Đối diện nguy cơ ô nhiễm

Hoàng Anh (tổng hợp) 18/12/2016 12:00

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Việt Nam là một trong 10 quốc gia có nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, nhưng vài năm trở lại đây, ô nhiễm môi trường nuôi ngày càng tăng khiến nghề này đứng trước những thách thức lớn.

Đối diện nguy cơ ô nhiễm

Sông Đồng Nai đang ô nhiễm nặng (Ảnh: Báo Thanh Tra).

Dấu hiệu đàn cá suy giảm

Ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, nước ta có tiềm năng nuôi trồng thủy sản biển rất lớn với diện tích có khả năng nuôi trồng gần 250.000ha, trong khi diện tích nuôi trồng thực tế chỉ khoảng 40.000ha.

Thế nhưng việc nuôi trồng thiếu quy hoạch, trình độ kỹ thuật sản xuất kém và ô nhiễm môi trường gia tăng khiến nghề biển phát triển thiếu bền vững. Riêng tại Khánh Hòa, thời gian qua nhiều vùng nuôi thủy sản truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng do môi trường ô nhiễm.

Điển hình vào cuối tháng 7 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã nhận được thông báo của các địa phương về việc nghề nuôi cá lồng chết tại vùng nuôi Hòn Lăng- Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) và Cam Phúc Nam (TP Cam Ranh) bị ô nhiễm.

Riêng tại vùng nuôi Cam Phúc Nam, có 50 hộ bị ảnh hưởng với khoảng 600 lồng. Qua lấy mẫu phân tích, cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân làm cá chết hàng loạt do nhóm vi khuẩn Streptococcus sp gây ra (bệnh bỏng đỏ).

Báo cáo cho rằng: “Môi trường có ô nhiễm cục bộ, sự biến đổi thời tiết bất thường, đàn cá có dấu hiệu suy giảm sức đề kháng và vi khuẩn Streptococcus sp đã xâm nhập vào cơ thể cá nuôi gây nhiễm khuẩn nặng đối với đàn cá”. Còn tại khu vực nuôi Hòn Thị (Thị xã Ninh Hòa), liên tục nhiều lần trong năm nay đã xảy ra những đợt cá chết.

Tại 43 hộ, 870 ô lồng với số lượng hàng trăm tấn cá bị chết, đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân cá chết cũng do ô nhiễm môi trường, cá bớp bị nhiễm khuẩn Vibrio alginolyticus (một loại vi khuẩn kỵ khí); mẫu xét nghiệm có vết vi khuẩn dày đặc.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng nhiễm độc do sứa bi, độ nhớt cao trong lúc vệ sinh lồng bè kém gây hiện tượng thiếu ôxi cục bộ trong lồng nuôi, cùng với thời tiết nắng nóng dẫn đến cá bị stress mà tác nhân cơ hội là vi khuẩn Vibrio tấn công, gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.

Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy, ở các tỉnh như Bình Thuận, Phú Yên… nghề nuôi biển cũng điêu đứng không kém. Đa số ý kiến cho rằng, môi trường nuôi ở các vùng biển đang ô nhiễm nặng thì tần suất, thủy sản chết gia tăng.

Sông Đồng Nai lại bị “bức tử”?

UBND tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức cuộc họp với các sở ngành, địa phương nhằm chấn chỉnh nạo vét, thông luồng, tận thu khoáng sản trên sông Đồng Nai Theo đánh giá của các ngành chức năng, trên sông Đồng Nai thời gian trước, tình trạng thi nhau nạo vét, thông luồng được coi là… loạn, sau đó được chẩn chỉnh.

Tuy nhiên, đến nay nếu như đoạn sông qua TP Biên Hòa việc nạo vét, thông luồng không còn rầm rộ thì ở các nhánh sông, các dự án nạo vét từ bộ tới tỉnh len lỏi khắp ngõ ngách.

Hiện việc nạo vét, tận thu khoáng sản và khai thác cát diễn ra khắp các con suối, rạch, những nhánh sông nhỏ, thậm chí những đoạn sông “cụt” ở các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu và TP Biên Hòa.

Quá trình nạo vét được xác định đã gây sạt lở tràn lan, khiến người dân bức xúc. Điều đáng báo động, những đối tượng nạo vét “chui” thường quy tụ nhiều tay giang hồ có “số” để đứng ra bảo kê, “tính sổ” những ai dám tố cáo hoặc xâm nhập vào địa bàn hoạt động của chúng.

Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cũng thừa nhận, từ nhiều năm qua, sông Đồng Nai bị “rút ruột” cạn kiệt bởi nạn khai thác cát. Nhiều khu vực sông ở trung tâm TP Biên Hòa, các huyện Định Quán, Tân Phú, Long Thành, Nhơn Trạch bị “cát tặc” cạp nham nhở, đất đai hoa màu trôi xuống sông nhưng người dân chẳng cách nào ngăn chặn.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, thừa nhận: “Việc chống cát tặc hiện có sự phối hợp của nhiều bộ phận, lực lượng nhưng vẫn chưa triệt để”.

Hiện tại, trên các lưu vực sông Đồng Nai, len lỏi khắp thượng nguồn và hạ lưu có 14 đơn vị được cấp phép nạo vét. Trong đó, 6 đơn vị do tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương, 8 đơn vị do Bộ GTVT cấp phép. Các đơn vị do Bộ GTVT cấp phép cũng nạo vét, tận thu ồ ạt trên các nhánh sông.

Báo cáo tại các cuộc họp liên quan của tỉnh, các đơn vị quản lý đều khẳng định: Hầu hết các dự án nạo vét, thông luồng đều bị người dân phản ánh làm sạt lở bờ sông, ảnh hưởng hai bên bờ, ảnh hưởng nặng đến người dân nuôi trồng đanh bắt thủy sản.

Các đơn vị giám sát cũng khẳng định, có hiện tượng lợi dụng dự án khai thác để trà trộn, hút cát trái phép vào ban đêm gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự tại các địa bàn.

Hiện công tác nạo vét, thông luồng của các đơn vị trên sông Đồng Nai bị các đơn vị quản lý, giám sát của tỉnh Đồng Nai đánh giá là không đem đến hiệu quả như cam kết. Các dự án đa phần thực hiện chậm, không đảm bảo tiến độ, tìm mọi cách kéo dài thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối diện nguy cơ ô nhiễm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO