Đồng bằng sông Cửu Long: Kiệt quệ vì hạn, mặn

Quốc Trung - Quốc Khánh 15/03/2016 09:05

Với tốc độ xâm nhập mặn hiện nay nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ bị kiệt quệ trong vòng 3 năm tới. Cụ thể, đất nông nghiệp, lương thực sẽ trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn… là những vấn đề được PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa, Trường đại học Cần Thơ cảnh báo tại Hội thảo giải pháp phòng, chống hạn, mặn cho cây trồng và vật nuôi vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức ngày 14/3.

Đồng bằng sông Cửu Long: Kiệt quệ vì hạn, mặn

Nông dân ấp Tây Sơn 3, xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) thẫn thờ
nhìn những bông lúa chết khô vì thiếu nước và nhiễm mặn. (Ảnh: Trọng Đạt)

Cảnh báo nông nghiệp trong 3 năm tới

Hội thảo lần này nhằm cung cấp, trao đổi các thông tin, báo cáo khoa học xoay quanh vấn đề hạn, mặn đang diễn ra khốc liệt, cũng như thích nghi với tình trạng này tại ĐBSCL; nhằm đi đến tiếng nói chung, thống nhất góp phần giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn gây ra cũng như ứng phó với nó một cách hiệu quả nhất.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, đến nay, 11/13, tỉnh, thành vùng ĐBSCL gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận đã bị mặn xâm nhập sâu gây ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Tổng diện tích lúa Đông - Xuân bị thiệt hại đến thời điểm này lên hơn 140.000 ha, trong đó có gần 90.000 ha thiệt hại trên 70% năng suất, gần 50.000 ha thiệt hại từ 30 – 70% năng suất. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Cà Mau (hơn 49.000 ha), Kiên Giang (hơn 34.000 ha), Bạc Liêu (11.456 ha), Bến Tre (13.844 ha),…. Trong nửa tháng 3 còn lại và các tháng 4, tháng 5 tới, dự kiến khoảng hơn 50.000 ha lúa Đông – Xuân bị thiệt hại thêm. Vùng cách biển từ 45-70 km có nguy cơ thiếu nước ngọt ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Tại Hội thảo, PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa nhận định: ĐBSCL sẽ giảm bớt diện tích nông nghiệp, giảm diện tích đất trồng cỏ cho gia súc, giảm phát triển chăn nuôi gia súc; đồng thời sẽ tăng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Nền nông nghiệp ĐBSCL sẽ co hẹp đáng kể. Còn PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL thông tin: Trung tuần tháng 3 này, tình hình xâm nhập mặn vào nội đồng trong khu vực tiếp tục khốc liệt. Tình hình hạn, mặn đang lấn sâu vào trên 90km, sông Tiền 65km và sông Hậu 60 km, phía biển Tây, hạn mặn cũng lấn sâu vào gần 60km gây tác hại nghiêm trọng tới canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ở Cần Thơ, lần đầu tiên nước mặn xâm nhập trên sông Hậu tràn đến Cái Răng. Hiện nay độ mặn đo được trên 1%o. Do khan hiếm nước ngọt nên người dân đang khai thác mạnh nguồn nước ngầm làm cho trung bình 1 năm giảm khoảng 40cm nước ngầm.

GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ cho biết, ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn. Sự ảnh hưởng của hạn, mặn đang ngày một hiện hữu, rõ nét với khu vực này và đang có những tác động lớn đến nông nghiệp cũng như đời sống người dân nơi đây.

Đồng bằng sông Cửu Long: Kiệt quệ vì hạn, mặn - 1

Chở nước cho bà con vùng hạn, mặn.

Đưa giải pháp hữu hiệu

Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhiều doanh nghiệp khu vực ĐBSCL. Các ý kiến tập trung vào đánh giá tình hình hạn mặn; biện pháp hạn chế ngộ độc mặn cho cây trồng; biện pháp phòng, chống và cải tạo đất bị xâm nhập mặn; ảnh hưởng của xâm nhập mặn lên hệ thống chăn nuôi ở ĐBSCL; ảnh hưởng của tưới nước mặn đến sinh trưởng cây lúa; giống lúa chống chịu mặn ở ĐBSCL.

Ông Nguyễn Kim Phúc - Giám đốc Công ty Th​ủy điện Trị An cho biết, hồ Trị An đang duy trì lưu lượng xả nước từ 100-130m3/s để tham gia đẩy mặn cho vùng hạ du sông Đồng Nai.

PGS.TS Lê Anh Tuấn khuyến cáo, trước tình hình hạn, mặn nghiêm trọng, cần đề ra các chiến lược ứng phó với hạn mặn trong đó tăng cường quan trắc, dự báo sớm tình hình hạn, mặn cho nhân dân biết; triển khai hoàn chỉnh các công trình thủy lợi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cạn ít tiêu thụ nước, hoặc nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn ở những vùng bị hạn hán nặng; tưới nước tiết kiệm; tăng cường truyền thông về nguy cơ hạn mặn đến cộng đồng.

Theo đó, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL đề xuất 7 giải pháp thích ứng là: Chọn cây con chống chịu hạn, mặn; điều chỉnh lịch thời vụ; rà soát thay đổi chính sách cho phù hợp; tăng cường tích trữ nước; giảm thiểu thất thoát nguồn nước; xác định đúng thời điểm tưới nước; áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm.

GS.TS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ - người có gần nửa thế kỷ gắn bó với đồng ruộng ĐBSCL nhận định: Chuyện nước mặn xâm nhập không phải bây giờ mới xuất hiện. Tuy nhiên, các cơ quan của Bộ NN-PTNT cũng chưa cảnh báo cũng như khuyến cáo nông dân về chuyển đổi cơ cấu sản xuất nên nông dân vẫn cứ trồng lúa, bất chấp thiên nhiên có cho phép hay không. Một số tỉnh trong vùng Tứ giác Long Xuyên qui hoạch vùng ngọt hóa nhưng nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa. Nói đến nước mặn thì chúng ta chỉ mới đề cập đến phần gây hại cho lúa mà không đề cập đến lợi thế của nước mặn mang lại cho nông dân một số vùng ven biển. Bà con đã khai thác nước mặn để nuôi trồng thủy sản mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Hàng chục ngàn hộ nông dân ở vùng ven biển Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã biết khai thác lợi thế của nước biển qua đó đã đổi đời. Tư duy về nước mặn là kẻ thù, rồi ngăn mặn, không còn hợp thời này nữa.

Theo GS Võ Tòng Xuân, không nên tiếp tục buộc nông dân trồng lúa quá nhiều trong khi có thể sản xuất nhiều sản phẩm khác có giá trị hơn lúa.

Ninh Thuận công bố thiên tai hạn hán

Ngày 14/3, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chính thức công bố tình trạng thiên tai hạn hán xảy ra trong vụ Đông - Xuân 2015-2016. Đây là tỉnh thứ 2 tại khu vực Nam Trung bộ công bố thiên tai hạn hán sau tỉnh Bình Thuận.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Hiện tại, các hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ đạt 30-35% dung tích thiết kế, dự kiến đến đầu vụ Hè Thu dung tích trữ còn lại khoảng 25% dung tích thiết kế. Theo tính toán của Sở NN&PTNT tỉnh thì 11/21 hồ đủ đáp ứng tưới cho vụ Đông-Xuân, 1 hồ đáp ứng 1 phần và 9/21 hồ không đủ khả năng tưới cho vụ Đông Xuân (phải dừng sản xuất). Vụ Hè Thu chỉ có 4/21 hồ đáp ứng đủ tưới, 6/21 hồ đáp ứng được 1 phần nhu cầu và 9/21 hồ không có khả năng phục vụ sản xuất. Hiện tại, ở vụ Đông Xuân diện tích phải dừng sản xuất là 5.775 ha, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng là 1.031 ha. Dự kiến, diện tích dừng sản xuất ở vụ Hè Thu hơn 10.000 ha.

Văn Nhất

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Kiệt quệ vì hạn, mặn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO