Câu chuyện mưu sinh

KTS Trần Huy Ánh 11/03/2017 09:00

Sáng nào tôi cũng đi trên hè phố và thấy bà con buôn bán rau cỏ chạy vỉa hè, cũng rất suy nghĩ. Sáng nay ngồi café trên phố, ông chủ quán thân quen vừa đùa vừa trách tôi: “Tôi biết chú ủng hộ việc lập lại trật tự vỉa hè, tôi cũng tranh thủ tí vỉa hè để xe máy, nay phường không cho để nữa, tôi gửi chú cái vỉa hè này mang lên phường mà giữ vậy…”. Thế mới biết mỗi một hoạt động lập lại kỷ cương đô thị, ảnh hưởng đến thói quen lối sống của từng gia đình, từng con người trong thành phố.

Lại nói chuyện vợ chồng cô bán thực phẩm quen của nhà tôi dễ đến mấy chục năm, quê Tây Tựu - cách Hà Nội 16 cây số. Sáng nào cũng dậy từ mờ đất nhặt từng mớ tôm tép, bó rau ,con cá, cân thịt bán khắp cho bà con trong phố. Trước đây còn bày ở vỉa hè, gần đây ngồi núp giữa bức tường và gốc cây to, nhưng sáng nay cũng đã phải dọn đi.

Chúng tôi động viên: “Thôi thì toàn nhà thân quen, ai lấy gì em chở vào tận nhà, đỡ phải ngồi lê la hè phố”. Kể thì cũng thêm phần vất vả, nhưng rồi lâu cũng hình thành cách phân phối thực phẩm an toàn, tươi sống mà vẫn giữ được đường phố phong quang.

Tôi đã từng kể câu chuyện gánh hàng rong của Hà Nội xưa: các cô bán hàng trên vai, đặt xuống đất là bị tuýt còi ngay, mà ăn mặc lôi thôi cũng không xong với mấy ông cảnh sát. Thành phố cũng có mạng lưới chợ rất đầy đủ.

Quanh phố tôi bé tí tẹo vậy mà cũng có đến 3 cái chợ: Chợ Hôm ở phố Huế- Trần Nhân Tông; Chợ Mơ ở cuối đường Bạch Mai; lại còn chợ Đuổi ở cuối phố Bà Triệu. Chợ Mơ là buổi sáng, chợ Hôm là buổi chiều, còn cái chợ Đuổi thì là chợ cho các gánh hàng rong bán cả ngày không hết, cuối ngày dồn về đấy bán cho đám thợ thuyền về muộn mua đồ ăn thức uống.

Sau này, dân đông dần nên thêm còn mấy chợ tự phát nữa: Chợ Trời, chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Vân Hồ, chợ Thể Giao, chợ đê Trần Khát Chân, chợ dốc Thọ Lão, chợ trong khu Bách Khoa, Kim Liên...

Đấy là chưa kể bao nhiêu cửa hàng tiện ích, siêu thị... Nhưng sẽ còn tồn tại lâu trên phố những chợ dân sinh, nơi bà con hàng phố với dân quê đã kết nối lâu dài, cái thứ rất bền vững, kinh tế, bền chặt nhưng lại không nằm trong những tập tài liệu nghiên cứu khoa học thị trường, hay trong những chính sách về mạng lưới thương mại khô cứng của ngành công thương.

Làm thế nào để đô thị thực sự văn minh vẫn là câu hỏi lớn, nhưng theo tôi thì cần một giải pháp tổng thể. Lập lại trật tự vỉa hè là một việc cần làm, làm ngay, làm kiên trì và bền vững. Lập lại trật tự vỉa hè là lập lại trật tự đô thị, nó sẽ cho thấy rõ hơn những mặt thiếu và yếu cần bổ sung trong chuỗi các công việc tái lập văn minh đô thị.

Thiếu nơi đỗ xe thì cần làm nơi đỗ xe. Không thể lấy lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe được. Không thể dẹp chợ vỉa hè để dành chỗ cho đỗ ô tô, xe máy hay mở quán café, quán bia, quán nướng... Thiếu tiền để đầu tư bãi đỗ xe ngầm nổi thì cần thu phí đỗ cao hơn để bù vào. Dọn chợ vỉa hè thì phải lập chợ trong nhà.

Việc này không dễ gì làm ngay nhưng có thể có sáng kiến ngay. Tôi nghĩ nếu các nhà quản lý cùng chụm đầu nghĩ cho thật thấu đáo thì khó mấy cũng có lời giải thỏa đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Câu chuyện mưu sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO