Để người khuyết tật có thể tham gia giao thông đường bộ

Trần Ngọc Kha 29/09/2017 16:45

Đại diện Ban Vận động Hội người điếc Việt Nam kiến nghị nhà nước nên đào tạo những người thực thi nhiệm vụ (như công an, người phục vụ…) biết một số ngôn ngữ ký hiệu tối thiểu để giao tiếp cơ bản của những người điếc để giúp đỡ chúng tôi hiểu, tiếp cận và chấp hành tốt hơn luật giao thông…


Phần trình bày anh Nguyễn Tuấn Linh, Trưởng ban Vận động thành lập Hội Người điếc Việt Nam tại hội thảo. (Ảnh Trần Ngọc Kha).

Tiếp cận giao thông để người khuyết tật (NKT) có cơ hội giao lưu, hòa nhập với cộng đồng là một trong những nhu cầu hết sức quan trọng, trong đó, giao thông đường bộ là loại hình quan trọng, phổ biến nhất cũng như gắn bó chặt chẽ với cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, tại Hội thảo về chủ đề tăng cường khả năng tiếp cận giao thông đường bộ cho người khuyết tật vào sáng ngày 29/9, tại Hà Nội, bà Đinh Việt Anh, một người khiếm thị, đến từ Hội Người mù Việt Nam cho hay, “chúng tôi rất khó xác định được xe buýt nào đang đến để có thể bắt được đúng loại xe mình cần vì nhà xe không phát thanh thông báo sự hiện diện của nó. Việc hỏi những người xung quanh về những thông tin này đôi lúc bị mất thời gian vì có khi không có ai để hỏi. Hay lúc lên xe, do không nhìn thấy gì, chúng tôi thường đi chậm hơn người bình thường nên đôi khi bị lỡ chuyến hoặc bị chen lấn xô đẩy, đặc biệt là vào những giờ cao điểm. Lúc xuống xe cũng vậy, đôi khi loa thông báo điểm dừng của nhà xe bị trục trặc hoặc gặp lúc xe đông, ồn ào, không nghe rõ họ nói gì và thế là nhiều khi chúng tôi lỡ bến. Khi xuống cũng khó khăn để tìm được cho mình một chỗ đứng an toàn…”.

Anh Nguyễn Tuấn Linh, Trưởng ban Vận động Hội người điếc Việt Nam cũng có những tiếng nói hết sức thương tâm. Khó khăn lớn nhất của những người điếc khi tham gia giao thông, theo anh, là vấn đề bất đồng ngôn ngữ giao tiếp thông thường.

“Chúng tôi kiến nghị nhà nước nên đào tạo những người thực thi nhiệm vụ (như công an, người phục vụ…) biết một số ngôn ngữ ký hiệu tối thiểu để giao tiếp cơ bản của những người điếc để giúp đỡ chúng tôi hiểu, tiếp cận và chấp hành tốt hơn luật giao thông” - anh Linh nhấn mạnh.

Bởi, theo anh, ở Việt Nam, hầu hết tất cả người điếc chưa hiểu biết luật giao thông trong khi đó, tại hầu hết các phương tiện giao thông công cộng đều chưa có những thông báo, chỉ dẫn phù hợp với người điếc. Đã vậy, không phải lúc nào, mọi nơi đều có những nhân viên phục vụ ân cần, chu đáo với họ.

“Ở nhiều nước, người điếc vẫn có thể lái và sử dụng ô tô nhưng ở Việt Nam, tất cả những người điếc chúng tôi vẫn chưa được học và cấp bằng lái xe, cũng như chưa được sử dụng xe ô tô. Lý do đơn giản chỉ vì chúng tôi điếc(!)”.

Đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Corina Warfield cho rằng: Để cho 100% các khu vực giao thông đường bộ đều có thể tương thích sử dụng cho NKT thì chưa một nước nào có thể làm được nhưng để NKT có thể giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày thì đây là điều mà chúng ta có thể và cần làm tốt hơn. Bởi ngay khi bị khuyết tật là họ đã bị kém may mắn hơn chúng ta rất nhiều.

Trong thời gian qua cũng như tới đây, USAID đã và sẽ đồng hành cùng Việt Nam thúc đẩy tiến trình giành quyền bình đẳng cho NKT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để người khuyết tật có thể tham gia giao thông đường bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO