Dạy-học đạo đức trong nhà trường: Trang bị năng lực tự điều chỉnh

Hải Vân 02/04/2017 09:00

Thời gian gần đây, những hành vi xấu trong một bộ phận học sinh như trốn học, gian lận thi cử, đánh nhau, trộm cắp, vô lễ… khiến xã hội rất băn khoăn. Nhưng giải pháp khắc phục thì vẫn loay hoay.

Trước cổng trường. (Ảnh minh họa).

Dạy gì, học gì trong giờ đạo đức?

Đặt câu hỏi ấy với nhiều học sinh, chúng tôi không ngỡ ngàng khi nhận được những câu trả lời hầu hết giống nhau: Học lễ nghĩa ít hơn học văn hóa. Lệ Hằng- học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: Cảnh học sinh chen lấn, chen nhau khi ra vào cổng trường cũng như nơi công cộng, nói bậy là khá phổ biến. Trước thực tế bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, trong đó có nhiều nội dung, video xấu lẫn tốt chưa được thẩm định, một số học sinh thiếu ý thức, thậm chí thản nhiên bình luận và lan truyền nó rộng hơn. Theo em Hằng, học sinh rất cần sự định hướng của nhà trường và các chuyên gia giáo dục trong vấn đề này nhưng các em rất ít được tư vấn, chỉ dạy.

Nói về bạo lực học đường và thói vô cảm trong lớp trẻ, em Thanh Hằng- Trường THPT Thăng Long, cho rằng bạo lực học đường nảy sinh do học sinh không biết cách ứng xử, giải quyết linh hoạt các mâu thuẫn nảy sinh, nhiều khi chỉ là chuyện rất nhỏ. Cũng theo em, hiện nay có nhiều bạn học sinh vô cảm khi bạn bị hành hung, bắt nạt hoặc thấy người gặp tai nạn không giúp đỡ phần vì thiếu tính cộng đồng, phần sợ liên lụy.

Rụt rè chỉ ra những bất cập trong dạy và học môn Giáo dục công dân hiện nay, em Kiều Trang- Trường THPT Việt Đức cho rằng kiến thức trong chương trình Giáo dục công dân ở bậc THPT rất khô khan, chưa phù hợp với thực tế, thậm chí có cảm giác học gì đó rất xa với thực tế. Em mong ngoài sách vở, nhà trường nên dạy những kiến thức pháp luật cơ bản, gần gũi dễ ứng dụng và tăng thời lượng dạy về kỹ năng sống, văn hóa ứng xử học đường.

Gần đây, trong những tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần hoặc tiết sinh hoạt chủ nhiệm, nhiều trường đã lồng ghép chương trình giáo dục kỹ năng sống, nét đẹp học đường, trong đó có chú trọng chủ đề ứng xử văn hóa học đường. Thế nhưng, theo nhiều ý kiến và đề xuất của học sinh, các em mong muốn được học lễ nghĩa, văn hóa ứng xử học đường thông qua những câu chuyện thực tế nhiều hơn và bằng những hình thức phong phú, sinh động, hấp dẫn hơn. Để từ cầu nối nhân văn này, học trò biết yêu thương bạn bè, thầy cô và gắn bó với trường học nhiều hơn.

Đổi mới chương trình, cách dạy

Với quan điểm giáo dục đạo đức là trang bị cho học sinh năng lực để tự điều chỉnh bản thân trong xã hội, trao đổi với báo chí, ông Nguyên Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng nhà trường hiện nay vẫn nặng về rao giảng đạo lý mà giáo viên ít nghĩ tới cảm nhận của học sinh xem các em tiếp thu những vấn đề đó thế nào. Người ta cũng chẳng màng tới việc ngoài con đường rao giảng kiến thức còn có con đường nào khác có thể giúp học sinh nhận thức sâu sắc, hiểu và tự nguyện làm theo. Nhân cách không chỉ được hình thành bởi những điều nghe và nói mà phải hình thành từ nỗ lực hành động của mỗi người.

Ông Lâm cũng cho rằng, chương trình cần phải thay đổi để đơn giản hơn, thực tế hơn, gần gũi với nhận thức của học sinh. Xã hội hiện đại cần những kỹ năng gì, năng lực gì để lớp trẻ có thể hòa nhập và hoàn thiện mình thì trong nhà trường hãy tập trung trang bị cho học sinh cái đó, cần bỏ những kiến thức quá trừu tượng, xa rời thực tế đời sống. Ví dụ như thế hệ trẻ bây giờ cần học cách chào hỏi, ăn mặc, ứng xử trong những tình huống khác nhau, ...

Tuy nhiên, hiệu quả của giáo dục chỉ có thể đạt được bằng trải nghiệm của chính người học. Thực hành, trải nghiệm, thậm chí tạo nên nhiều tình huống khác nhau để học sinh phải va đập, suy nghĩ, tự tìm cho mình cách sống, hành vi phù hợp, điều đó mới có thể giúp các em thật sự có được năng lực để tự điều chỉnh bản thân và tham gia đời sống xã hội một cách tốt nhất.

Cùng quan điểm, bà Lại Thị Nguyệt Hằng- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc cho rằng ở những môn học khác, khi học sinh đối phó, chăm chỉ học hơn, ít nhiều có thể còn có tác dụng tốt, nhưng ở lĩnh vực giáo dục nhân cách, lối sống, giáo dục giá trị sống, việc phải đối phó có thể làm mục tiêu môn học bị lệch lạc. Tốt nhất là để học sinh không nghĩ mình đang học, mà nghĩ mình đang trải nghiệm, đang tìm kiếm điều gì đó có ích cho mình. Đó là cách để môn học trở nên thu hút. Bên cạnh đó cần có sự đầu tư cho đội ngũ giáo viên.

Vài năm trước, Văn phòng Chủ tịch nước đã từng thực hiện một cuộc khảo sát trực tiếp ở 15 tỉnh thành trên cả nước về việc dạy đạo đức cho học sinh. Kết quả cho thấy không những thời lượng rất ít mà môn đạo đức, giáo dục công dân ở bậc phổ thông có nhiều bài học ôm đồm, không sát thực tế. Một trong những kỹ năng cơ bản mà môn học này hướng tới là người học biết vận dụng kiến thức đã học để nhận xét, đánh giá các hiện tượng, các sự kiện, các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống phù hợp với lứa tuổi; biết lựa chọn và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp…

Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, do quá tham nhồi nhét các kiến thức cao siêu, những bài học nặng tính rao giảng lý thuyết nên HS vẫn ngơ ngác khi phải đối mặt thực tiễn cuộc sống, dẫn đến việc thiếu khả năng ứng xử thích hợp. Ông Nguyễn Hiệp Thống- Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, băn khoăn: “Đưa nhiều thứ vào môn giáo dục đạo đức trong nhà trường nhưng dường như lại chưa có chiều sâu nên học sinh vẫn thiếu những kỹ năng để vượt qua những tình huống khác nhau của cuộc sống”.

Tại một cuộc hội thảo về giáo dục cách đây chưa lâu, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình đã nhấn mạnh: Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông báo động về vấn đề giáo dục nhân cách. Trên thế giới, triết lý giáo dục phổ biến là dạy và học để làm người. Chỉ khi biết “làm người”, nghĩa là có nhân tính, thì mới có thể có cái khác, còn nếu không sẽ gây tai họa cho xã hội hoặc chẳng làm được gì cả... Đáng lo ngại là trong tư duy giáo dục, việc dạy làm người, dạy cách nghĩ, dạy cách học còn bị xem nhẹ, duy trì quá lâu phương pháp giáo dục lạc hậu mang tính áp đặt, nhồi nhét, khiến học sinh, sinh viên thụ động, từ đó thiếu ý thức tự chủ và khả năng độc lập suy nghĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy-học đạo đức trong nhà trường: Trang bị năng lực tự điều chỉnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO