Cẩn trọng với Hồ Gươm

Minh Quang 27/11/2017 08:35

Bắt đầu từ ngày 24/11, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan, triển khai những công việc đầu tiên để chuẩn bị nạo vét hơn 53.000 m3 bùn trong lòng Hồ Gươm. Quá trình nạo vét sẽ được tiến hành từ đầu tháng 12/2017 đến ngày 7/2/2018, hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018. Việc thi công sẽ thực hiện vào các đêm trong tuần. Làm sạch- đẹp Hồ Gươm, trái tim của Thủ đô đang được kỳ vọng là sẽ góp phần nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt này.


Khảo sát, nghiên cứu nước hồ Gươm. (Nguồn: Dantri).

Làm sao vẹn cả đôi đường…

Phương án nạo vét Hồ Gươm được đặt ra từ đầu năm 2017, đã trải qua nhiều lần lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà sử học, đánh giá tác động môi trường cũng như bổ sung nước đảm bảo màu xanh nguyên thủy của hồ. Trong hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về việc nạo vét Hồ Gươm hồi tháng 2/2017, ông Võ Tiến Hùng- tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết, khảo sát hiện trạng cho thấy, Hồ Gươm đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm, cá và động vật trong hồ không được bảo vệ. Chất lượng nước suy giảm, độ pH cao ở mức 9,05 - 9,46, lớp bùn lắng đọng dày từ 0,47 - 1,06 m. Theo ông Hùng, không có biện pháp nào đảm bảo cả 2 mục tiêu vừa nạo vét vừa bảo tồn đa dạng sinh học. Sau khi nạo vét, nước hồ sẽ trong, hết mùi, nhưng đặc trưng màu xanh lục, tảo đặc hữu vốn có của Hồ Gươm sẽ không còn.

Đồng tình với việc cần nạo vét Hồ Gươm, nhưng các nhà khoa học cũng lưu ý: Phải thận trọng trong khảo sát, đánh giá tác động môi trường. Một trong những vấn đề mấu chốt sau khi nạo vét hồ là việc nghiên cứu nguồn nước bổ sung cho hồ để giữ lại màu xanh đặc trưng, không thay đổi môi trường sinh thái của hồ; Nguồn nước bổ sung cần được tính toán kỹ, đưa ra nhiều giải pháp để cân nhắc lựa chọn như nước sạch (Công ty nước sạch Hà Nội đang cung cấp bổ sung cho Hồ Gươm), nước giếng khoan, nước sông Hồng, nước mưa trữ lại, hay bổ sung nước mặt các hồ khác như hồ Thiền Quang sau khi đã xử lý…

Theo Công ty thoát nước Hà Nội, dự kiến thực hiện tiến hành nạo vét Hồ Gươm sẽ có chi phí khoảng 30 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Để phục vụ cho việc nạo vét Hồ Gươm, cuối tuần qua, Công ty phối hợp cùng Tiểu đoàn 554 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) rà phá và xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trong khu vực hồ. Trước băn khoăn về môi trường sinh thái Hồ Gươm liệu có được đảm bảo, Công ty cho hay sẽ chia hồ thành 3 vùng thi công trước khi nạo vét, ngăn lưới để đảm bảo, cách ly động vật thủy sinh tại hồ. Để đảm bảo mỹ quan đô thị, đơn vị thi công sẽ tiến hành nạo vét từ 23h đến 5h sáng hôm sau trong ngày thứ Hai đến thứ Năm, từ 24h đến 5h sáng hôm sau trong ngày thứ Sáu đến Chủ Nhật. Về giải pháp thi công, đơn vị thi công sẽ giữ nguyên mực nước hồ, sau đó tiến hành nạo vét toàn bộ lòng hồ đến cao độ +5,60m. Phạm vi nạo vét sẽ cách mép chân kè xung quanh hồ, kè tháp Rùa, kè đền Ngọc Sơn 7m để đảm bảo không bị sạt lở, hư hỏng kè.

Theo kế hoạch, sau khi nạo vét khoảng 3 - 4 tháng, Công ty thoát nước Hà Nội sẽ lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nước để có phương án xử lý, duy trì chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy - 3C.

Làm đẹp để nâng tầm di tích Hồ Gươm

Hồ Gươm có tầm quan trọng đặc biệt, vừa mang nhiệm vụ điều hòa khí hậu, vừa mang tính chất văn hóa - tâm linh và đa dạng sinh học, bảo vệ một số loài quý hiếm như Rùa Hồ Gươm… Hồ Gươm có giá trị sinh học rất lớn với nhiều loài đặc hữu, hồ có những loài tảo đặc hữu, một số loài tảo mà nơi khác không có. Nhiều nhà khoa học cho rằng, chính nhờ những loại tảo đó mà sinh ra màu lục thủy của nước hồ như mọi người vẫn thấy.

Để làm sạch- đẹp Hồ Gươm, đầu năm 2017, UBND thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương giao UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục triển khai thực hiện dự án “Cải tạo nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng xung quanh Hồ Hoàn Kiếm” đã được UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt tại Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 3/3/2010 trên cơ sở bổ sung, điều chỉnh để triển khai thực hiện Dự án đầu tư “Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm”. Dự án gồm 3 hạng mục chính: cải tạo, nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng xung quanh Hồ Hoàn Kiếm; cải tạo hệ thống chiếu sáng trang trí xung quanh Hồ Hoàn Kiếm; cải tạo, chỉnh trang cây xanh, cảnh quan xung quanh Hồ Hoàn Kiếm.

Liên quan đến việc bảo vệ hệ thống cây xanh ven Hồ Gươm, tháng 7/2017 Bộ Xây dựng cũng cho rằng trong phương án cải tạo quanh Hồ Gươm, Hà Nội cần cụ thể hơn việc thay thế cây xanh về vị trí, chủng loại...

Trong văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, góp ý đối với dự án xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm, Bộ Xây dựng cho rằng, để đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật, kiến trúc, mỹ quan đô thị đối với khu vực đặc trưng của Thủ đô Hà Nội, cần bổ sung, làm rõ một số điểm. Cụ thể, đối với cây xanh, Bộ Xây dựng nhận thấy bản vẽ hiện trạng cây xanh sơ sài.

Theo cơ quan này, phương án thay thế cây mới cần chỉ rõ từng vị trí, có bảng thống kê, phân loại, đánh số chủng loại cây như vị trí, ký hiệu các loại cây và lập hồ sơ cho từng cây phục vụ công tác quản lý. Bộ Xây dựng yêu cầu chủng loại cây phải đồng nhất trên trục tuyến đường, trong khu vực vườn hoa. Cây xanh cần thể hiện đường kính, phân cành, màu sắc lá, hoa. Đối với lát hè và đường dạo, Bộ Xây dựng yêu cầu cần có phương án thiết kế cho từng khu vực về, sử dụng vật liệu, hình thức, màu sắc. Hồ sơ bản vẽ gửi kèm còn sơ lược, đơn điệu, chưa phù hợp với cảnh quan khu vực.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến về chủ trương triển khai Dự án Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Dự án “Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm” theo quy định pháp luật hiện hành; chỉ đạo thực hiện theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư công.

Đại diện Công ty tư vấn AREP, đơn vị thực hiện ý tưởng phương án thiết kế cho biết, dự án cải tạo chỉnh trang xung quanh Hồ Gươm có mục tiêu nhằm nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt này, hướng tới sự chuyển đổi chức năng giao thông sang chức năng du lịch cho toàn khu vực. Bên cạnh việc nâng cao giá trị các di sản văn hoá lịch sử kiến trúc, cảnh quan quanh Hồ Gươm, quy hoạch, phương án thiết kế này còn nâng cao tính tiện ích cho người đi bộ, gia tăng kết nối giữa Hồ Gươm với các khu vực xung quanh.

Đồng tình với việc cần nạo vét Hồ Gươm, nhưng các nhà khoa học cũng lưu ý: Phải thận trọng trong khảo sát, đánh giá tác động môi trường. Một trong những vấn đề mấu chốt sau khi nạo vét hồ là việc nghiên cứu nguồn nước bổ sung cho hồ để giữ lại màu xanh đặc trưng, không thay đổi môi trường sinh thái của hồ; Nguồn nước bổ sung cần được tính toán kỹ, đưa ra nhiều giải pháp để cân nhắc lựa chọn như nước sạch do Công ty nước sạch Hà Nội đang cung cấp bổ sung cho hồ, nước giếng khoan, nước sông Hồng, nước mưa trữ lại, hay bổ sung nước mặt các hồ khác như hồ Thiền Quang sau khi đã xử lý…

Đầu tháng 2/2017, một khảo sát của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết, Hồ Gươm đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm, cá và động vật trong hồ không được bảo vệ. Chất lượng nước suy giảm, độ pH cao ở mức 9,05 - 9,46. Khảo sát bằng trực quan, màu xanh đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm là màu xanh lục nhiều chỗ đã biến thành màu đỏ. Hàm lượng dinh dưỡng dư thừa, hiện tượng tảo nở hoa dẫn đến mất oxy nghiêm trọng. Lớp bùn lắng đọng ngày một dày (từ 0,47 - 1,06m), chứa nhiều kim loại nặng và khí độc, ảnh hưởng đến sinh vật sống trong hồ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng với Hồ Gươm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO