Đồng bằng Sông Cửu Long: Nỗi lo tôm, cá phá cây lúa

Lam Hồng - Đại Dương 27/08/2016 08:30

Từ bao đời nay, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) con tôm, con cá luôn quấn quýt với kênh rạch, mương vườn, ruộng lúa để sinh sôi, phát triển tự nhiên. Nhưng đến nay, chuyện “con tôm, con cá phá cây lúa” đã xảy ra.

Gần đây, cá lóc thương phẩm tăng giá, nên hàng trăm người dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đổ xô đào ao nuôi cá. Nhưng rồi, nước thải ao cá xả thẳng ra kênh, bốc mùi hôi, sậm màu, đến nỗi cá dưới kênh lăn ra chết. Đó là những gì đang xảy ra hằng ngày tại xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Không chỉ chuyện xả thải mà hậu quả của việc nước ô nhiễm đã dẫn đến nhiều diện tích lúa bị chết. Người nông dân thất thu vì nước xả thải. Do sử dụng nước ô nhiễm từ các ao cá nên năng suất lúa sụt giảm đáng kể. Ông Nguyễn Văn Chum, xã Thường Thới Tiền cho biết: “Mùa rồi sạ khi vô nước lấy nguồn nước của hầm cá là lúa từ từ chết dần, chết trọi lỏi luôn. Mà sau này có lên cây nào nó cũng bị thúi. Năng suất còn chòm đóm vậy thôi, như vậy là lỗ nặng rồi còn năng suất gì nữa đâu”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, toàn huyện hiện có 7/11 xã nuôi cá lóc, diện tích mặt nước khoảng 20 hecta với 488 ao trong đó báo động nhất là xã Thường Thới Tiền chiếm gần 10 hecta với hàng trăm ao và chỉ đào ao trong vòng một tháng.

Đó là câu chuyện con cá ở tỉnh Đồng Tháp, chuyện con tôm “đấu đá” với cây lúa cũng là điều đáng bàn. Hơn một tháng trước đây, nhiều hộ dân ở ấp Nam Quý, xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang mất ăn mất ngủ vì vụ lúa hè thu mới gieo sạ đã chết sạch do bị nhiễm mặn. Chỉ riêng cánh đồng tứ giác nằm giữa kênh xáng Xẻo Rô, kênh Thứ Năm, kênh Nhị Tỳ và kênh Ba Ngàn đã có gần 100 hộ với hơn 1.000 công đất bỏ trắng hoặc lúa đã chết vì nhiễm mặn. Nguyên nhân được người dân xác định là do một số hộ tự ý cuốc đất ruộng làm vuông và bơm nước mặn vào để nuôi tôm khiến nước mặn lan sang ruộng lúa. Có những thửa ruộng cây lúa cao hơn gang tay cũng héo vàng.

Để giải quyết cho việc ô nhiễm tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Buôl- Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước mắt UBND huyện chỉ đạo các hợp tác xã trên địa bàn nạo vét hệ thống tưới tiêu thông thoáng, có lịch tưới tiêu cụ thể làm sao khi bơm nước hoà loãng hầm cá không ảnh hưởng đến hộ trồng lúa. Hộ phát sinh mới thì lập biên bản cam kết không cho đào, quản lý phương tiện múc hầm cam kết không đào.

Còn với con tôm tại tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Công Trận- Chủ tịch UBND huyện An Biên cho hay, ông đã cùng Bí thư Huyện ủy trực tiếp xuống xã Đông Thái và chỉ đạo kiểm tra, lập biên bản để xử lý các hộ tự ý nuôi tôm sai quy hoạch, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người dân. Riêng những trường hợp cán bộ huyện, tỉnh thuê đất nuôi tôm gây thiệt hại, UBND huyện sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm, trường hợp là đảng viên cũng sẽ đề xuất xử lý về mặt Đảng, không bao che.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng Sông Cửu Long: Nỗi lo tôm, cá phá cây lúa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO