‘Cường quốc’ dược liệu nhưng chủ yếu... nhập khẩu

Trần Ngọc Kha 08/06/2016 12:40

Hàng năm, nước ta sử dụng khoảng 6 nghìn tấn dược liệu, trong đó có khoảng 80-85% dược liệu sử dụng có nguồn gốc nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc).

‘Cường quốc’ dược liệu nhưng chủ yếu... nhập khẩu

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại cuộc toạ đàm. Ảnh Trần Ngọc Kha.

Phát biểu tại cuộc toạ đàm về phát triển dược liệu bền vững do Bộ Y tế phối hợp với báo Nhân Dân tổ chức ngày 8/6, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) Phạm Vũ Khánh cho biết: Trong số hơn 12 nghìn loài thực vật ở Việt Nam thì có gần 4 nghìn loài cho công dụng làm thuốc. Nhiều loài dược liệu quý có công dụng chữa bệnh lẫn giá trị kinh tế, được phân bố rộng khắp trên cả nước, tập trung nhiều nhất vẫn là nơi có địa hình núi cao, tập trung nhiều quần thể rừng phía Bắc, phía Tây và một số tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, An Giang...

Cục trưởng Khánh cũng cho rằng: Việc thu mua dược liệu hiện nay chủ yếu thông qua các thương lái, một số ít đặt theo đơn hàng của các doanh nghiệp.

Cục Quản lý y, dược cổ truyền thừa nhận công tác quản lý khai thác dược liệu hiện còn lỏng lẻo, các dược liệu quý hiếm hiện đang bị khai thác bừa bãi mà chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Tình hình nhập khẩu dược liệu hàng năm cũng không có mấy sáng sủa.

Hàng năm, nước ta sử dụng khoảng 6 nghìn tấn dược liệu, trong đó có khoảng 80-85% dược liệu sử dụng có nguồn gốc nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc). “Việc nhập khẩu dược liệu không rõ nguồn gốc đang là vấn nạn trong những năm gần đây” - Cục trưởng Phạm Vũ Khánh nhấn mạnh.

Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ quan tâm về số lượng, trọng lượng các bao hàng mà không kiểm tra được chất lượng của dược liệu...

Ở khía cạnh khác, Viện trưởng Viện Dược liệu cho rằng một trong những việc có tầm quan trọng nhất hiện nay là bảo tồn các giống gen dược liệu quý. Muốn vậy, chúng ta phải quan tâm về khoa học và công nghệ.

“Sự phân ly của giống sâm Ngọc Linh là rất mạnh. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ mất giống loại sâm này. Sâm Hàn Quốc hiện nay bày bán rất rẻ nhưng chuỗi giá trị gia tăng của họ rất lớn. Đó là do trong sản phẩm của họ có hàm lượng khoa học lớn. Chúng ta phải hợp tác với nhau giữa các “nhà” để đưa ra được những loại giống thật tốt hơn” - ông kết thúc bài tham luận.

Nói về sâm Ngọc Linh, một cân sâm này có giá trị đến 50 triệu đồng, trong nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam và đặc biệt huyện Nam Trà My hàng năm đã dành một lượng kinh phí không nhỏ hỗ trợ cho việc bảo tồn và phát triển loại cây này. Tại 3 xã: Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang huyện Nam Trà My hiện đang hình thành các “chốt” (theo nhóm hộ, mỗi nhóm có khoảng từ 10-30 hộ) trồng sâm, với diện tích trên 1.200 ha. Nhiều năm qua, nhiều hộ đã vươn lên xoá đói giảm nghèo và từng bươc làm giầu.

Tại cuộc toạ đàm, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho rằng tuy đã “bén rễ” cây sâm Ngọc Linh như vậy nhưng ở đây vẫn chứ hình thành được vùng sâm nguyên liệu ổn định, lâu dài và ông cũng băn khoăn chưa có định hướng hỗ trợ giống loại cây quý này của Nhà nước cũng như các nhà khoa học.

Tại cuộc hội thảo, một trong những người yêu và sống 7 năm với cây sâm này, Thượng toạ Thích Huệ Đăng ở Lâm Đồng, người đoạt bằng sáng chế độc quyền với công trình “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh bằng nuôi cấy mô” tỏ ra rất bức xúc với thực trạng nghiên cứu khoa học hiện nay trong việc bảo tồn, nhân giống dược liệu.

“Tôi từng mời 2 tiến sĩ khoa học tu nghiệp từ Hàn Quốc về hợp tác nhưng cuối cùng tự tay mình phải học và thực hành nuôi cấy mô nhân giống sâm Ngọc Linh”. Câu chuyện của ông đã từng xôn xao báo giới bấy lâu nay, giờ lại làm nóng hội trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Cường quốc’ dược liệu nhưng chủ yếu... nhập khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO