Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu

N.Hùng - T.Phương 26/10/2016 10:15

Ngày 25/10, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu dự và phát biểu chỉ đạo.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo. (Ảnh: Việt Thanh).

Việt Nam bảo đảm các yêu cầu của Thỏa thuận Paris

Diễn đàn tập trung 3 nội dung chính: Công bố những nghiên cứu khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu (BĐKH) và những tác động của BĐKH tới Việt Nam; những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó BĐKH và thực hiện Thỏa thuận Paris; thảo luận và xác định nhu cầu hỗ trợ quốc tế để ứng phó những tác động của BĐKH.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Đây là diễn đàn rất quan trọng để Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Việt Nam và các đối tác phát triển cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, cập nhật những kết quả nghiên cứu khoa học về BĐKH và tác động của BĐKH tới Việt Nam”.

Theo Phó Thủ tướng, BĐKH đã và đang trở thành vấn đề khẩn thiết của toàn nhân loại. Việc thông qua Thỏa thuận Paris (COP21) đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trên toàn cầu- kỷ nguyên hợp tác để thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững theo hướng ít phát thải carbon, thân thiện với môi trường. “Là một quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó thông qua việc xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược Tăng trưởng Xanh, Chiến lược phòng chống thiên tai, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo… với nhiều chương trình, dự án được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước để thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với BĐKH”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Phó Thủ tướng chia sẻ thêm: Ngay sau COP21, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai kết quả COP21 tại Việt Nam trong đó có việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam với mục đích cụ thể hóa và bảo đảm các đóng góp của Việt Nam trong INDC được thực hiện.

Tại diễn đàn, các nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng, BĐKH diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề bởi BĐKH, Việt Nam cần làm rất nhiều việc để ứng phó BĐKH và bảo đảm các yêu cầu của Thỏa thuận Paris.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Pratibha Mehta- Điều phối viên thường trú LHQ, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, dữ liệu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và của Việt Nam cho thấy nguy cơ gặp bão, mưa cực đoan và lũ lụt trên sông cũng như hạn hán và tình trạng tăng xâm nhập mặn ngày càng tăng đối với Việt Nam. Tất cả những loại thiên tai này đều xảy ra trong năm nay và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

“Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris… điều này chứng tỏ rằng Việt Nam đã sẵn sàng cho những thách thức khí hậu”, theo bà Pratibha Mehta.

Nhiều điểm mới trong kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng 2016

Nhân dịp này, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng phiên bản 2016 đã được công bố. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cho Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu Trần Thục, so với kịch bản năm 2012, kịch bản năm 2016 có nhiều điểm cập nhật mới quan trọng. Cụ thể, sử dụng số liệu cập nhật đến năm 2014 bao gồm số liệu của 150 trạm quan trắc trên đất liền và hải đảo thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, số liệu mực nước biển của 17 trạm hải văn ven biển và hải đảo, số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tinh.

Sử dụng phương pháp chi tiết hóa động lực dựa trên 5 mô hình khí hậu khu vực độ phân giải cao; phương pháp thống kê để hiệu chỉnh kết quả tính toán của các mô hình động lực theo số liệu thực đo tại các trạm quan trắc nhằm phản ánh điều kiện cụ thể của địa phương và giảm sai số hệ thống của mô hình.

Xây dựng kịch bản BĐKH và một số cực trị khí hậu chi tiết cho 63 tỉnh/thành phố, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và chi tiết cho 150 trạm khí tượng. Xây dựng kịch bản nước biển dâng chi tiết cho 28 tỉnh ven biển, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

Kịch bản 2016 cũng đánh giá nguy cơ ngập do nước biển dâng cho các khu vực đồng bằng, ven biển, các đảo và quần đảo của Việt Nam. Đối với các khu vực có bản đồ địa hình tỉ lệ 1:2000, mức độ chi tiết của bản đồ nguy cơ ngập là đến cấp xã.

Một điểm mới nữa là kịch bản 2016 có nhận định về mực nước cực trị, gồm nước dâng do bão, thủy triều và nước dâng do bão kết hợp với thủy triều ven bờ Việt Nam để người sử dụng có thể hình dung được những tác động kép của nước biển dâng do BĐKH và cực trị mực nước biển do các yếu tố tự nhiên như nước biển dâng do bão và triều cường.

Đặc biệt, kịch bản mới đưa ra nhận định về một số yếu tố có tác động kép đến nguy cơ ngập vì nước biển dâng do BĐKH, bao gồm nâng hạ địa chất và sụt lún do khai thác nước ngầm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển miền Trung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO