Đi học ở Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Vinh 21/08/2016 13:05

Thời gian qua, nạn hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu đã khiến người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào cảnh điêu đứng vì lúa chết khô, hoa màu mất trắng. Người lớn buộc lòng rời quê đi nơi khác kiếm sống, để lại những đứa trẻ với nguy cơ không đến trường.

* Nguy cơ bỏ học vẫn cao

Đi học ở Đồng bằng  sông Cửu Long

Gian nan đến trường mùa nước nổi.

Vì đâu nên nỗi?

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại tại ĐBSCL bao gồm: vụ lúa đông xuân 2015-2016 có 96.369ha thiệt hại, trong đó 42.100ha thiệt hại trên 70% năng suất. Vụ lúa hè thu 2016 thiệt hại 8.133ha, trong đó 6.439ha thiệt hại trên 70% năng suất. Tổng diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn là 9.427ha, với khoảng 258.000 cây giống bị thiệt hại, chủ yếu ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre).

Từng được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cả năm người nông dân nơi đây trông chờ ở mấy công lúa, nhưng đến vụ thu hoạch thì cánh đồng chỉ như một vùng cỏ cháy. Hạn, mặn gần như đã triệt đường sống của người nông dân miền Tây. Chưa năm nào người dân vùng ĐBSCL phải tha phương cầu thực nhiều như năm nay. Người trẻ trong xóm nghèo kéo nhau lên hết các thành phố lớn như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… để kiếm việc làm thuê.

Kẻ bỏ xứ đi kiếm ăn nơi khác đã tội mà những người ở lại quê nghèo còn xót xa hơn nữa. Người già lầm lũi nuôi trẻ nhỏ trong những căn nhà tuềnh toàng, chống chịu từng ngày với cái đói cái khát. Đến ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) những ngày này cảm nhận ngay được sự vắng vẻ. Bà Đặng Thị Đào, 55 tuổi, đang chuẩn bị cơm cho hai cháu ngoại. Con trai bà là Nguyễn Thanh Hiếu, năm nay 31 tuổi nhưng đã có đến hơn chục năm đi làm hồ ở Sài Gòn. Còn vợ thì làm ở Khu công nghiệp Tân Hương (Tiền Giang). Nhà bà có hơn nửa công đất trồng sả, vậy nhưng “năm nay ông trời cũng không cho ăn khi nắng hạn, mặn xâm nhập kéo dài, sả chết hết ráo. Ăn còn không có thì màng chi chuyện học hành!” - bà Đào than thở


Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh, áng chừng có thể lên đến 80% thanh niên trong xã đi làm ăn xa, nhiều nhất vẫn là tìm đến TP HCM. Chuyện học hành của con trẻ thì ở nhà chúng tự lo. Mà lo được đến đâu cũng phải chịu.

Bỏ học để kiếm sống

Cuối tháng 8, thời điểm sắp khai giảng năm học mới, tại huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) chúng tôi gặp khá nhiều trẻ em đi làm thuê, bán vé số dạo hoặc đánh giầy, bán kẹo, nhiều em đã bỏ học. Trong một số quán cà phê, quán ăn lớn ở thị trấn có hàng chục thiếu niên chạy bàn, bưng bê. Hầu hết các em cho biết do gia đình nghèo nên học xong lớp 9 thì nghỉ, đi làm kiếm tiền phụ tiếp cha mẹ, nuôi sống bản thân. Hỏi về tương lai sau này, các em đều chung suy nghĩ, trước mắt cứ đi làm thuê, sau này rồi tính.

Cũng có em như Hoàng Văn Minh- 16 tuổi, muốn học tiếp rồi học lên đại học để có việc làm sau này bớt khổ nhưng cũng không được “bởi cha mẹ nghèo không thể nuôi nổi con cái ăn học”. Nhiều em khác thật thà chia sẻ, bản thân cha mẹ mình cũng ít học, thậm chí không biết chữ nên dường như việc học hành của con cái là việc chúng phải tự lo, học được đến đâu thì học. Với nhiều gia đình, cái ăn trước mắt quan trọng hơn việc học. Cũng có em như Văn Thành- 14 tuổi vô tư kể: Em trốn học đi làm phụ gia đình nhiều nên mỗi lần tới lớp ngồi học, đầu óc rối tung nên không tiếp thu được, điểm kém nhiều chán rồi bỏ học luôn. Đi làm khổ hơn nhưng có tiền.

Tại An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… tình hình cũng tương tự. Khảo sát một số xã ven biển như Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu), Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) thì đa số trường hợp học sinh bỏ học có nguyên nhân gia đình nghèo, một số ít em không thích học hoặc do đường sá đến trường không thuận tiện khiến các em ngại đi, chán học.

Ông Nguyễn Kiên Nhẫn, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, kể có lần ông đến một ấp của xã Vĩnh Hậu - nơi có hơn 30 học sinh tiểu học nhưng giờ chỉ 5 - 6 em đi học, còn lại đều ở nhà. Tìm hiểu ra thì được biết đường đến trường của những học sinh nơi đây rất xa, tự đi thì nguy hiểm mà phương tiện công cộng không có, đi xe ôm cũng mất vài chục nghìn đồng nên việc đi học không đều, đa số các em vì thế mà bỏ học theo cha mẹ mưu sinh.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ bỏ học của ĐBSCL ở cấp tiểu học là 0,45% , THCS 3,26% và cấp THPT 3,94%. So với hai vùng miền núi có nhiều khó khăn là Tây Nguyên và Tây Bắc, tỷ lệ học sinh bỏ học ở ĐBSCL vẫn cao hơn nhiều lần. Khó khăn lớn nhất của ĐBSCL là thiếu trường, lớp và phòng học xuống cấp, hiện toàn vùng còn hơn 1.230 phòng học tạm. Nguyên nhân, theo ông Võ Trọng Hữu - Vụ trưởng Văn hóa - Xã hội, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - là do kinh tế ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, trong khi chi phí cho việc học là không nhỏ. “Có nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình. Cũng có nhiều học sinh yếu kém không theo kịp chương trình, mặc cảm với bạn bè rồi nghỉ học...”, ông Hữu cho biết thêm.

Tìm giải pháp

Ông Trác Văn Đây, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu, cho biết mấy năm qua các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh phong trào khuyến học. Bản thân các giáo viên thường xuyên theo dõi nắm số học sinh có nguy cơ bỏ học để động viên giúp đỡ kịp thời, cũng như báo cho địa phương tạo điều kiện hỗ trợ các em an tâm đi học. Ở các gia đình, phụ huynh đã phần nào quan tâm hơn đến việc học hành của con em mình... Song tỉ lệ học sinh bỏ học tại tỉnh này vẫn còn cao, đặc biệt ở bậc trung học.

Tương tự, ông Ninh Thành Viên - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang cho biết, quan trọng nhất vẫn là vai trò của nhà trường. Chúng tôi giao nhiệm vụ cho từng giáo viên chủ nhiệm phải theo sát tâm tư, tình cảm, nắm rõ hoàn cảnh cụ thể của những học sinh có nguy cơ bỏ học cao. Kinh nghiệm thực tế cho thấy nhiều lúc chỉ cần một lời động viên ân cần của thầy cô, bạn bè là học sinh bỏ học đã trở lại lớp.

Tham dự hội nghị tổng kết 5 năm phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhận định ĐBSCL là vùng trũng về giáo dục, vì thế ngành giáo dục vùng này cần nhìn thẳng vào những khó khăn cụ thể để đề xuất, kiến nghị cụ thể về cơ chế, giải pháp tháo gỡ.

Nguyên nhân đã phân tích và giải pháp cũng được gợi mở, để nhanh chóng thoát khỏi vùng trũng giáo dục, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, nhiệm vụ hàng đầu và thường xuyên của giáo dục khu vực ĐBSCL là phải huy động hết trẻ em đến trường và chống bỏ học chứ không phải chạy theo thành tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi học ở Đồng bằng sông Cửu Long

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO