Đào tạo theo chương trình tiên tiến: Trường nào có sức thì cạnh tranh

Linh Thủy 31/12/2016 10:10

Sáng 30/12, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến giai đoạn 2006-2016. Theo đó, tới đây, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng đề án tiếp nối nhưng phải phù hợp với dự báo nhu cầu lao động.

Chủ trương xây dựng đào tạo theo chương trình tiên tiến (CTTT) tại một số trường ĐH Việt Nam được khởi động từ năm 2006, đến năm 2008 được Chính phủ phê duyệt Đề án giai đoạn 2008-2015. Đến năm 2012, Đề án đã có 23 trường ĐH triển khai thực hiện 35 chương trình đào tạo của 22 trường đại học trên thế giới.

Tại lễ tổng kết giai đoạn 10 năm qua thực hiện theo chương trình này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không nên dành quá nhiều thời gian để nhìn lại quá khứ đã làm được gì mà là bàn xem tương lai sẽ làm thế nào. Bởi vậy, trong bài phát biểu ông Nhạ chủ yếu bàn về việc sẽ phải thực hiện giai đoạn thứ 2 của chương trình đào tạo tiên tiến như thế nào.

Cho rằng vai trò của các trường đại học rất lớn, nhưng so với các cấp bậc học khác trong hệ thống giáo dục ở nước ta hiện nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu nghịch lý: giáo dục đại học đang là “vùng trũng nhất”. Hiện nay, cả nước có khoảng 271 trường ĐH, học viện và các cơ sở đào tạo, trong đó có khoảng 200 trường công lập còn lại là các trường tư thục, dân lập và các cơ sở đào tạo nước ngoài. Tuy nhiên, các trường tư thục, dân lập cũng chỉ có vài trường có ngành đào tạo tốt, còn đa phần đang khó khăn về tuyển sinh.

Các trường địa phương thì phần lớn được nâng cấp từ cao đẳng lên nên khó trông cậy về chất lượng. Ông Nhạ thẳng thắn: “Nhiều trường đặt tên hoành tráng lắm, có trường còn đặt tên Tây nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng thì vô cùng khó khăn. Như Thủ tướng đã nói cũng khó là một đại học cho “ra hồn”. Cũng theo ông Nhạ, vai trò dự báo định hướng nghề nghiệp của các trường hiện này còn rất hạn chế. Việc đào tạo cơ bản xuất phát từ năng lực hiện có rồi đi tìm đối tác còn thị trường thế nào, dự báo ra sao thì rất mờ nhạt.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, Bộ trưởng Nhạ cho biết, tới đây, Bộ GD&ĐT đang tiến hành xây dựng đề án tiếp nối đề án thí điểm chương trình đào tạo tiên tiến 10 năm qua. Tuy nhiên, mục tiêu phải khác, việc đào tạo phải phù hợp với nhu cầu dự báo của thị trường lao động. Ông Nhạ nêu cụ thể: “Những nhóm ngành như kế toán, KHXH&NV rất cần nhưng mức độ vừa phải. Những nhóm ngành về công nghệ, kỹ thuật , khoa học sức khỏe, nông nghiệp, công nghiệp rất ưu tiên”.

Bộ trưởng Nhạ cho rằng: cách tốt nhất là lựa chọn từ 35 ngành của chương trình đào tạo tiên tiến vừa qua để đầu tư. Nhiều ngành khác không nằm trong 35 ngành này mà vẫn đáp ứng được vẫn đưa vào. Đối tượng tham gia bao gồm cả các trường ĐH công lập và tư thục. Phương thức đầu tư của đề án giai đoạn 2 sẽ theo hướng là hợp đồng giao nhiệm vụ. Ai có sức mạnh thì cạnh tranh. Làm sao Nhà nước bỏ ra lượng tiền nhỏ nhất nhưng thu kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cũng phải đồng bộ: “Một cơ sở đào tạo mà cố gắng có được nhiều chương trình này sẽ thuận lợi xây dựng cơ sở này thành đẳng cấp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo theo chương trình tiên tiến: Trường nào có sức thì cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO