Điểm sàn đại học

Minh Minh 16/07/2017 10:50

Mới đây, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga đã cho biết: Trước mùa tuyển sinh năm 2018, Bộ GDĐT thảo luận về quy chế tuyển sinh ĐH nên vấn đề bỏ điểm sàn sẽ được tính toán cụ thể hơn. Trong đó, nhiều khả năng sẽ bỏ điểm sàn từ kỳ tuyển sinh năm 2018. Vì vậy, những tiêu chí để kiểm soát chất lượng đào tạo, nguồn tuyển sinh của các trường ĐH khi bỏ điểm sàn sẽ được Bộ GDĐT công bố vào trước mùa tuyển sinh năm 2018.

Thật ra, nhiều năm nay, vào mỗi mùa tuyển sinh, việc có nên giữ điểm sàn hay không đã có sự tranh luận đa chiều giữa các trường. Hầu như năm nào, các trường ĐH,CĐ ngoài công lập đều đề nghị Bộ GDĐT bỏ mức giới hạn điểm sàn vì điểm sàn được cho là gây khó khăn đối với nguồn tuyển cho những trường này. Dư luận cũng cho rằng việc bỏ điểm sàn có thể giúp các trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh dễ dàng hơn, người dân có cơ hội học tập.

Tuy nhiên, lâu nay, chúng ta dường như vẫn chỉ kiểm soát nguồn tuyển sinh “đầu vào” mà không chú trọng đến thắt chặt “đầu ra”. Hầu như sinh viên nào đã vào ĐH thì đều được tốt nghiệp và …thất nghiệp.

Thực ra, những trường ĐH tốp trên thường tuyển chọn thí sinh cao hơn mức điểm sàn nhưng đối với những trường tốp giữa hoặc thấp hơn thì việc Bộ GDĐT “áp” điểm sàn hay không lại rất quan trọng trong công tác tuyển sinh. Một trong những nguyên nhân nổi cộm là vì có những thí sinh đạt điểm rất cao ở môn nào đó nhưng tổng cộng cả 3 môn thi không đủ điểm sàn nên không đạt tiêu chuẩn để xét tuyển.

Bộ GD-ĐT từng cho rằng, mức giới hạn điểm sàn đưa ra là nhằm giữ được chất lượng “đầu vào” tuyển sinh ĐH,CĐ. Thế nhưng, khi Bộ GDĐT hé lộ khả năng bỏ mức điểm sàn thì dư luận lại lo ngại về cách thức để đảm bảo chất lượng “đầu vào” của các trường.

Đồng tình với quan điểm bỏ mức điểm sàn xét tuyển ĐH nhưng PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, nếu Bộ cho phép các trường ĐH được tuyển sinh bằng học bạ thì cũng cần có sự kiểm tra sát việc đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh của các trường. Ngoài ra, vì uy tín, thương hiệu đào tạo, các trường phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Theo ông Phan Huy Phú- Hiệu trưởng ĐH Thăng Long đã đến lúc các trường phải thắt chặt hơn việc cho sinh viên tốt nghiệp. Không phải sinh viên nào đã vào được trường học là đều đỗ tốt nghiệp. Nếu sinh viên nào không học tập tốt thì có thể phải học lại và thời gian tốt nghiệp có thể lâu dài hơn với những em học tập thực chất, đạt hiệu quả cao.

Nhiều quan điểm đa chiều tưởng như trái chiều song tựu chung vẫn thống nhất quan điểm khi Bộ GDĐT bỏ mức điểm sàn thì các trường phải đưa ra tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như thắt chặt việc cho sinh viên tốt nghiệp. Có như vậy mới bớt đi tình trạng cử nhân thất nghiệp tràn lan hoặc buộc phải làm trái ngành nghề đào tạo như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm sàn đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO