Đảm bảo an sinh xã hội trước diễn biến dịch bệnh

Lê Bảo 21/03/2020 08:00

Bản chất của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong các trường rủi ro không may. Chính vì vậy, hiện nay trong bối cảnh người lao động gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực triển khai chính sách BHXH, BHYT từ đó giúp người lao động ổn định cuộc sống.

Đảm bảo an sinh xã hội trước diễn biến dịch bệnh

Trước diễn biến dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã kịp thời có những giải pháp triển khai chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp kịp thời và hiệu quả. (Ảnh minh họa).

Tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6/2020 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, ngày 17/3, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với Sở LĐTBXH, Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, hướng dẫn, tuyên truyền tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014; các Khoản 1,2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐTB&XH

“BHXH các địa phương tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020 khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định. Trong trường hợp đến hết tháng 6/2020 dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì kịp thời phối hợp với Sở LĐTBXH, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh, thành phố gửi BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020”- Công văn nêu rõ.

Đáng chú ý, theo Công văn trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, hàng tháng đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT và BHTN để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đặc biệt, kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6/2020), kịp thời thông báo và đôn đốc doanh nghiệp đóng đủ các quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó.

BHXH các địa phương thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo đúng quy định của pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh lạm dụng, trục lợi. Định kỳ trước ngày 5 hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về BHXH Việt Nam.

Quyền lợi cho người lao động khi đi cách ly

Đáng chú ý, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi phảicách ly hiện nay, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế về giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động được yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly y tế phòng dịch Covid-19. Những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế. Về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người cách ly phù hợp, với trường hợp điều trị nội trú cần có giấy ra viện; trường hợp điều trị ngoại trú cần có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, hoặc giấy ra viện có chỉ định của bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Đối với trường hợp cách ly tại cơ sở (ngoài nhà riêng), cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly cho người được áp dụng biện pháp cách ly, để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn liên quan. Đối với trường hợp cách ly tại nhà, BHXH Việt Nam đồng ý để trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú căn cứ danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà được Trưởng ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã phê duyệt, có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ ốm đau theo quy định.

Trước đó, BHXH Việt Nam cũng đã có công văn chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám, chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm virus. Chỉ đạo BHXH các tỉnh thực hiện việc giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Yêu cầu BHXH các tỉnh thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh BHYT trên cơ sở nguồn kinh phí khám, chữa bệnh BHYT của quý 1/2020 đã được BHXH Việt Nam cấp đầy đủ, đặc biệt là BHXH các tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus…

Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, đó là giải quyết quyền lợi BHTN cho người lao động khi mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan LĐTBXH giải quyết thủ tục, bảo đảm quyền lợi BHTN cho người lao động; đây là nguồn kinh phí hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trước mắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo an sinh xã hội trước diễn biến dịch bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO