Đi tìm kiến trúc Việt

KTS Trần Huy Ánh 28/01/2017 10:10

Hàng ngày ta nghe thấy đây đó tin vui kiến trúc Việt Nam đạt giải quốc tế tưng bừng- phải chăng kiến trúc Việt ta đã có vị thế ngang tầm thế giới? Nhưng hàng ngày ta cũng không khỏi thảng thốt lo âu khi thấy những làng quê đổi thay nhanh tới mức ta không nhận ra: nhiều nơi chốn thân quen đã bị biến mất không một chút dấu vết.

Chùa Trấn Quốc (Hà Nội).

Ngay trên đường phố, sau những tấm bạt che, nhiều ngôi nhà, góc phố đã lưu dấu thời gian cả trăm năm cũng đang đập bỏ để xây lên những công trình mới, những cái mới có làm nên bản sắc kiến trúc Việt mới?

Nhịp sống mới đang dồn dập tới những ngóc ngách phố phường, đường làng ngõ xóm…khung cảnh sống cũng thay đổi không ngừng…còn kiến trúc Việt- bản sắc mới vẫn chỉ là câu hỏi.

Chúng ta hãy bắt đầu từ những công trình đình, chùa Việt Nam- nơi lưu giữ bền vững bản sắc kiến trúc Việt, liệu hôm nay có gì còn mất…

Đi qua thành phố Kawagoe (Nhật Bản), chúng tôi nhìn thấy cộng đồng cư dân đang quét dọn ngôi nhà chung (giống như ngôi Đình của nước ta), chúng tôi nhận ra có nét chung ở nơi quê nhà: nơi có bà cụ đang miệt mài quét sân trong đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội), ấy là ta đã thấy ở những nơi xa lánh chốn phồn hoa, người Việt ta vẫn còn giữ được nét đẹp: yêu quý, bảo vệ những không gian văn hóa, lịch sử, tôn giáo.

Bước sang bên kia đường là ngôi đền Kitain, có lịch sử từ năm 830, và có vườn có 540 bức tượng Gohyaku Rakan, các môn đệ của Đức Phật, mỗi bức là một tác phẩm điêu khắc đá tinh xảo. Cổng vào ngôi đền rất khiêm nhường, làm ta liên tưởng đến cổng vào chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh), cái tên nhắc đến dòng sông Tiêu Tương huyền thoại, đã tưới tắm cả vùng văn hóa Kinh Bắc rực rỡ một thời.

Nói đến cổng đình, đền, chùa Bắc bộ… các KTS đã hình dung những chi tiết đắp vẽ bay bướm nhưng rất trang nghiêm, bề thế uy nghi và mời gọi, ví dụ ngay cổng đền Phù Đổng, nhưng những công trình đình chùa mới xây gần đây làm ta ái ngại về kích thước của nó. Có những cổng làng xây to gấp 4 lần cổng cũ cả chiều cao lẫn chiều rộng, nhưng ngôi làng đã biến mất từ lâu, ruộng làng đã thành đô thị đã đành, dân làng chỉ còn phần nhỏ, lệ làng không có ai còn nhớ.

Có những ngôi chùa mới xây khác hẳn với chùa Việt xưa: chùa mới to lớn kềnh càng nhưng tỷ lệ tùy tiện, cổng chùa rộng hoác, mô phỏng hình thức cổng thành thời nhà Chu, nhà Minh (Trung Quốc) rộng mênh mông, lát đá khô lạnh, mái chùa cao vời vợi , khiến con người trở lên nhỏ bé, xa lạ. Không kể hầu hết các chi tiết đắp vẽ, chạm đá rất sơ sài về nội dung, thiếu sáng tạo về thể hiện (sao chép các bức tranh tôn giáo in sẵn tại Ấn Độ, Đài Loan (TQ), Thái Lan) và gia công rất cẩu thả, tối nghĩa.

Chỉ cần so sánh hai không gian chùa cũ/chùa mới ta cũng đã nhận ra kích thước con người gần xa/ấm lạnh; tinh tế/vụng về ra sao. Chùa Việt cả ngàn năm tinh chỉnh để tự mình kiêu hãnh bên cạnh gã khổng lồ, triết lý “dùng phương tiện tối thiểu để biểu đạt tối đa tư tưởng mạnh mẽ, vững chãi”. Khiêm nhường nhưng không kém phần ngạo nghễ.

Chùa mới đã không tiếp biến được những bản kiến trúc chùa Việt truyền thống đặc sắc. Có ngôi chùa mới còn mạnh dạn đưa thêm cả nội dung tín ngưỡng mới- phải chăng hình thức của các ngôi chùa cũng cần biến đổi cho phù hợp với đức tin mới.

Rồi chúng ta cũng sẽ còn băn khoăn và đau xót trước câu hỏi: Sao chúng ta không tạo dựng bản sắc không gian sống khôn ngoan hơn, và chính sự khôn ngoan ấy làm nên bản sắc Việt, không chỉ là kiến trúc mà rộng hơn là lối sống Việt nữa: yêu quý thiên nhiên, quý trọng truyền thống và lanh lợi, thích ứng để đi tới tương lai.

Tháng 8/2016, tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Quảng Nam và Diễn đàn đô thị Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Quy hoạch và Phát triển Đô thị hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Khoảng 200 đại biểu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ các Tổ chức thành viên của Diễn đàn đã hào hứng tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến.

Chúng tôi đã bắt đầu cuộc thảo luận bằng những câu hỏi: Tại sao phải xây khu du lịch lớn tốn kém, toàn bê tông kính chớp giữa khu vực vốn thiên nhiên đã thu hút khách du lịch cao cấp. Vẽ ra dự án với đầu tư vô cùng lớn, nằm ngoài khả năng của địa phương và không quan tâm đến thị trường…trong khi các thành phố gần đó đã có hàng trăm dự án tương tự đã đầu tư đang ế ẩm, thậm chí có dự án tỷ đô gần đó vẽ ra và đắp chiếu 15 năm trời?

Tại sao thành phố có 200 ngàn dân phải làm đường cao tốc tốn kém, cắt thành phố thành những mảnh riêng biệt, trong khi đã có đường xá khang trang, xuyên qua những rừng cây xanh mướt, dân cư hiền hòa, gắn kết?

Tại sao thành phố có thế mạnh thiên nhiên, khả năng chống chịu mềm dẻo với biến đổi khí hậu khắc nghiệt lại dại dột “chui đầu “vào cạm bẫy rắc rối, vay nợ, phụ thuộc vào những viễn cảnh mơ hồ? Tại sao không tạo dựng bản sắc trên vốn quý của mình mà nhập khẩu những mô hình lạc hậu mang mỹ từ “hiện đạị”.

Con đường đi tìm bản sắc kiến trúc Việt có lẽ không xa lạ, nó có thể không xuất hiện ở trong các thành phố hào nhoáng mà có thể ở những nơi xa xôi - nơi mà cơn lốc phát triển thiếu cân nhắc chưa chạm tới. Nơi người Việt biết quý những gì tổ tiên đã để lại và chưa kịp bị tàn phá một cách dại dột.

Tại phố cổ Hà Nội, giữa nơi dày đặc người xe, thành phố đã can đảm triển khai phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Chúng ta có thể nhận ra khung cảnh thành phố thay đổi thế nào khi ta tổ chức cuộc sống thông minh hơn. Trong khu phố cổ Hà Nội những ngôi nhà cổ được đầu tư phục dựng nhưng vẫn sống èo uột giữa chốn phồn hoa.

Số nhà 38 Hàng Đào đã thử nghiệm mô hình nhà trưng bày những sản phẩm thời trang mỹ nghệ cao cấp. Trong ngôi nhà cổ phục dựng, những hàng hóa Việt đã được hồi sinh trong khung cảnh trang trọng. Cuộc thử nghiệm này với hy vọng: trên con phố đắt giá nhất Việt Nam cần phải trở thành không gian phát triển hàng hóa có giá trị cao , những sản phẩm mang thương hiệu Việt cao cấp được bày bán trong những ngôi nhà đã tạo nên bản sắc kiến trúc nhà hàng phố Việt.

Nếu như thử nghiệm thành công, những ngôi nhà lân cận không cần đến những khuyến nghị dài dòng, các chủ nhà sẽ tự chỉnh trang để làm ngôi nhà mình có hình thức chọn lọc hơn, sẽ khai thác những phong cách nghệ thuật kiến trúc truyền thống sáng tạo hơn - đó chính là cách mà những ngôi nhà trên phố Hàng Đào trước đây đã từng hình thành và phát triển.

Phải chăng con đường tìm kiếm bản sắc kiến trúc Việt không chỉ loay hoay với trò chơi “chữ nghĩa” hay những cuộc tranh luận. Thay vì luận bàn đến những vấn đề lớn bằng cách đưa ra những ví dụ cụ thể. Nói về kiến trúc thì cũng là nói về cuộc sống bên trong và bên ngoài không gian kiến trúc. Con đường đi tìm bản sắc kiến trúc Việt hôm nay đã nằm ngoài cách tiếp cận bình thường của giới kiến trúc sư Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi tìm kiến trúc Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO