Dân Đồng bằng sông Cửu Long héo hon vì hạn, mặn

Quốc Khánh - Quốc Trung và CTV 07/03/2016 08:35

Hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã trở thành thiên tai đặc biệt nghiêm trọng. Nước mặn bao vây, đe dọa nhiều địa phương khiến cho hàng triệu người dân thiếu nước sản xuất, sinh hoạt. Nông dân đang phải vét cạn hồ, đập để lấy nước tưới cho cây trồng và dè xẻn từng giọt nước trong sinh hoạt. Ở các huyện ven biển, giá nước ngọt có nơi lên đến 100 ngàn đồng/m3. Người dân đang héo hon vì hạn hán và ngập mặn.

Cuộc chiến chống hạn, mặn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

6 tỉnh đã công bố tình trạng thiên tai

Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đến thời điểm này độ mặn trên các sông Cửa Tiêu, Cửa Đại, Hàm Luông, Trần Đề,… thuộc biển Đông vào khoảng 6 đến 27 phần nghìn, xâm nhập sâu hơn 90 km, xa hơn từ 10 đến 15 km so với năm 2015. Ở khu vực biển Tây, trên sông Cái Bé, Cái Lớn, độ mặn đo được những ngày gần đây là 23,8%o, xâm nhập sâu vào hơn 60 km và xâm nhập sớm hơn 2 tháng so với năm 2015.

Nước mặn từ biển Tây xâm nhập đến các huyện của tỉnh Hậu Giang, lấn đến vùng ngọt hóa thị xã Ngã Bảy là điều chưa từng có trong lịch sử. Tại cuộc họp với Chính phủ và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về phòng, chống hạn mặn mùa khô 2016, Bộ NN&PTNT nhận định: Mùa khô 2015 – 2016, mặn xâm nhập sớm, sâu và khả năng kéo dài đến tháng 6/2016, do đó khuyến cáo: Một số vùng cần đặc biệt chú ý như vùng Gò Công (Tiền Giang); Trà Vinh; vùng Long Phú - Tiếp Nhật, Đại Ngãi, vùng ranh Sóc Trăng (Sóc Trăng); Bạc Liêu, Cà Mau (bán đảo Cà Mau) kể cả vùng Tứ giác Long Xuyên. Mực nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn rất nhiều so với các năm qua. Các thành phố như Rạch Giá, Bến Tre, Trà Vinh, Long An, Vị Thanh có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Trước tình hình hạn, mặn nghiêm trọng, nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt thiếu trầm trọng làm giảm năng suất lúa, cây ăn trái, hoa màu, kể cả diện tích nuội trồng thủy sản. 6/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL công bố tình hình thiên tai về hạn, mặn. Đến đầu tháng 3-2016, đã có hơn 330.000 ha lúa bị ảnh hưởng trong đó hơn 100.000 ha lúa bị thất thu.

Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu trường đại học Cần Thơ, hạn nặng và xâm nhập mặn sâu do mực nước ở đầu nguồn giảm làm cho nước biển dâng cao, xâm nhập sâu vào các tỉnh ven biển ở ĐBSCL, làm cho khoảng 40% diện tích canh tác ở ĐBSCL bị ảnh hưởng.

Tại Bến Tre – vương quốc trái cây của ĐBSCL có tới hơn 1.300 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng và hơn 14.000 ha lúa Đông Xuân đang bị thiệt hại trong đó hơn 4.200 ha đã bị mất trắng.

Tiền Giang có 32km bờ biển, có các cửa sông Soài Rạp, cửa Tiểu, cửa Đại nên nước mặn xâm nhập nhanh khiến cho 178.789 ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng trong đó 74.134 ha lúa Đông – Xuân đang bị ảnh hưởng làm giảm năng suất.

Tại Kiên Giang, hơn 50.000 ha lúa Đông - Xuân và diện tích nuôi tôm đang bị thiệt hại do mặn xâm nhập sâu. Các huyện Hòn Đất, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, diện tích bị khô hạn, xâm nhập mặn tăng lên hàng ngày.

Tại Cà Mau, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tổng diện tích bị thiệt hại trên 49.000 ha ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, TP Cà Mau trong đó diện tích lúa - tôm trên 35.000 ha; lúa đông xuân trên 12.000 ha và hơn 2.000 ha lúa mùa. Ngoài ra, hơn 43.405 ha rừng đang bị khô hạn trong đó dự báo cháy cấp III là 16.985 ha, cấp IV 23.690 ha, cấp V 2.730 ha. Mức độ cảnh báo nguy cơ cháy rừng đang tăng nhanh về cấp độ và diện tích.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, thông báo: Hiện độ mặn 4‰ đã vào sâu bên trong 80km trên sông Vàm Cỏ Đông, 70km trên sông Vàm Cỏ Tây. Còn độ mặn 1‰ xâm nhập 105km trên sông Vàm Cỏ Đông, 115km trên sông Vàm Cỏ Tây.

Hạn hán đang gây hại cho sản xuất tại ĐBSCL.

Chủ động ứng phó

Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: Dự báo tình hình hạn, mặn quyết liệt, ngay từ những ngày trước Tết nguyên đán Bính Thân, Tỉnh ủy đã chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ để phòng chống xâm nhập mặn trong đó mục tiêu hàng đầu là đảm bảo nước uống cho người dân.

Tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và Công ty cấp thoát nước Hậu Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn để tranh thủ trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và cung cấp nước sinh họat cho dân. Tất cả các cống, đập, hệ thống đê bao ngăn mặn được kiểm tra ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào kênh rạch. Mới đây, tỉnh đã khoan 9 giếng nước để cung ứng 40.000 m3 nước ngày, đêm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: Để ngăn mặn triệt để, Hậu Giang kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT tiếp tục cho thi công 30 km đê bao ngăn mặn vùng Long Mỹ - Vị Thanh; bổ sung kinh phí lắp đặt hệ thống cống đập ngăn mặn và triển khai các dự án biến đổi khí hậu.

Ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo lấy nước ngọt trước ngày 5/3/2016 và đắp đập, chặn dòng kênh trục chính để ngăn mặn bảo vệ diện tích lúa Đông - Xuân. Tiền Giang đã chủ động sử dụng nguồn ngân sách hơn 4 tỷ đồng, đầu tư 16 thuyền với 32 máy bơm với công suất mỗi máy 1.000 m3/giờ để bơm nước ngọt bổ sung vùng dự án ngọt hóa Gò Công.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ 1,6 tỷ đồng tổ chức bơm chuyền cho 4 huyện vùng ngọt hóa Gò Công mua máy bơm và xây dựng trạm bơm dã chiến để phục vụ chống hạn, phục vụ đủ lượng nước ngọt vào nội đồng cứu lúa.

Tại vùng ngọt hóa Gò Công, có 31.090 hộ, với 155.450 người đang đối mặt với nguy cơ “khát” nước ngọt, tỉnh chỉ đạo mở 122 điểm vòi nước công cộng từ các trạm cấp nước cho các hộ trên đến lấy nước miễn phí và khẩn trương thi công 15,4 km đường ống để đưa nước ngọt từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm phân phối cho thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông (giai đoạn 2) cung cấp nước cho 9.639 hộ dân. Tỉnh Kiên Giang cũng đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt.

Ông Mai Anh Nhịn - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã chỉ đạo đóng hệ thống cống ven biển Tây; đắp 82 đập ngăn mặn kinh phí gần 20 tỷ; chỉ dạo các địa phương tiến hành nạo vét kênh mương. Ngành nông nghiệp triển khai thi công gấp nhiều hạng mục công trình chống hạn mặn kết hợp với thay đổi lịch thời vụ xuống giống sao cho phù hợp và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống hạn, mặn tại ĐBSCL là hết sức cam go.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân Đồng bằng sông Cửu Long héo hon vì hạn, mặn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO