Chương trình giáo dục phổ thông mới: Lấy người học làm trung tâm

Thu Hương (ghi) 18/01/2017 08:35

“Lần đổi mới này phải thực hiện cho kỳ được quan điểm lấy người học làm trung tâm, tích cực hoá hoạt động của người học – điều mà trước đây chúng ta cũng đã nghiên cứu nhưng chưa triển khai được nhiều”- đó là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới tại hội nghị Khởi động Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) do Bộ GD&;ĐT tổ chức chiều 17/1.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.

Chia sẻ về chương trình GDPT mới, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết:

- Trước hết, chúng tôi nhận thức rất rõ về sứ mạng của chương trình GDPT. Đó là những quy định của nhà nước về GDPT, cụ thể là về mục tiêu giáo dục, các yêu cầu cần đạt đối với học sinh về năng lực phẩm chất, các nội dung, phương pháp dạy, kiểm tra đánh giá, phương thức quản lý GDPT… Đây là những quy định của nhà nước đồng thời cũng là cam kết của nhà nước về chất lượng GDPT nói chung, chất lượng giáo dục của từng cơ sở nói riêng.

Từ nhận thức này, chúng tôi phát triển chương trình trên 5 cơ sở. Thứ nhất là quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục. Thứ hai là nhu cầu phát triển của đất nước trong thế kỷ này. Thứ ba là căn cứ vào những tiến bộ của thời đại về khoa học công nghệ. Thứ tư là bản sắc văn hoá VN và những giá trị phổ quát của nhân loại. Thứ 5 là quyền của thanh thiếu niên và nhi đồng xác định trong nhiều công ước quốc tế cũng như pháp luật VN.

PV: Việc thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực học sinh được cụ thể hoá trong chương trình GDPT mới như thế nào, thưa ông?

GS. TS Nguyễn Minh Thuyết: Mục tiêu này đã được xác định rõ trong Nghị quyết 88 của Quốc hội, Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ, hình thành phát triển phẩm chất của học sinh dựa trên triết lý giáo dục của Việt Nam và của Đảng. Cụ thể trong Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng cộng sản cũng nêu rõ 2 triết lý lớn để phát triển giáo dục VN là thực học, thực nghiệp và dân chủ.

Cụ thể, học phải đi đôi với hành. Lý luận gắn với thực tiễn. Đối với học sinh phổ thông thực hiện phân luồng và hướng nghiệp. Tất cả đều thể hiện triết lý giáo dục thực học thực nghiệp của VN.

Triết lý dân chủ là điểm nhấn của NQ 29 cũng như Đảng cộng sản Việt Nam về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, lấy người học làm trung tâm tích cực hoá hoạt động học tập. Điều này thống nhất với triết lý của nhiều nền giáo dục trên thế giới.

Trước đây, chúng ta cũng đã nghiên cứu nhưng chưa triển khai được nhiều. Lần đổi mới này phải thực hiện cho kỳ được quan điểm lấy người học làm trung tâm, tích cực hoá hoạt động của người học.

Tính dân chủ còn có nghĩa là phát huy vai trò của gia đình xã hội trong giáo dục con em. Phải thực hiện nghiêm túc giáo dục gia đình – nhà trường – xã hội.

Điểm thứ 3 thể hiện triết lý dân chủ là ở chương trình mở, đảm bảo quyền của người học. Người học phải tự quyết định việc học của mình và việc chúng ta thực hiện nguyên tắc này cũng tạo cho người học thói quen tự học, tự chủ. Chương trình mở cũng đảm bảo quyền chủ động của địa phương, của Sở. Không chỉ có chương trình quốc gia quy định cứng tất cả các trường, các địa phương phải thực hiện theo từng nhóm. Ở chương trình mới, chúng tôi dự kiến chỉ quy định những điểm chung nhất còn dành quyền chủ động cho cơ sở. Thứ ba là đảm bảm quyền sáng tạo cho giáo viên.

Cụ thể hơn, những triết lý thực học thực nghiệp dân chủ được thể hiện thế nào trong nội dung giáo dục?

- Mỗi một môn học hiện nay phần lý thuyết chiếm thời lượng lớn. Trong chương trình mới học sinh được học đồng thời cũng phải được hành. Đó là quan điểm của chúng tôi khi phát triển chương trình GDPT mới này.

Về nội dung giáo dục, cũng có những môn học hoạt động giáo dục mới, nội dung mới của những môn này. Ví dụ hiện nay chúng ta có môn Công nghệ. Sắp tới, có lẽ môn này sẽ thay đổi, trở thành công nghệ và hướng nghiệp, nhằm rõ hơn định hướng thực hành. Chẳng hạn, ở cấp tiểu học chúng ta dạy học sinh về việc kinh tế gia đình. Ở cấp THCS dạy khởi nghiệp, đạo đức kinh doanh….

Môn Giáo dục công dân hiện nay sa vào dạy triết học hơi nhiều. Chúng tôi cho rằng ở cấp tiểu học dạy các em kỹ năng sống, đạo đức lối sống. Lên đến các lớp trên thì phải dạy học sinh về kinh tế, luật. Chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nếu không chuẩn bị cho học sinh những hiểu biết ngay trong trường, kỹ năng thì rất khó cho học sinh trở thành những người đảm đương nhiệm vụ nhân lực chính trong công cuộc phát triển đất nước.

Về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học sẽ có những thay đổi thế nào, thưa ông?

- Nghị quyết của Quốc hội cũng nói rõ chúng ta cần chuyển một nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển năng lực phẩm chất cho người học, điều này phụ thuộc vào phương pháp dạy học nhiều. Thứ hai là đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập, chất lượng giáo dục nói chung. Cụ thể ở đây chương trình có những quy định thực sự cho việc đánh giá năng lực cũng như kết hợp sự đánh giá của giáo viên cũng như của chính học sinh, phụ huynh và xã hội.

Thứ ba, chương trình GDPT cần đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa các cấp học, lớp học, kế thừa và phát triển chương trình giáo dục phổ thông đang có, tiếp thu có chọn lọc chương trình GDPT của các nước có nền giáo dục phát triển, có sự liên thông với giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và ĐH.

Trân trọng cảm ơn ông!

77 triệu USD đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam

Chiều 17/1, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) khởi động dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở VN đã và đang được khẩn trương thực hiện với nhiều hoạt động, trong đó có đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong lĩnh vực đổi mới quan trọng này, VN đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của WB.

WB tại Việt Nam cam kết tài trợ một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 77 triệu USD để thực hiện các mục tiêu của dự án. Đó là: Nâng cao kết quả học tập của học sinh thông qua việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tiếp cận dựa trên năng lực; nâng cao hiệu quả dạy-học bằng việc biên soạn, thực hiện sách giáo khoa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và đổi mới đánh giá giáo dục học sinh.

M.Quyên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình giáo dục phổ thông mới: Lấy người học làm trung tâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO