĐKH, dòng chảy trên sông thay đổi, triều cường nước dâng cao, mùa khô nước rút cạn làm giảm độ kết dính của đất nên xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông. Năm 2015, TP Cần Thơ xác định có 27 điểm sạt lở bờ sông, rạch, làm hàng trăm mét đường giao thông và nhiều nhà dân sụp đổ xuống sông.

Theo Ban chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó BĐKH, đến nay, Ban Chỉ đạo đã hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Viện Nghiên cứu Chuyển đổi Xã hội và Môi trường (ISET), Thách thức với Thay đổi (CtC), Tổ chức CSIRO và AusAID của Úc, các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU)... triển khai thực hiện các mô hình dự báo, đánh giá tác động của các kịch bản BĐKH đến TP Cần Thơ và đề xuất thực hiện các giải pháp thích ứng. Hàng chục dự án được triển khai thực hiện, góp phần hạn chế tác hại và thích ứng dần với BĐKH.

Điển hình như: Dự án tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của TP Cần Thơ; Dự án sáng kiến thanh niên, truyền thông; Dự án ứng phó BĐKH dựa vào cộng đồng; dự án chống ngập ở phường An Bình; dự án nâng cao khả năng chống chịu của TP Cần Thơ để ứng phó với xâm nhập mặn do BĐKH gây ra... đã và đang thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức, ứng phó BĐKH của mọi tầng lớp nhân dân.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2016, TP Cần Thơ đã trở thành thành viên của mạng lưới 100 thành phố ứng phó BĐKH do ISET tài trợ hoạt động. Việc tham gia này sẽ giúp thành phố chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm ứng phó BĐKH với 100 thành phố trên thế giới, đồng thời tiếp cận các nguồn tài trợ từ tổ chức quốc tế trong việc thực hiện biện pháp ứng phó BĐKH thời gian tới...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần Thơ nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO