Đak Đoa (Gia Lai): Phát triển cây ăn quả đặc sản

L.Nam 24/02/2020 07:30

Những năm gần đây, phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, người dân huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây ăn quả đặc sản, như sầu riêng, bơ, mít, chuối và một số loại cây có múi.

Theo thống kê của Phòng NNPTNT, toàn huyện có gần 480 ha cây ăn quả (hơn 268 ha trồng xen), trong đó, sầu riêng 102 ha, bơ 119 ha, mít 55 ha, chuối 120 ha, cam, quýt 34 ha và cây ăn quả khác 50 ha.

Ông Nguyễn Đức Hoàng- Phó Chủ tịch UBND xã Trang cho biết, năm 2015, trên địa bàn xã chỉ có 17 ha cây ăn quả. Nhưng hiện nay, diện tích cây ăn quả toàn xã đã tăng lên 63 ha. Thời gian qua, giá cà phê, hồ tiêu giảm mạnh, trong khi trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao. Vì vậy, người dân đã học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tự tìm hiểu khoa học kỹ thuật để từng bước mở rộng diện tích cây ăn quả trồng thuần hoặc xen canh. Cách làm này bước đầu giúp người dân có thêm thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích và giảm bớt rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Tại xã Hnol, nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả, diện tích đất ở ven suối, bờ ruộng để trồng chuối mốc và sầu riêng, bơ, mít, cam, quýt. Hiện toàn xã có khoảng 65 ha cây ăn quả được trồng chủ yếu tại các làng Thung, Grek, Rơng... Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng NNPTNT huyện Đak Đoa, trồng xen cây ăn quả đặc sản lâu năm vừa làm cây che bóng, chắn gió cho cà phê, vừa hạn chế rủi ro về giá cả và biến động của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn diện tích cây ăn quả trên địa bàn là trồng xen, một số vườn cây chưa được quan tâm chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất còn thấp, giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Vì thế, huyện Đak Đoa đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,với hy vọng thu được kết quả tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đak Đoa (Gia Lai): Phát triển cây ăn quả đặc sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO