Cầu Giấy - Nơi hội tụ đoàn kết, sáng tạo và phát triển

Hưng Hà 22/08/2017 10:00

20 năm qua, Cầu Giấy vươn lên thành một điểm sáng trong phát triển. Một đô thị hiện đại, minh chứng rõ nhất cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô với sự phát triển năng động, đa dạng từ kinh tế, văn hóa, giáo dục và hạ tầng đô thị, xã hội…

Từ thị tứ ngoại thành

Quận Cầu Giấy được thành lập theo Nghị định 74/CP ngày 22/11/1996 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ 01/9/1997, bao gồm 4 thị trấn (Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Cầu Giấy) và 3 xã (Dịch Vọng, Yên Hoà, Trung Hoà) tách ra từ huyện Từ Liêm, với diện tích tự nhiên 1210,07 ha và 8,29 vạn nhân khẩu.

Khi mới thành lập, Cầu Giấy là một quận đan xen giữa đô thị và nông thôn. Những đặc trưng của làng xã, những tập tục sinh hoạt của nền nông nghiệp, nông thôn vẫn chi phối trong cách nghĩ, cách làm và sinh hoạt ở nhiều nơi.

Nhớ lại giai đoạn đầu phát triển này, ông Bùi Trương Luân, nguyên Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận vẫn còn bồi hồi, quận gặp vô vàn khó khăn, xuất phát điểm về kinh tế của quận rất thấp so với các quận nội thành cũ. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật lạc hậu và chưa đồng bộ, cả quận chỉ có một tuyến đường 32 xuyên tâm; giao thông manh mún, chắp vá. Cơ cấu kinh tế còn nặng về nông nghiệp; trình độ dân trí, đội ngũ cán bộ không đồng đều nên còn khó khăn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của quận.

Tuy nhiên, ngay sau khi được thành lập và kiện toàn, tập thể lãnh đạo từ Quận ủy đến UBND quận quán triệt tinh thần đoàn kết, vượt khó, sáng tạo, đi tắt đón đầu để phát triển, đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, sáng tạo vận dụng các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực hiện nhiệm vụ của quận, từng bước ổn định, vươn lên và đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng trong 20 năm qua.

Theo ông Bùi Trương Luân thì ngay sau khi được thành lập, quận cùng với các sở, ngành chức năng xây dựng được quy hoạch giao thông theo định hướng đô thị hiện đại, làm cơ sở cho việc phát triển hạ tầng đô thị sau này. Quận cũng đặt ra mục tiêu phát triển đồng bộ cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng văn hóa xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư.

Đến đô thị hiện đại nhất Thủ đô

Những quyết sách đúng đắn, sự đoàn kết, sáng tạo trong quản lý, điều hành đã tạo dựng lòng tin trong người dân và doanh nghiệp. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ, thu hút đầu tư đạt được nhiều thành công. Nếu như năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 29,1 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 8,45 tỷ đồng; tổng giá trị hàng hóa luân chuyển và dịch vụ đạt 120,53 tỷ đồng, thì đến năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước đạt 7.982,487 tỷ đồng và không còn thành phần kinh tế nông nghiệp; tổng giá trị luân chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 206.137,270 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn quận tăng từ 35 tỷ đồng năm 1998 lên hơn 6.200 tỷ đồng năm 2016 (tăng gần 180 lần). Cầu Giấy trở thành một trong những quận có quy mô và tốc độ phát triển hàng đầu của thành phố.

Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng phát triển mạnh. Quận Cầu Giấy đang trên đà phát triển để trở thành một trong những trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Hành chính của Thủ đô với các ngành dịch vụ hiện đại về Tài chính - Ngân hàng - Tin học - Viễn Thông.

Bắt đầu từ thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới như Bic C, nhiều thương hiệu bán lẻ hàng đầu trong nước và quốc tế đã đặt cơ sở kinh doanh tại quận. Các Ngân hàng thương mại quốc doanh, tổ chức tín dụng đặt trụ sở. Hàng loạt các tập đoàn công nghệ như FPT, CMC, MISA… đặt trụ sở tại quận tạo tiền đề cho những thung lũng công nghệ cao trong tương lai.

Nhiều công trình mang tầm cỡ quốc gia, nhiều khu đô thị mới liên tiếp được xây dựng như: Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Trung Yên, Cầu Giấy, Dịch Vọng… Hệ thống giao thông của quận được đầu tư xây dựng đồng bộ với 76 tuyến đường, phố; các tuyến đường, phố lớn, quan trọng như: đường Hoàng Quốc Việt, Trần Duy Hưng, Trần Thái Tông, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Huyên, Võ Chí Công… ; toàn quận hiện có 11 khu đô thị mới được hình thành, với 200 tòa nhà cao tầng, trong đó có 137 tòa nhà chung cư. Cụm Tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ của Quận được hình thành và đi vào hoạt động từ cuối năm 2005, nay là Khu công nghệ thông tin tập trung của quận đã ngày càng phát triển, thu hút 393 lượt doanh nghiệp vào hoạt động.

Sau 20 năm, từ một thị trấn nông thông ngoại thành, giờ đây Cầu Giấy đã thực sự trở thành một trong những đô thị quy mô, hiện đại nhất của Thủ đô.

Sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được tập trung đẩy mạnh; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được triển khai sâu rộng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hàng năm, tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt trên 86%, tỷ lệ tổ dân phố đạt tiêu chuẩn tổ dân phố văn hóa đạt gần 80%.

Các lĩnh vực an sinh xã hội được tập trung giải quyết có hiệu quả. Công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách đối với người có công và các chính sách xã hội khác luôn được cấp ủy, Chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội quận, phường quan tâm thực hiện chu đáo, kịp thời. Trong 20 năm qua Quận đã đầu tư xây dựng và bàn giao 42 nhà tình nghĩa, sửa chữa 171 nhà với tổng số kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Khám, cấp phát thuốc và tặng quà cho các gia đình chính sách nhân dịp lễ tết, 27/7 trị giá 05 tỷ đồng. Trao tặng 3.046 sổ tiết kiệm trị giá 2,2 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, người có công. Đề nghị Nhà nước phong tặng và truy tặng cho 56 Bà MẹViệt nam anh hùng (hiện 04 Mẹ còn sống). Quận đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho gần 87.000 lao động, giảm 1.446 hộ nghèo, đến nay trên địa bàn quận không còn hộ nghèo.

Dấu ấn của sự đoàn kết, sáng tạo

Để đạt những kết quả trên theo ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ngoài việc tranh thủ sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, của các thế hệ lãnh đạo quận, còn có sự đóng góp vô cùng lớn lao của các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội trên địa bàn quận nói riêng và TP nói chung. “Sự ủng hộ nhiệt thành của các tầng lớp Nhân dân là tiền đề, động lực vô cùng to lớn để Đảng bộ, chính quyền quận đưa các chủ trương, chính sách vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước, TP giao phó. Qua đó, từng bước đưa quận Cầu Giấy ngày càng phát triển, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người dân” – ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Dương Cao Thanh, những thành tựu ngày hôm nay là kết quả của cả một hành trình dài, kiên trì và kiên định mục tiêu phát triển theo đúng quy hoạch, là sự nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo quận, sự chung sức, chung lòng, đồng hành của người dân và doanh nghiệp

Theo Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy thì trong trong thời gian tới, Đảng bộ quận tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo cơ cấu dịch vụ - thương mại và công nghiệp - xây dựng. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng hướng đến sự phát triển bền vững, gắn với bảo vệ tài nguyên, nâng cao chất lượng môi trường. Đồng thời, quận tiếp tục tích cực chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và đoàn thể Nhân dân các cấp trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển quận trong thời kỳ mới, hướng đến sự phát triển bền vững, sự hài lòng của đại đa số người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cầu Giấy - Nơi hội tụ đoàn kết, sáng tạo và phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO