Giải bài toán chất lượng giáo viên

Thu Hương 14/08/2017 09:45

Sẽ ra sao nếu để những giáo viên từng có điểm đầu vào khi học ngành sư phạm chỉ 3 điểm 1 môn giảng dạy trên bục giảng? Ngay cả khi người đó có thừa đam mê và nhiệt huyết, yêu nghề. Nhiều chuyên gia đã hiến kế để thay đổi tình trạng này.

Ảnh minh họa.

Những con số biết nói

Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay khối lượng trường sư phạm (SP), các ngành đào tạo SP trong các trường ĐH,CĐ trên cả nước là 49 trường SP và 106 khoa SP. Các cơ sở này trong năm học 2016-2017 đào tạo được 65.300 chỉ tiêu SP, năm học 2017-2018 là 52.000 chỉ tiêu.

Tuy nhiên, theo Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/4/2016, số lượng cần đào tạo thay thế số giáo viên nghỉ hưu (khoảng 130.000 người) và đào tạo bổ sung số giáo viên tăng thêm (khoảng 60.000 người). Nhưng chỉ trong 2 năm đầu thực hiện Đề án, chúng ta đã tuyển đến 117.300 chỉ tiêu. Trong 2 năm sắp tới, các trường SP chỉ cần đào tạo 72.700 chỉ tiêu, một con số có vẻ khó khả quan trong tình hình hiện nay.

Như vậy, số lượng cử nhân SP dôi dư sau khi được đào tạo sẽ đi đâu, về đâu là một bài toán khó cho không chỉ riêng ngành giáo dục mà còn là toàn bộ xã hội.

Nhất là khi, chính ngành giáo dục đã có những cảnh báo rõ ràng là đến năm 2020 cả nước có nguy cơ thừa đến 70.000 cử nhân SP. Lãng phí như vậy, tại sao vẫn đào tạo tràn lan? Đòi hỏi cấp bách từ thực tế cần quy hoạch lại hệ thống các trường SP đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để thì mùa tuyển sinh vừa qua, việc cử nhân SP chỉ có đầu vào vừa bằng ngưỡng điểm sàn Bộ GDĐT công bố khiến dư luận lo lắng.

Thậm chí, một số trường CĐSP địa phương công bố mức điểm trúng tuyển chỉ cần 9 điểm cho 3 môn thi THPT Quốc gia quả là một thực tế không thể buồn hơn cho những người tương lai sẽ đứng trên bục giảng để giảng dạy cho thế hệ trẻ của đất nước. Kiến thức phổ thông thiếu hụt, đào tạo CĐ,ĐH liệu bù đắp được đến đâu? Chất lượng sinh viên ra trường không thể không báo động.

Hút người tài bằng chính sách

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT) trong Hội nghị trực tuyến của ngành giáo dục vừa qua có khẳng định không phải ngành SP cứ lấy điểm cao thì sẽ hút được thí sinh có điểm cao vào mà cần có những chính sách thu hút người tài. Trong đó, việc miễn giảm học phí hiện nay không còn là một ưu thế quá lớn như trước đây do nhiều yếu tố như các chính sách của nhà nước cho sinh viên nghèo vay để học ĐH, cơ hội làm thêm ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường khiến nhiều sinh viên có thể tự trang trải cuộc sống của bản thân, các học bổng của doanh nghiệp, địa phương... tiếp sức cho học sinh, sinh viên nghèo...

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Tất Thắng-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng khi mới có chủ trương miễn học phí cho sinh viên SP, thì điểm của các trường SP thuộc top cao nhất, và điều này kéo dài trong một số năm. Sau đó, do những biến động về kinh tế-xã hội, những chính sách ấy ở thời điểm này dường như không còn sức hấp dẫn. Nhìn sang các trường công an, quân đội, cũng được miễn học phí với đầu ra ổn định, học viên tốt nghiệp được bố trí công việc với thu nhập tương đối nên tuyển được các thí sinh có điểm đầu vào cao. Đây có thể là một lưu ý để khi xây dựng chính sách ưu đãi với các trường SP trong giai đoạn tiếp theo.

Ngay cả người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhìn nhận: “Ngành SP muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được”.

Cần thiết quy hoạch hệ thống các trường sư phạm

Khi đào tạo không tính đến nhu cầu thị trường cần bao nhiêu, chắc chắn sẽ dẫn đến việc hàng ngàn cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường. Đó là câu chuyện của không chỉ riêng ngành giáo dục mà ở tất cả các ngành khác như kinh tế, văn hóa...

Trong khi đó, tuyển sinh tràn lan cũng là một trong những nguyên nhân gây nên điểm đầu vào các ngành SP thấp kỷ lục như hiện nay. Mặc dù ở trên bà Phụng cũng khẳng định không phải ngành SP cứ lấy điểm cao thì sẽ trở nên “có giá”, những thí sinh điểm cao sẽ đầu quân vào. Nhưng rõ ràng, nếu “siết” chỉ tiêu đào tạo sư phạm chặt chẽ hơn, theo đúng nhu cầu thị trường cần chứ không phải theo năng lực nhà trường có thể đáp ứng đào tạo được bao nhiêu thì chắc chắn không thể có hiện tượng 3 điểm 1 môn thi cũng có thể đàng hoàng đỗ vào trường SP.

Thừa nhận hiện nay Bộ GDĐT chưa quản lý thống nhất về chỉ tiêu đào tạo giáo viên trong các trường SP, GS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng việc các trường SP đang tồn tại nhiều trình độ đào tạo khác nhau cũng là một bất cập lớn với chuẩn đầu ra của giáo viên sau này…
Để khắc phục tình trạng này, ông Minh cho rằng cần phải có kế hoạch để đầu tư cho các trường SP, trong đó cần phải tập trung nghiên cứu về dân số, về quy mô, về độ tuổi, về phân bố địa lý, về dự báo số lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu mô hình, cách thức có trọng tâm trọng điểm, đánh giá năng lực của từng trường để có nguồn lực đầu tư phù hợp.

“Quy hoạch mạng lưới các trường SP là cần thiết. Trong đó, Bộ GDĐT cần phải có định hướng rõ ràng, đâu là trường trung tâm, đâu là phân hiệu, đâu là cơ sở đào tạo vệ tinh. Từ đó phân công nhiệm vụ phù hợp như: Nơi nào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi nào đào tạo theo nhu cầu, nơi nào là nơi đào tạo bổ sung, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo”- theo ông Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán chất lượng giáo viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO