Cữ này lại lo ngộ độc rượu

Minh Phương 06/01/2018 08:40

Càng gần Tết Nguyên đán, mối lo về tình trạng ngộ độc rượu lại tăng lên. Những ngày gần đây, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc rượu.

Cữ này lại lo ngộ độc rượu

Một trường hợp ngộ độc rượu cấp cứu tại Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) (Ảnh: H.Hải).

Lãnh đạo Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết, hàng năm, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán số ca ngộ độc rượu thường tăng mạnh nhất.

Đáng lo ngại, các ca ngộ độc rượu thường do người dân sử dụng rượu không rõ nguồn gốc , dẫn đến ngộ độc methanol, thậm chí gây ra nguy cơ chết người.

Dư luận hẳn chưa quên hàng loạt các vụ ngộ độc rượu xảy ra những tháng đầu năm 2017. Có vụ ngộ độc xảy ra khiến 10 người tử vong.

Đáng chú ý, những vụ ngộ độc rượu xảy ra thường là rượu người dân tự nấu, tự ngâm các loại thảo mộc hoặc người dân mua rượu ở ngoài về tự pha.

Đa số người ngộ độc methanol do uống rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường.

Nhà sản xuất vì lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu. Nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng hôn mê sâu với các biến chứng như khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, tiêu cơ vân, suy thận.

Ngộ độc rượu có 2 loại: Ngộ độc rượu do ethanol (rượu tự nấu) và methanol (cồn công nghiệp).

Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới cho biết, sản lượng rượu, bia được sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Năm 2010 tiêu thụ 2,4 triệu lít bia, 59 triệu lít rượu công nghiệp.

Đến năm 2015, lượng tiêu thụ tăng lên 3,4 triệu lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu. Xét về lượng cồn nguyên chất tiêu thụ hàng năm, Việt Nam đứng thứ 2 trong số 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á; đứng thứ 29 trên thế giới.

Trước thực trạng ngộ độc rượu tràn lan, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản xuất, kinh doanh rượu; với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm chủ động ngăn chặn các sự cố về ngộ độc rượu tương tự xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng người tiêu dùng và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh rượu trên cả nước.

Chỉ thị 02 ra đời nhằm siết lại thị trường rượu bia. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong năm 2017, Quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra 966 vụ, xử lý 491 vụ, phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 734 triệu đồng, tạm giữ, tịch thu 40.176 lít rượu, 1.431 chai rượu các loại...

Cục QLTT đã chỉ đạo Chi cục QLTT 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát đối với sản phẩm rượu do dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, việc thực hiện các điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu; chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nấu thủ công; đặc biệt là ở những địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.

Cũng cần nhắc lại, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu có hiệu lực từ ngày 1/11/2017.

Theo đó, tại Nghị định này, Chính phủ chính thức giao Bộ Công thương phụ trách công tác quản lý ATTP với mặt hàng rượu.

Nghị định này ra đời được đánh giá sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ hơn thị trường rượu, đảm bảo sự an toàn cho người dân, hạn chế thấp nhất những nguy cơ do rượu lậu, rượu giả gây nên.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, sẽ kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý an toàn thực phẩm từ Bộ tới địa phương theo hướng tinh gọn và nâng cao hiệu quả quản lý.

Đồng thời, nghiên cứu và xác định một số giải pháp mang tính “đột phá” trong công tác quản lý ATTP theo hướng: Nâng cao năng lực quản lý, đơn giản hóa tiến tới giảm và bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phù hợp với quy ước trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cữ này lại lo ngộ độc rượu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO