Đăng ký xét tuyển một lần, tối đa 10 nguyện vọng

Thu Hương 07/12/2016 09:10

Như ĐĐK Online đã đưa tin, Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo lần 2 Quy chế thi THPT Quốc gia. So với dự thảo trước đây, Quy chế lần này có thêm nhiều điểm mới.

Trong Dự thảo, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
chỉ tổ chức một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì.

3 bài thi bắt buộc và 1-2 bài thi tự chọn

Mỗi thí sinh được cấp 1 Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất. Thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển một lần, nhiều nguyện vọng, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và không được thay đổi nguyện vọng trong suốt quá trình xét tuyển. Thí sinh được đăng ký tối đa là 10 nguyện vọng, xếp thứ tự từ 1 đến 10 vào 5 trường, mỗi trường 2 ngành hoặc nhóm ngành.

Kỳ thi THPT quốc gia nhằm mục đích lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đồng thời cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.

Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thi 5 bài: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với GDTX).

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh Giáo dục THPT phải dự thi 4 bài, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi Khoa học Tự nhiên (KHTN) hoặc Khoa học Xã hội (KHXH); thí sinh GDTX phải dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi (KHTN hoặc KHXH). Thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi (KHTN và KHXH), điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh Giáo dục THPT có thể thi cả 5 bài thi, thí sinh GDTX có thể thi cả 4 bài để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành.

Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi và các môn thành phần của bài thi KHTN, KHXH, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.

Về nội dung thi, năm 2017 nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT.

Quản lý và sử dụng dữ liệu thi

Các Hội đồng thi công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT và hoàn thành việc đối chiếu giữa dữ liệu kết quả thi gửi về Bộ GD&ĐT với dữ liệu kết quả thi lưu tại Hội đồng thi.

Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của thí sinh; các sở GD&ĐT sử dụng dữ liệu thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; các trường ĐH, CĐ sử dụng dữ liệu thi để tuyển sinh.

Về cụm thi, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) tổ chức một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Bộ GD&ĐT điều động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ (gọi chung là trường ĐH, CĐ phối hợp) đến các cụm thi để phối hợp, hỗ trợ công tác tổ chức thi; thực hiện việc giám sát các khâu: in sao đề thi, coi thi, chấm thi và phúc khảo.

Chấm bài thi tự luận qua 2 vòng độc lập

Theo dự thảo, việc chấm thi theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm. Việc chấm thi tuân thủ theo đúng quy trình chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm; sau đó, tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt, làm sao để lần chấm thứ nhất và lần chấm thứ hai không cùng một người.

Ở bài thi Ngữ văn, nếu kết quả của hai lần chấm có sự chênh lệch dưới 1,0 điểm (điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau – trừ trường hợp cộng nhầm điểm) thì hai cán bộ chấm thi thảo luận thống nhất điểm, nếu điểm lệch nhau từ 1,0 đến 1,5 điểm, hai cán bộ chấm thi thảo luận cùng Trưởng môn chấm thi thống nhất điểm. Nếu đối thoại không thống nhất được điểm thì Trưởng môn chấm thi quyết định điểm. Với trường hợp lệch trên 1,5 điểm, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ 3.

Chấm bài thi trắc nghiệm bằng máy

Các phiếu TLTN (bài làm của thí sinh) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD&ĐT cung cấp. Quá trình này có bộ phận giám sát trực tiếp và liên tục từ khi mớ niêm phong túi đựng Phiếu TLTN đến khi kết thúc chấm thi. Dữ liệu quét (được xuất từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo quy định của Bộ GD&ĐT) được ghi vào 2 đĩa CD giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của thanh tra và công an. Một đĩa giao cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu giữ, một đĩa gửi chuyển phát nhanh về Bộ GD&ĐT (Cục KTKĐCLGD), chậm nhất là 15 ngày sau khi thi xong môn cuối cùng của kỳ thi.

Chỉ sau khi đã gửi đĩa CD dữ liệu quét về Bộ GD&ĐT, Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm mới được mở niêm phong đĩa CD chứa dữ liệu chấm dưới sự giám sát của công an và thanh tra để tiến hành chấm điểm. Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đăng ký xét tuyển một lần, tối đa 10 nguyện vọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO