Cung ứng dịch vụ công ích cần cơ chế thoáng

Lục Bình 06/01/2017 07:15

Sáng 5/1, Viện Quản lý và nghiên cứu Kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức Hội thảo “Cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở Việt Nam”. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công để bớt đi những mối lo cho nhà nước cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ người dân.

Cung ứng dịch vụ công ích cần cơ chế thoáng

Ảnh minh họa.

Dịch vụ công là những dịch vụ do Chính phủ trực tiếp cung cấp hoặc qua tài trợ cho việc cung cấp các dịch vụ đó. Việt Nam có 3 loại dịch vụ công: hành chính công, sự nghiệp công và công ích. Trong đó, lĩnh vực công ích là lĩnh vực dễ thực hiện xã hội hóa nhất trong số 3 lĩnh vực công. Việc áp dụng xã hội hóa thành công lĩnh vực công ích sẽ tạo tiền đề cho xã hội hóa các lĩnh vực còn lại.

Thông tin về việc cung ứng dịch vụ công tại 5 TP lớn trực thuộc T.Ư, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chất lượng dịch vụ công quyết định hiệu quả, số lượng và tính bền vững của hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Khảo sát về tỷ lệ ảnh hưởng của yếu tố đến việc quyết định đầu tư vào các đô thị lớn cho thấy, yếu tố cơ sở hạ tầng chiếm tỷ lệ tương đối cao (như tại Đà Nẵng là 55%, Cần Thơ 42%, TP HCM 41%, Hải Phòng 35%, Hà Nội 29%).

Cần cho dịch vụ công ích “ra riêng” để bớt mối lo cho nhà nước là chủ trương đúng đắn, vì vậy Nghị định 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích ra đời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công. Tuy nhiên, “căn cứ địa” cho cung ứng dịch vụ công vẫn mới dành cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc các DN có nguồn gốc là các DNNN đã cổ phần hóa.

Ông Nguyễn Đình Cung phản ánh, gần 100% các dịch vụ công vẫn đang được đặt hàng theo kế hoạch cho các DNNN hoặc các DNNN đã cổ phần hóa chứ chưa “mở cửa” thực sự cho các DN ngoài nhà nước thông qua phương thức đấu thầu.

Cần đổi mới để việc cung ứng dịch vụ công mang yếu tố thị trường nhiều hơn, để người tiêu dùng được hưởng lợi vì vậy cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 130, nhiều ý kiến tại hội thảo đề xuất. Cụ thể, cần làm rõ định nghĩa thế nào là “sản phẩm, dịch vụ công ích”? Và chỉ nên quy định cụ thể những trường hợp nào được áp dụng phương thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch. Còn tất cả các trường hợp còn lại đương nhiên phải thực hiện đấu thầu để đảm bảo nguyên tắc tối thiểu “thu bù chi” cho dù đơn vị đó thuộc loại hình doanh nghiệp nào tham gia cung ứng dịch vụ công ích và giúp tiết kiệm ngân sách.

TS.Nguyễn Đình Cung đề xuất, cần thay đổi từ quản lý “đầu vào” theo cơ chế hành chính sang quản lý “đầu ra” theo cơ chế kinh tế thị trường để tạo dư địa cho các DN đổi mới, sáng tạo, tăng lợi nhuận và nâng cao sức cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cung ứng dịch vụ công ích cần cơ chế thoáng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO